Trong suốt ba năm, Paulein Newton phải chịu đựng tình trạng “ngứa điên” khắp người, khiến cuộc sống của bà trở nên "giống như địa ngục". Ngứa khiến bà không thể ngủ được và khắp người đầy vết thương.
Paulein Newton, 72 tuổi, ngứa gãi đến nỗi người đầy những vết thương rỉ nước
"Tôi thức suốt ngày, gãi và gãi ", bà Paulein, 72 tuổi, sống ở Epping, Essex, nước Anh, điều hành một cơ sở kinh doanh nhỏ cùng người chồng 65 tuổi. Bà cũng luôn mệt mỏi và thiếu sức sống. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ - bao gồm một bác sỹ da liễu tư - mà bà đi khám trong suốt thời gian này đã không tìm thấy nguyên nhân.
Tất cả các chẩn đoán đều được đặt ra, từ ghẻ và dị ứng tới ung thư hạch bạch huyết. Nhưng mãi đến tháng Hai năm nay bệnh của bà mới được chẩn đoán, với một xét nghiệm máu đơn giản. Nó cho thấy tình trạng ngứa ở bà là do thiếu vitamin B12, một nguyên nhân gây ngứa khá phổ biến, song không phải lúc nào các bác sỹ cũng nghĩ đến.
Trong vòng vài giờ sau mũi tiêm B12 đầu tiên, tình trạng ngứa của Paulein đã được cải thiện. Tuy cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhưng bà cũng tức giận vì đã phải chịu đựng quá lâu.
Trên thực tế, Hội bác sĩ da liễu Anh gần đây đã đưa ra các hướng dẫn mới để ngăn ngừa những trường hợp ngứa mãn tính khác phải đợi chẩn đoán lâu như trường hợp của Paulein.
Tuy ai trong chúng ta đều thỉnh thoảng bị ngứa, nhưng với 1/6 dân số thì ngứa là chứng bệnh mạn tính kéo dài hơn sáu tuần. Ngứa có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm và có thể rất dữ dội.
Theo một nghiên cứu trên tờ Archives of Dermatology năm 2011, sống chung với ngứa mạn tính cũng tệ như sống chung với đau mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và chất lượng sống.
Cảm giác ngứa xảy ra trên cùng những dây thần kinh cảm giác ở da giống như đau, đi đến tủy sống. Ở đó, đường truyền đau và ngứa sẽ tách ra và đi đến các vùng khác nhau của não, nơi tiếp nhận cảm giác ngứa.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa mãn tính là bệnh ngoài da như chàm hay mày đay.
Một số người dễ bị ngứa mạn tính hơn - ví dụ như người già, vì da trở nên khô hơn.
Ngứa không phát ban có thể là hệ quả của nhiều tình trạng bệnh, chứ không chỉ là bệnh ngoài da, do đó, bác sĩ đa khoa thường không chắc chắn ngay về nguyên nhân gây ngứa.
Một trong những nguyên nhân gây ngứa không liên quan đến da là thiếu máu thiếu sắt.
Chưa rõ tại sao loại thiếu máu này lại gây ngứa, nhưng khi những người bị thiếu máu ngứa có thể gây đỏ da và nổi mẩn giống phát ban, gây nhầm lẫn cho chẩn đoán. Xét nghiệm máu có thể khẳng định thiếu máu thiếu sắt và bệnh có thể được điều trị bằng viên sắt.
Ngứa ở bà Paulein là do một dạng thiếu máu khác, thiếu máu ác tính, dẫn đến thiếu máu B12 và ngứa. Hay gặp nhất ở những người trên 60 tuổi, thiếu máu ác tính là bệnh tự miễn do các kháng thể phá hủy một protein cần thiết để hấp thu vitamin B12.
Điều này có thể gây ngứa vì B12 cần thiết để tạo thành lớp vỏ mỡ bao bọc dây thần kinh. Nếu lớp vỏ này không được hình thành đúng, nó có thể ảnh hưởng đến cách truyền xung động thần kinh và dẫn đến cảm giác ngứa. Bệnh nhân thiếu máu ác tính dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh vẩy nến, một bệnh cũng gây ngứa.
Tuyến giáp hoạt động kém cũng có thể là một nguyên nhân gây ngứa, vì bệnh khiến da bị khô. Các vấn đề về gan cũng vậy, vì chúng dẫn đến tích tụ mật dưới da. Khi thận bị suy, chất cặn bã tích tụ trong máu đôi khi có thể gây ngứa.
Trong một số ít trường hợp ngứa cũng có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư như u lympho (ung thư hệ bạch huyết). Bệnh có thể gây nổi ban và ngứa vì ung thư kích thích sản sinh các chất gọi là cytokin gây kích ứng dây thần kinh trong da.
3 năm làm đủ các xét nghiệm mới ra bệnh
Bà Pauline bắt đầu bị ngứa vào năm 2015, từ lưng và cánh tay rồi lan ra khắp người. Ngứa dữ dội đến mức bà không thể ngủ vào ban đêm. Bà đi khám và bác sĩ bảo bà bị ghẻ, một bệnh da truyền nhiễm do xâm nhập của cái ghẻ (sarcoptes scabiei).
Ghẻ lây trực tiếp qua da và ngứa dai dẳng không chịu nổi là triệu chứng chính của bệnh do cái ghẻ đào hang dưới da và đẻ trứng. Cùng với ngứa bệnh có thể gây nổi ban.
Bác sĩ kê đơn kem bôi cho bà. Nhưng kem bôi chẳng có tác dụng gì và bốn ngày sau bà đi khám lại. Lần này bà được chẩn đoán là bị dị ứng và được cho dùng thuốc kháng histamin.
"Nhưng một lần nữa, thuốc chẳng có tác dụng gì", bà Paulein nhớ lại. "Tôi khổ sở vì ngứa ngáy không thể tả. Tôi không thể ngủ, tôi không thể nghĩ. Tôi không thể làm gì khác vì ngứa. Tôi ngồi trên ghế sofa cả ngày”.
Ba tuần sau, trong một cuộc trao đổi với bác sĩ gia đình qua điện thoại, bác sĩ đề nghị bà nên đi khám bác sĩ da liễu tư - người chỉ xem da của Paulein và nói rằng có lẽ bà bị u lympho.
"Tôi hoàn toàn choáng váng", Paulein nói. "Tôi khổ sở đến mức hầu như câm lặng và không thể giao tiếp. Không có xét nghiệm nào khác được thực hiện và cứ thế cô ấy đưa ra cho tôi chẩn đoán bị ung thư. Tôi hầu như suy sụp”.
Nhiều bác sĩ và tất cả các chẩn đoán đều được đặt ra, từ ghẻ và dị ứng tới ung thư
Bà được gửi đi chụp CT và xét nghiệm máu. Không phải u lympho. Những xét nghiệm này đã tiêu tốn của Paulein 1.200 bảng.
"Tất nhiên là tôi an tâm vì mình không bị ung thư", bà nói. "Nhưng tôi cũng tức giận. Tôi đã đi khám tư nhưng vẫn không ai có câu trả lời. Đến lúc này thì ngứa ngáy tệ hại đến mức tôi không hề ngủ”.
Bà chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng các triệu chứng của mình, cố gắng xoay xở với kem E45.
Thế rồi tháng Hai năm nay, ba năm sau khi các triệu chứng bắt đầu, bà đi khám bác sĩ để kiểm tra huyết áp như thường lệ. Bà nhìn thấy một bác sĩ khác và đề cập đến tình trạng ngứa của mình.
Bác sĩ nói: "Hãy đi xét nghiệm máu. Tôi cảm thấy quá thất vọng với ngành y khi nhớ lại rằng 23 lần xét nghiệm máu trước đó đã cho kết quả âm tính. Nhưng dù sao thì tôi vẫn đi", Paulein nói.
Khi bà mang kết quả trở lại, cuối cùng bác sĩ đã có một chẩn đoán: thiếu máu ác tính.
"Sau ba năm địa ngục và rất nhiều xét nghiệm xâm lấn và chẩn đoán sai, cuối cùng tôi đã có câu trả lời".
Nhiều nguyên nhân gây thiếu vitamin B12
Thiếu máu ác tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu vitamin B12. Các nguyên nhân khác bao gồm ăn kiêng – những người ăn chay thuần và ăn chay đôi khi bị thiếu vitamin B12 vì họ không ăn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa và pho mát giàu B12 - nhiễm ký sinh trùng và các thuốc như metformin dùng điều trị tiểu đường. Bệnh cũng phổ biến hơn ở bệnh nhân cao tuổi.
Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác kiến bò, ngứa, đau nhức lưỡi, mệt mỏi và suy nhược, uể oải, vàng da và móng giòn dễ gãy.
Hứng dẫn mới của Hội Bác sĩ da liễu Anh cho biết tất cả bệnh nhân bị ngứa mạn tính cần phải được xét nghiệm máu đầy đủ để kiểm tra các chất như sắt và nồng độ B12.
Ba ngày sau khi có kết quả xét nghiệm máu, Paulein đã được tiêm B12 lần đầu tiên.
"Trong vòng vài giờ sau khi về nhà, tôi đã cảm thấy ít mệt mỏi và có thể rời khỏi ghế sofa", bà nói.
"Nhưng trên hết, ngứa đã đỡ hơn rất nhiều. Tôi vẫn còn ngứa, nhưng dễ chịu hơn. Đó là một sự biến đổi đáng kinh ngạc. "
Ban đầu Paulein cần tiêm vitamin B12 mỗi tháng một lần, mặc dù có thể cần liều thường xuyên hơn.
"Tôi hy vọng rằng những kinh nghiệm của tôi sẽ giúp những người khác gặp những tình huống tương tự với các triệu chứng tương tự để đảm bảo họ được chẩn đoán kịp thời hơn ".
Cẩm Tú/Dân trí
Theo DM