Đánh giá về sự thành công của ca ghép phối từ người cho chết não, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tập thể, cán bộ, nhân của Bệnh viên Trung ương Quân đội 108. Người đứng đầu ngành y tế cũng khẳng định, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các ghép tạng.
Chiều 28/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tham dự buổi sơ kết đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Làm chủ hầu hết các ghép tạng
Bộ trưởng Y tế khẳng định, việc thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não là một niềm vui lớn của ngành y tế. Thứ nhất là niềm vui về thành tựu khoa học công nghệ, đối với trường hợp này là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, ý chí vươn lên của tập thể, đảng ủy, Ban giám đốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong một thời gian ngắn với một đề tài độc lập cấp Nhà nước và đề án thành lập Trung tâm Khoa học Công nghệ tăng cường nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô ở cơ thể người của Bệnh viện 108. Điều này cũng thể hiện sự trường thành của y học Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cũng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đến thăm và động viên bệnh nhân ghép phổi tại Bệnh viện 108 chiều 28/3.
“Đến thời điểm này, Việt Nam đã đưa vào thường quy kỹ thuật ghép các tạng tim, gan, thận, giác mạc, ghép tế bào gốc từ máu ngoại biên, từ máu cuống rốn… và bây giờ chúng ta đã thành công với ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt nam. Như vậy chúng ta đã làm chủ hầu hết các ghép tạng, trong thời gian tới chúng ta còn có ghép tụy, ghép ruột, ghép tử cung…” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, qua đây cho thấy, kỹ thuật, vấn đề gây mê hồi sức, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, việc chuẩn bị phòng thí nghiệm cho vấn đề sau mổ… đã tiến bộ rất nhiều.
Thành tựu thứ 2 đó là trung tâm điều phối ghép tạng dù còn non trẻ nhưng đã phản hồi rất là nhanh, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều ca ghép tạng xuyên Việt.
“Khó nhất của chúng ta hiện nay trong ghép tạng là nguồn cho, thực ra kỹ thuật và thành tựu thì chúng ta làm chủ nhưng số lượng hiến tạng hiện nay của Việt Nam so với quốc tế là rất khiêm tốn. Hiện nay chúng ta mới có ngân hàng giác mạc, ngân hàng cuống rốn để lấy tế bào gốc” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay có sự kiện của bé Hải An nên đã có nhiều phong trào hiến tạng và Bộ Y tế đã có thẻ hiến tạng và được lưu lại trong hệ thống chương trình điều phối ghép tạng, thời gian tới Bộ Y tế đang có ý định chỉ đạo trung tâm điều phối ghép tạng gắn các mã định danh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ghép tạng vì chi phí ghép rất tốn kém, người nghèo không có khả năng tiếp cận.
Thành công xuất phát từ các đề tài nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá rất cao các nguồn đề tài nghiên cứu từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Hầu hết gần như toàn bộ các đề tài ứng dụng kỹ thuật cao trong ghép tạng, trong tế bào gốc, trong vắc xin, trong các kỹ thuật can thiệp tim mạch, chữa ung thư thì khởi phát là đề tài cấp Bộ, đề tài cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố của quản lý nhà nước và sử dụng nguồn khoa học công nghệ.
Đồng tình với Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh chia sẻ tại buổi sơ kết đánh giá: Thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não là một dịp để đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học có ứng dụng thực tiễn của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các đồng nghiệp, những người đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết nào đầu tiên ở Việt Nam.
“Ghép tạng là một trong những thành tựu khoa học lớn của ngành y tế, đã cứu tính mạng cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng điều trị bằng các biện pháp thông thường. Ghép phổi từ người cho chết não là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, không chỉ đòi hỏi các chuyên gia thành thục các kỹ thuật chuyên môn mà còn có sự chỉ đạo phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các chuyên ngành, cơ quan, tổ chức. Đây là một sự đột phá về khoa học công nghệ và y học. Đây cũng là thành tích đặc biệt xuất sắc không chỉ của thầy thuốc, của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà còn của cả ngành y tế Việt Nam. Điều đó cũng bổ sung thêm minh chứng để đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ thế giới” – Thứ trưởng Khánh nói.
Thứ trưởng Khánh cũng thông tin thêm, ngày 15/10/2015, Bộ Khoa học & Công nghệ giao Bệnh viện TƯQĐ 108 triển khai nhiệm vụ khoa học & công nghệ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS.TS. Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 làm Chủ nhiệm. Sau đó Bệnh viện được Chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện đề án KHCN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại (phòng mổ, phòng hồi sức, các thiết bị chuyên sâu dùng cho ghép phổi...), thuốc, vật tư y tế; tổ chức ghép thực nghiệm. Bệnh viện đã cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên đi học tập ghép phổi tại Bệnh viện Foch, Cộng hòa Pháp - là trung tâm ghép phổi số 1 của Pháp và là 1 trong 3 trung tâm ghép phổi hàng đầu Châu Âu; tại đây các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tham gia học tập về chuyên môn và công tác tổ chức điều phối, trong quá trình đó các bác sĩ của Bệnh viện được tham gia trực tiếp 20 ca ghép phổi…
Bệnh viện đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật tuyển chọn bệnh nhân, quy trình hồi sức bệnh nhân chết não hiến tạng, quy trình phẫu thuật, gây mê hồi sức, điều trị chăm sóc sau ghép phổi… Đồng thời Bệnh viện đã hợp tác với các trung tâm ghép tạng lớn để học tập, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật ghép tạng khác và vận động tuyển chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, tích cực vận động bệnh nhân chết não hiến tạng tiềm năng.
Theo Nguyễn Hùng/Dân trí