Các mũi vắc xin ngừa ung thư sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân, trước mắt tập trung vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận.
Ông Elliot Pfebve, bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng vắc xin ung thư đại trực tràng ở Anh - Ảnh: NHS
Theo báo The Guardian, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đang tuyển hàng ngàn tình nguyện viên cho đợt thử nghiệm lâm sàng vắc xin ung thư "cá nhân hóa" quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.
Các bệnh nhân đáp ứng đủ các tiêu chí và đồng ý xét nghiệm máu, lấy mẫu mô ung thư sẽ được tham gia vào thử nghiệm.
Hiện tại đã có hàng chục bệnh nhân được chấp thuận và sắp tới, NHS sẽ tổ chức tuyển chọn thêm vài ngàn người nữa tại 30 địa điểm NHS trên khắp nước Anh.
Các thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ tập trung vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận... và sẽ được mở rộng hơn trong tương lai.
Các vắc xin ngừa ung thư được điều chế riêng cho mỗi bệnh nhân, sau khi bác sĩ lấy một phần khối u và giải trình tự ADN. Họ sẽ chỉ mất vài tuần để tạo ra mũi tiêm được cá nhân hóa dành riêng cho khối u của bệnh nhân đó.
Khi vào cơ thế, vắc xin ung thư sẽ hoạt động bằng cách ra lệnh cho hệ miễn dịch của người bệnh săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào, ngăn chặn bệnh quay trở lại.
Bệnh nhân đầu tiên tham gia là ông Elliot Pfebve, 55 tuổi, giảng viên Đại học Coventry. Ông không hề có triệu chứng nhưng được chẩn đoán ung thư đại trực tràng sau một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ gia đình.
Để thử nghiệm vắc xin ung thư trên cơ thể ông Elliot, đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u và 30cm ruột già, sau đó thực hiện hóa trị. Các nhà nghiên cứu kế đó lấy mẫu và phân tích khối u của ông để xác định các đột biến đặc trưng rồi điều chế vắc xin cá nhân hóa phù hợp.
Nói về tình trạng hiện tại của bệnh nhân, tiến sĩ Victoria Kunene cho biết còn quá sớm để nói liệu bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn hay chưa, nhưng cô cũng mong có một phép màu xảy ra.
"Dựa trên dữ liệu hạn chế mà chúng tôi có, hiện tại vắc xin và cơ thể bệnh nhân đang có phản ứng tích cực và hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm dữ liệu và cần tiếp tục thử nghiệm trên những bệnh nhân phù hợp khác trước khi đưa ra kết luận", cô cho biết.
Với ông Pfebve, tham gia thử nghiệm này là một quyết định thực sự quan trọng trong cuộc đời ông, có ý nghĩa với cả cá nhân và gia đình.
"Thật tuyệt vời khi tôi có thể đóng góp một phần nhỏ tạo nên phương pháp điều trị ung thư mới và nếu thành công, sẽ có rất nhiều bệnh nhân khác được chữa trị", ông Elliot tâm sự.
Các quan chức NHS cho biết nếu các vắc xin cá nhân hóa này được phát triển, nghiên cứu và phê duyệt thành công, nó có thể trở thành một phần trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn.
Vắc xin ung thư diệt mọi tế bào ung thư sót lại? Tháng 4 vừa rồi, tờ The Guardian đưa tin các bác sĩ đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin ung thư mRNA cá nhân hóa đầu tiên trên thế giới cho khối u ác tính. Các chuyên gia ca ngợi tiềm năng của loại vắc xin này, gọi đây là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trong việc chữa khỏi bệnh ung thư vĩnh viễn. Giáo sư Peter Johnson, giám đốc lâm sàng về ung thư của NHS England, cho biết: "Chúng tôi hiểu ngay cả sau khi phẫu thuật thành công, ung thư đôi khi có thể quay trở lại do một số tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng vắc xin để nhắm vào những tế bào còn lại đó có thể là cách để ngăn chặn ung thư quay trở lại". |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/anh-thu-nghiem-vac-xin-ngua-ung-thu-theo-nhu-cau-20240603031102135.htm