Tình trạng móng tay có thể báo hiệu mọi thứ, từ bệnh ở phổi đến thiếu máu.
Các tình trạng và triệu chứng thường gặp ở móng
Trên móng tay có thể xuất hiện các tình trạng và triệu chứng sau:
- Sọc dọc màu nâu trên móng
- Móng giòn và dễ gãy
- Móng có các đường gờ
- Đốm trắng trên móng tay
- Móng hoặc lớp biểu bì có màu vàng
- Đường gờ ngang trên móng tay
- Rách, chảy máu hoặc da bị viêm quanh móng tay
Dưới đây là 7 triệu chứng móng và những gì cần làm tiếp theo:
Triệu chứng sọc dọc màu nâu trên móng tay
Đây có thể là dấu hiệu của u hắc tố ác tính (ung thư da). Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng loại ung thư da nguy hiểm nhất này luôn xuất hiện dưới dạng nốt ruồi hoặc đốm đen, nhưng nó thực sự có thể bắt đầu từ móng tay.
Trong những trường hợp nặng hơn, vết màu nâu có thể lan sang vùng biểu bì hoặc vùng da xung quanh móng tay. Đó là một dấu hiệu đáng ngại - có nghĩa là ung thư đang phát triển và lan rộng.
Hormon và một số loại thuốc cũng có thể tạo ra các dải sắc tố trên móng tay, nhưng hãy đặc biệt chú ý đến các triệu chứng ung thư móng, chẳng hạn như một sọc màu nâu hoặc sẫm đi từ lớp biểu bì ra đến rìa tự do của móng, đặc biệt là sọc này ngày càng loang rộng.
Nếu móng tay có màu nâu và chỗ đổi màu có hình tròn, chứ không phải đường thẳng, đó có thể là một tình trạng khác. Ví dụ, các đốm nâu trên móng tay, đặc biệt nếu chúng bị rỗ, có thể là dấu hiệu của bệnh vẩy nến móng tay.
Cần làm gì: Mọi tình trạng sắc tố nâu nào trên móng tay đều cần đến bác sĩ da liễu để kiểm tra.
Triệu chứng móng tay giòn
Tình trạng phổ biến này có thể xảy ra do chế độ ăn uống có vấn đề hoặc do hóa chất mà tay tiếp xúc.
Móng được hình thành trong nền móng, là gốc của móng. Nếu bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định, cơ thể sẽ không có đủ chất để tạo nên bộ móng tốt. Đó là lý do tại sao những người bị rối loạn ăn uống có thể nhận thấy các vấn đề với móng tay. Móng tay giòn dễ gãy cũng có thể là dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt hoặc bệnh tuyến giáp.
Hãy nhớ rằng, móng tay có cấu tạo từ keratin, một loại protein. Một lầm tưởng phổ biến là canxi đóng một vai trò nào đó.
Nhiều người lầm tưởng bổ sung canxi sẽ giúp móng tay chắc khỏe. Nhưng không phải. Canxi giúp xương chắc khỏe, nhưng không liên quan gì đến móng tay.
Nếu cơ thể có đủ nguyên liệu để tạo ra bộ móng hoàn hảo, các hóa chất vẫn có thể làm hỏng móng khi chúng mọc. Hãy hình dung móng tay như một bức tường gạch: hóa chất có thể phá vỡ lớp vữa giữ các viên gạch lại với nhau. Những hóa chất này có thể bao gồm nước tẩy rửa và nước tẩy sơn móng tay.
Cần làm gì: Hãy đảm bảo rằng bạn đang ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều protein.
Tránh sử dụng hóa chất mạnh trên móng tay, ngay cả nước tẩy sơn không chứa axeton cũng có thể khiến móng tay dễ gãy nếu sử dụng quá thường xuyên và quá nhiều.
Triệu chứng các vết gờ trên móng tay
Các đường dọc trên móng tay - hoặc các vết gờ - thường gặp khi bạn già đi. Hầu hết mọi người cuối cùng đều sẽ có chúng.
Chúng giống như những nếp nhăn trên móng tay. Không nên đánh bóng hoặc dũa nhẵn các đường gờ này vì sẽ làm mỏng móng.
Các gờ hoặc chỗ lõm sâu theo chiều ngang, được gọi là đường Beau, đáng báo động hơn. Chúng cho thấy có điều gì đó khiến móng tay tạm thời ngừng phát triển. Các tác nhân có thể bao gồm sốt cao, hóa trị, bệnh nặng, phẫu thuật lớn, truyền máu, tai nạn xe hơi hoặc bất kỳ stress lớn nào đối với cơ thể. Bạn có thể có một loạt các đường Beau song song tạo ra hiệu ứng móng tay gợn sóng - hoặc móng tay gồ ghề - nếu bị nhiều đợt stress.
Cần làm gì: Nếu không thể liên kết các đường gờ ngang ngang sâu trên móng tay với một giai đoạn cụ thể trong cuộc sống, hãy hỏi bác sĩ xem nguyên nhân có thể là gì.
Các đường gờ dọc thường chỉ là một phần của quá trình lão hóa. Nếu muốn che chúng, đừng đánh bóng mà hãy sử dụng chất lấp đi những đường gờ này.
Triệu chứng đốm trắng nhỏ trên móng
Nhiều người nghĩ rằng các đốm này có liên quan đến thiếu vitamin, nhưng không phải. Tình trạng này, gọi là punctate leukonychia, thực sự do một chấn thương nhỏ nào đó khi móng đang hình thành.
Cần làm gì: Theo dõi - các đốm trắng sẽ biến mất khi móng tay mọc ra. Bạn sẽ thấy chúng trong một thời gian vì mất khoảng sáu tháng để một móng mọc mới từ đầu đến cuối.
Triệu chứng móng tay có màu vàng
Móng tay rất vàng, dày và mọc chậm có thể liên quan đến các vấn đề về phổi. Nếu bị hội chứng móng tay vàng, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng móng tay cong quá mức và thấy chúng tách rời khỏi nền móng.
Cần làm gì: Đi khám bác sĩ.
Triệu chứng hàng loạt vết lõm ngang trên ngón tay cái
Đây là dấu hiệu cổ điển của tình trạng gọi là habit-tic deformity, một dạng loạn dưỡng móng do tổn thương ngoại sinh gây ra bởi thói quen tác động vào nền móng, khi một người thường xuyên dùng ngón trỏ chà xát hoặc châm chọc vào lớp biểu bì của ngón tay cái khi móng đang được hình thành. Nó tạo ra một loạt vết lõm chạy ngang giống như bàn chải trên móng tay cái.
Nhiều người làm điều này một cách vô thức.
Cần làm gì: Có thể khắc phục tình trạng này chỉ cần ngừng tác động vào lớp biểu bì ngón tay cái.
Triệu chứng nhiễm trùng, viêm da quanh móng
Tình trạng này được gọi là viêm quanh móng và có thể do lớp biểu bì ở nền móng bị đẩy xuống.
Lớp biểu bì thực sự quan trọng và không nên bị đẩy xuống. Chúng gắn da vào móng tay và giữ cho các thứ không bị dính vào.
Lớp biểu bì ngăn vi khuẩn, nấm, men và nấm mốc xâm nhập vào bên dưới móng tay và gây nhiễm trùng.
Cần làm gì: Ngâm móng tay trong nước nóng hai hoặc ba lần một ngày để giúp giảm sưng và đau. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh uống hoặc thuốc khác.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng, đừng sử dụng bất kỳ dụng cụ sắc nhọn nào để cắt hoặc đẩy lớp biểu bì và không cho phép thợ làm móng cắt chúng. Cách tốt nhất để xử lý lớp biểu bì là nhẹ nhàng chà khăn lên móng tay sau khi tắm khi da mềm để loại bỏ lớp da chết trên bề mặt móng.
Cuối cùng
Móng tay đổi màu hoặc dày lên có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe toàn thân. Hãy kiểm tra với bác sĩ nếu phát hiện thấy bất kỳ thay đổi nào.
Theo Cẩm Tú/Dân trí (Nguồn TODAY)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/7-trieu-chung-o-mong-tay-khong-nen-bo-qua-20210715135243577.htm