Nước ép cần tây nguyên chất hay được kết hợp với những trái cây, rau củ quả khác được nhiều chị em ưa chuộng. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho sức khỏe, cần tây 'tối kỵ' với một số người.
Bên cạnh là rau thơm, cần tây còn là dược thảo, có tác dụng điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên có một số người không được dùng chúng - Ảnh: XUÂN MAI
Nước ép cần tây được nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ ưa chuộng và dùng hằng ngày vì tin rằng chúng giúp giảm cân, đẹp da, thải độc... Để dễ uống hơn, cần tây được kết hợp nhiều loại trái cây, rau củ quả như táo, thơm, dưa leo, cà rốt...
Thực tế, cần tây có nhiều công dụng đối với sức khỏe, hỗ trợ chữa được nhiều chứng bệnh hơn. Tuy nhiên, có những nhóm người cần chú ý không được dùng cần tây.
Không chỉ làm đẹp, cần tây còn hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh
Lương y Nguyễn Công Đức (nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết cần tây là một loại rau thơm thường gặp trong các món ăn gia đình. Ngoài ra, chúng còn được dùng như một loại dược thảo có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp và một số bệnh chứng khác.
Cần tây còn gọi là cần cạn, cần thơm, cần thuốc, có tên khoa học là Apium graveolens L. thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). cod, có mùi thơm đặc trưng.
Trong cần tây có 90,5% nước, 1,95% hợp chất nitơ, 0,07% chất béo, xenluloza 1,15% và 1,13% tro, vitamin A, B, C, các chất khoáng như Mg, Mn, Fe, I, Cu, K, Ca và vitamin P, cholin, tyrosin... Hàm lượng tinh dầu trong cây cần tây khoảng 1%, còn trong hạt là 3%.
Cần tây hỗ trợ các chứng bệnh như cao huyết áp, đau đầu, mỡ trong máu cao, viêm gan mạn tính, vàng da, tiểu khó, viêm khớp cấp, viêm dây thần kinh, suy nhược cơ thể, hỗ trợ sinh lý, mụn nhọt, viêm nhiễm, mất ngủ kinh niên...
Trong một loạt nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi tiến sĩ Ying Peng - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Y khoa Harvard và nghiên cứu của Viện Materia Medica Trung Quốc, xác định rằng L-3-n-butylphthalide (L-NBP) chiết xuất từ hạt cần tây ức chế quá trình oxy hóa và tổn thương não, làm tăng khả năng nhận thức và trí nhớ.
Do đó, cần tây có thể ngăn chặn và đẩy lùi bệnh Alzheimer - một đại dịch ngày càng tăng ở người cao tuổi tại các nước phát triển.
Ngoài ra, cần tây còn hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp và thống phong (gout). Các nguyên tố kiềm trong cần tây có tác dụng trung hòa các chất axit, nhờ đó có thể hỗ trợ chữa được các bệnh do axit tăng cao trong máu như phong thấp và bệnh gout.
Loại rau gia vị này là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, cùng với rất nhiều canxi và magiê - rất có ích cho quá trình tạo xương và giúp các khớp luôn khỏe mạnh. Cần tây còn chứa polyacetylene, một chất kháng viêm, vốn có khả năng làm giảm sưng và đau xung quanh các khớp xương.
Không những thế, dùng nước ép rau cần trộn chung với một muỗng mật ong làm thành thức uống ngon miệng, uống mỗi tối trước khi lên giường sẽ giúp thư giãn để đi vào giấc ngủ êm ái, giảm bớt sự căng thẳng.
Nhiều người dùng cần tây kết hợp với nhiều trái cây, rau củ quả khác để tạo thành hỗn hợp nước ép nhiều dưỡng chất và dễ uống hơn - Ảnh: XUÂN MAI
Ai không nên dùng cần tây?
Lương y Nguyễn Công Đức cho rằng kinh nghiệm dân gian chưa chú ý đến liều lượng và chỉ định của cần tây, nhưng dược học hiện đại cảnh báo một số nhóm người không được dùng hoặc lạm dụng cần tây.
Kể đến đầu tiên là người bị huyết áp thấp, phụ nữ mang thai, nam giới. Người mắc bệnh vảy nến cũng không được dùng cần tây.
Chú ý, ở phụ nữ đang mang thai, rau cần có thể làm sẩy thai khi sử dụng liều lượng cao vì gây co thắt mạnh ở cơ tử cung. Do đó, phụ nữ đang mang thai cần cẩn thận khi ăn rau cần.
Ở nam giới không nên lạm dụng rau cần tây. Tuy chúng giúp giữ vững phong độ của các đấng mày râu nhưng nếu lạm dụng sẽ gây hiệu quả ngược với mong muốn.
Lương y Nguyễn Công Đức lưu ý thêm không nên bảo quản cần tây trong tủ lạnh quá 2 ngày, tốt nhất dùng lúc cần tây còn tươi.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khong-chi-lam-dep-can-tay-ho-tro-chua-nhieu-benh-nhung-toi-ky-voi-ai-20240514140308207.htm