19
/
99716
Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Ký
gia-dinh-dong-nghiep-tien-dua-nhac-si-van-ky
news

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Ký

Thứ 6, 30/10/2020 | 14:20:50
634 lượt xem

Con cháu cùng đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Ký - tác giả "Bài ca hy vọng" - ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, trưa 30/10.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn đầu đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào viếng đầu tiên. Anh viết trong sổ tang: "Vĩnh biệt một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, người có công sáng lập tổ chức hội từ ngày đầu tiên (1957). Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và phong phú của ông - từ ca khúc, hợp xướng đến giao hưởng - là tài sản vô giá đối với lịch sử âm nhạc nước nhà".

Di ảnh nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Giang Huy.

Di ảnh nhạc sĩ Văn Ký. 

Trong ấn tượng của Đỗ Hồng Quân, cố nhạc sĩ Văn Ký hiền lành, từ tốn, là tấm gương về rèn luyện thể lực và bút lực. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn luyện yoga, sáng tác đều đặn, ra đời những tác phẩm hào sảng như Bay lên Việt Nam, Covid phải lùi xa. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể ông sinh hoạt đều đặn ở Chi bộ Đảng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến trước khi mất. "Trong các buổi hội họp, ông thường bày tỏ nguyện vọng đào tạo tầng lớp nhạc sĩ trẻ, mong muốn có nhiều sáng tác gắn với đời sống nhân dân, đất nước", Đỗ Hồng Quân kể.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viếng tang cố nhạc sĩ. Ảnh: Giang Huy.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - tại lễ tang.

Lan Anh tự hào là một trong những ca sĩ thuộc lớp kế cận hát nhiều tác phẩm của Văn Ký. Chị kể vài năm trước, khi tham gia một chương trình âm nhạc, chị được nhạc sĩ giải thích thêm về hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa của Bài ca hy vọng. "Thời sinh viên, tôi chỉ cảm nhận nhạc phẩm có giai điệu hay, ca từ trong sáng, bay bổng. Sau khi biết bài hát từng là nguồn động lực lớn của nhiều tù nhân chính trị, tôi hát với tâm thế khác, có thêm sự hào sảng, niềm tự hào. Đây là một trong những ca khúc tôi không bao giờ chán dù biểu diễn nhiều lần. Mỗi khi hát, tôi đều cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn", ca sĩ nói.

Bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước - gửi vòng hoa viếng nhạc sĩ. Bà Hoa có kỷ niệm gắn liền ca khúc Bài ca hy vọng của ông. Năm 1969, khi bị bắt giam ở nhà tù Côn Đảo, bà và các tù nhân nữ hát vang ca khúc để động viên tinh thần nhau.

Vợ nhạc sĩ qua đời từ 12 năm trước, ông có năm con, một người đã mất. Hai con trai - anh Vũ Chí Nguyện và Vũ Ngọc Hà - nối nghiệp nhạc sĩ. Chị Mai Anh - cháu ngoại - nhớ ông là người lạc quan, yêu đời, luôn hiền từ, ân cần với con cháu. Mỗi dịp tụ tập gia đình, ông hay hỏi thăm công việc, cuộc sống của từng người, động viên, răn dạy họ điều hay lẽ phải.

Gia đình nhìn mặt nhạc sĩ lần cuối.

Gia đình nhìn mặt nhạc sĩ lần cuối.

Nhạc sĩ Văn Ký qua đời hôm 26/10 vì mắc bệnh tuổi già, thọ 92 tuổi. Những năm cuối đời, ông sống lạc quan, tập yoga và dịch cân kinh để giữ sức khỏe. Trước diễn biến dịch, ông phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín. Ông nói trong chương trình Cuộc sống vẫn tiếp diễn, phát sóng hồi tháng 5: "Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ". Trong ba năm cuối đời, nhạc sĩ còn phổ thơ tám tác phẩm viết về các tỉnh, thành của tác giả Lê Chín.

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 400 nhạc phẩm đề tài cách mạng, quê hương - đất nước như Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Dân công lên đường, Lúa thoái tô... Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - Bài ca hy vọng - ra đời năm 1958, gắn với tên tuổi nhiều giọng ca như Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ.

Trong những chuyến thực địa, ông cũng sáng tác nhiều ca khúc về các tỉnh, thành như Nha Trang mùa thu lại về, Nhớ Nha Trang, Nam Định yêu thương, Vũng Tàu bến vui, Nhớ Đồng Nai, Tôi yêu Ban Mê, Nụ cười Sài Gòn, Kỷ niệm An Khê, Gia Lai thân yêu, Chuyện tình Mũi Né... Ngoài ra, nhạc sĩ là tác giả vở ca kịch Nhật ký sông Thương, Đảo xa, nhạc phim Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17...

Tên đầy đủ của cố nhạc sĩ là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 ở Vụ Bản, Nam Định trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng được trao Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng ba và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.

Theo VnExpress

https://vnexpress.net/gia-dinh-dong-nghiep-tien-dua-nhac-si-van-ky-4184435.html

  • Từ khóa

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
920 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
922 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
990 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
980 lượt xem

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ giới thiệu món ăn đặc sắc từ 60 quốc gia

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) phối hợp các đơn vị liên quan và nhà tài trợ đã tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan...
11:58 - 22/11/2024
1,058 lượt xem