19
/
90619
'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao?
sao-tay-nguyen-ngay-ay-nsnd-y-moan-da-10-nam-khuat-bong-siu-black-gio-ra-sao
news

'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao?

Thứ 3, 28/04/2020 | 11:10:11
976 lượt xem

Thấm thoắt đã sắp tròn 10 năm giọng ca đại ngàn Y Moan Enuol “đi chơi với gió” và khoảng trống tài năng quý hiếm của ông vẫn khó lấp đầy. Những họa mi Siu Black, Rơ Chăm Phiang cũng dần lùi lại, khuất vắng khiến khán giả thắc mắc không biết các “Sao” ấy giờ sống ra sao...

NSND Y Moan giữa các đồng nghiệp trong lives show duy nhất 

“Ðôi chân trần” thương nhớ

Được giới chuyên môn đánh giá là giọng nam dũng mãnh vô đối, ca sĩ Y Moan Enuol từng có nhiều dịp lưu diễn dài ngày trong, ngoài nước. Tuy nhiên, lúc sinh thời trong những lần trò chuyện với tác giả bài viết này, ông vẫn hào hứng nhất khi nhớ lại chuyện đi diễn ở các buôn làng xa xôi hay dọc tuyến đồn biên phòng hẻo lánh.

“Yêu lắm. Mình còn chưa kịp hát thì đồng bào đã gùi mướp bí, rau, gà tới cho. Nói thương thằng Moan, có gì ngon nhất đều để dành cho Moan ăn nhiều, hát cho hay. Chưa ăn, chỉ cần nghe vậy đã đủ cho mình hát liền cả chục bài không biết mệt. Nhiều chỗ khán giả đi chân đất tới, mình cũng bước ra thảm cỏ chả cần giày dép. Mà lại hát “Đôi chân trần” do Y Phôn sáng tác nữa mới đã chứ!”- Kể tới đó, Y Moan hát luôn, giọng khỏe vang tới nỗi người nghe giật nẩy mình. “Ôi ngày tháng đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian, hãy quên đi đôi chân cồng kềnh, cha đi giữa rừng hoang vu ...”. Giọng ông nghẹn lại. “Y Phôn viết lời, viết nhạc cứ như vẽ ra trước mắt cảnh ông cha mình ngày xưa khổ như thế. Thương lắm!”

'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao? - ảnh 2

Cha con nghệ sĩ Y Moan

Y Moan là người Ê đê, từ bé sống ở buôn Dha Prong - Buôn Ma Thuột. Còn nhạc sĩ Y Phôn Ksor là người Jơ Rai, chào đời ở Buôn Set xã Dliêyang huyện Ea H’Leo. Về “Đôi chân trần”, chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ tài hoa mà rất đỗi hiền lành Y Phôn giải thích: Nhiều người hỏi mình sao lại tả đôi chân bằng từ “cồng kềnh”, lạ quá? Nhưng mình thấy viết vậy mới đúng hình dạng bàn chân những người già nghèo khổ, cả đời đi bộ, vác nặng không giày dép, chân bè và chõe ra, toàn vết chai với sứt sẹo. Moan đồng cảm, nên các ca khúc của tôi như Đôi chân trần, Đi tìm lời ru nữ thần Mặt trời… nhờ giọng hát tuyệt vời của anh ấy chắp cánh mà trở nên gần gũi với công chúng.

Không chấp nhận mọi kiểu bó buộc, NSND Y Moan chưa từng có mảnh bằng cấp nào về học vấn hay nghề nghiệp trong tay. Hai nhạc sĩ đầu tiên dìu dắt anh bước lên sân khấu là Kpă Púi và Ama Nô, với lời dặn dò: Nếu quá lệ thuộc vào kỹ thuật sẽ tự biến mình thành “thợ hát” cảm xúc nghèo nàn lạnh lẽo. Không cháy nổi thì truyền lửa được cho ai ?!  Điều quan trọng hơn cả luyện giọng là phải hiểu và cảm sâu sắc từng lời mình hát, để thổi được cái hồn của ca khúc vào lòng người nghe, mới truyền được ngọn lửa say đắm từ trái tim ca sĩ đến muôn vạn khán giả…

Thương ba, các con của ông đều nỗ lực học hành. Cậu con trai đầu Y Vol Enuol sau 7 năm học Piano và tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác hệ cao đẳng, nay là... thầy dạy trống và sản xuất âm nhạc. Trai kế Y Garia Enuol đã tốt nghiệp thạc sĩ nguyên ngành Sáng tác, được đào tạo bài bản, hiện là sĩ quan, giảng viên Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ngày giỗ cha lần thứ 9, ca sĩ Y Garia- tên thường gọi là Ri, phát hành CD mang tên “Đôi chân trần” gồm 10 ca khúc anh thu âm, phối khí mới. Dù giọng ca cũng vào hàng “khủng”, diện mạo máu lửa chẳng kém ông bố nổi tiếng, Ri luôn tự nhận “Con biết mình không thể nào so được với ba”.

Ri nhớ ba cũng chân trần lên rẫy đổ mồ hôi đào hố trồng trọt, làm cỏ cà phê. Khi đã là nghệ sĩ ưu tú ông vẫn tự đập đá đến tóe máu tay, vay mượn gom góp từng đồng để làm nhà cho vợ con đỡ chật chội hơn góc gara nóng kinh hồn từng tạm trú tới mấy năm ở Đoàn Ca múa. Vì vậy anh phải hát tới cả trăm lần mới thu xong ca khúc Đôi chân trần, vì cứ cất tiếng là lại nghẹn giọng, trào nước mắt.

Ri tâm sự: Ba tôi khi mất đi vẫn còn nhiều nỗi niềm canh cánh, chưa thực hiện được. Trong đó có mơ ước về một đêm hát ngay nơi mình được sinh ra và lớn lên cùng tất cả những người anh em thân quý. Tôi dự tính sẽ tổ chức một đêm nhạc như vậy tại Bảo tàng thế giới cà phê ở Buôn Ma Thuột, kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông. Hy vọng dịch bệnh sớm qua để đêm nhạc có thể diễn ra vào ngày đầu tháng 9/2020 sắp tới.

Rơ Chăm Phiang-Cánh chim báo tin vui

Hay tin ca sĩ Rơ Chăm Phiang vào hát ở buôn làng vùng sâu nào, đồng bào lại náo nức mong chờ. Dù tuổi không còn trẻ nữa, nhưng tiếng hát từng đoạt nhiều giải vàng các liên hoan âm nhạc quốc tế của nữ đại tá, nghệ sĩ nhân dân người Jơ Rai này vẫn thánh thót, trong veo.

'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao? - ảnh 3

Ca sĩ Rơ Chăm Phiang bên cây Kơ Nia ven hồ Lắk

“Ê... Pơ rơ tok, Pơ rơ tok ...” giọng ngân cao vút ngay từ câu đầu ca khúc “Cánh chim báo tin vui” của Rơ Chăm Phiang trong các chương trình trao học bổng Đọt Chuối Non, ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ của báo Tiền Phong trên Tây Nguyên lập tức khiến cả nghìn người sững sờ, im nghe. Ở nơi nào, khán thính giả nghe hết bài này cũng reo hò đòi “chị Rơ” hát tiếp bài khác. Dù bận rộn việc giảng dạy tới đâu, chị vẫn dành thời gian về Tây Nguyên phục vụ miễn phí cho đồng bào, cũng để đỡ nhớ quê hương. Mà lạ, dẫu tu nghiệp tận Nhạc viện Tchaikovsky rồi hơn nửa đời sống chốn kinh kỳ, từ cá tính tới bản chất ca sĩ Rơ Chăm Phiang vẫn đặc sệt Tây Nguyên, rất đỗi hồn nhiên, thật thà, cả tin, ngay thẳng. Vậy nên không có gì lạ dù chị rời làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) hơn 40 năm, đồng bào Tây Nguyên vẫn yêu quý và hãnh diện mỗi khi nhắc về chị.

Lần về Tây Nguyên mới đây, ngắm mãi hàng cây Kơ nia tán tròn, ngời xanh ven hồ Lắk, Rơ Chăm Phiang vui sướng nói: “Hát tới mòn bài Bóng cây Kơ nia, đến hôm nay mới có dịp được chụp ảnh với một tán cây Kơ Nia đẹp như vậy!”. Ở tuổi 56, chị vẫn kiên trì ngày ngày luyện thanh, với mơ ước cháy bỏng sẽ thực hiện được một lives show hát cho thỏa một đời gắn bó với dòng nhạc thính phòng, chưa có giọng ca nào khác trên Tây Nguyên thay thế được.

“Tôi muốn là một cánh chim của núi rừng đại ngàn, dù bay xa khỏi buôn làng vẫn luôn mang niềm vui và lan tỏa tình yêu quê hương qua từng lời ca, động viên thế hệ trẻ các dân tộc trên Tây Nguyên không ngừng nỗ lực vươn lên, cả về lối sống lẫn kỹ năng nghề nghiệp và học vấn, tri thức”- NSND Rơ Chăm Phiang chia sẻ.

 “Họa mi” Siu Black không còn ngoại cỡ

“Với khả năng vật chất tối giản, sinh hoạt ngày thường không thể đơn sơ hơn, bây giờ tôi đã được sống an yên, không còn phải lo cạnh tranh, bon chen chạy sô như trước kia nữa. Ngày ngày chơi với cháu nội. Chủ nhật đi hát ở nhà thờ. Rảnh lúc nào lại ra rẫy chăm cà phê. Nghèo, nhưng nhẹ nhõm” - Mở đầu câu chuyện với người viết bài này, Siu Black-Ca sĩ máu lửa đình đám nhất giới showbiz Việt một thời tâm sự.

'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao? - ảnh 4

Ca sĩ Siu Black bây giờ

Mấy năm trước, chuyện nợ nần bị giới xã hội đen vây bủa kinh hoàng của chị Siu khiến người hâm mộ cả nước sửng sốt. Cũng phải thôi. Một sơn nữ “nghệ sĩ toàn phần” mà lao vào kinh doanh, chả am tường các con số, lại còn bị co kéo giữa vô số những mời mọc rủ rê và các mối quan hệ phức tạp, Siu khi đó “tẩu hỏa nhập ma”, liên lụy cả bao nhiêu đồng nghiệp tốt tính khác. Ngay cả nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đánh giá tiếng hát của Siu là có một không hai, thuộc về đẳng cấp “khó ai với tới” cũng chỉ biết thở dài tiếc nuối. 

Siu tiết lộ ở tuổi 40, chị béo tròn 73 kg. Bây giờ, chị chỉ còn cân nặng 55 kg thôi. Gọn gàng, nhẹ nhõm, tươi tắn, Siu ngộ ra chốn núi rừng Tây Nguyên vẫn là nơi mình thuộc về, và mãi mãi không nên rời xa. Dù vậy, chị tiết lộ: Trách nhiệm với con cháu khiến chị vẫn muốn được đi hát. Vì sau khi bán cơ ngơi riêng của gia đình để trả nợ, vợ chồng con cái Siu lâu nay phải ở nhờ chung trong căn nhà của người chị gái. 

'Sao' Tây Nguyên ngày ấy: NSND Y Moan đã 10 năm khuất bóng, Siu Black giờ ra sao? - ảnh 5

Ca sĩ Y Garia khi thực hiện CD Đôi chân trần

“Bây giờ, Siu vẫn còn hát hay lắm đấy! Đừng quên mời Siu nếu có show phù hợp nhé! Siu đang cố gắng dành dụm cất được một mái nhà cho các con”- Nghe Siu nói, thật thương. Lại nhớ ca sĩ Y Moan chỉ vài năm trước khi qua đời mới thực hiện được ước mơ có một mái ấm theo ý mình, để tiếp đón bạn bè thân quý. Ôi những tài năng nghệ thuật hiếm quý chốn buôn làng Tây Nguyên, biết đến bao giờ mới hết chật vật nỗi niềm cơm áo ...

Theo Hoàng Thiên Nga/Tiền phong

https://www.tienphong.vn/van-hoa/sao-tay-nguyen-ngay-ay-nsnd-y-moan-da-10-nam-khuat-bong-siu-black-gio-ra-sao-1649249.tpo

  • Từ khóa

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
792 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
809 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
862 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
859 lượt xem

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ giới thiệu món ăn đặc sắc từ 60 quốc gia

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) phối hợp các đơn vị liên quan và nhà tài trợ đã tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan...
11:58 - 22/11/2024
938 lượt xem