Nữ nghệ sỹ được gắn với nhiều danh xưng như “bà chúa Tuồng”, “nữ hoàng Tuồng” qua đời ngày 25/4, để lại cho sân khấu Tuồng một khoảng trống và nhiều nỗi trăn trở.
“Ông già cõng vợ đi xem hội” là vai để đời của NSND Đàm Liên
NSND Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên, sinh 1943 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng tại Phú Yên. Ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ là nghệ sĩ tuồng có nghệ danh đào Cúc. Sinh thời, Đàm Liên giữ nhiều vị trí như Ủy viên BCH Hội nghệ sĩ Sân khấu, Ủy viên BCH UNESCO Việt Nam, Trưởng Đoàn Bảo tồn, Nghiên cứu và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Phó đoàn tuồng phía Nam.
Nhắc tới Đàm Liên, khán giả nghĩ ngay vai diễn để đời Ông già cõng vợ đi xem hội-kỷ lục hơn 2 nghìn đêm diễn kể từ lần đầu ra mắt năm 1979. Bà đóng nhiều vai đa dạng từ nữ tướng tới đào lệch, đào thương như Trưng Trắc (Trưng Nữ Vương), Phương Cơ trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Liễu Nguyệt Tiêm trong Đào Phi Phụng, công chúa Quỳnh Nga trong Thạch Sanh, Hồ Nguyệt Cô trong vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Nghệ sỹ Đàm Liên từng tự hào kể, bà được diễn Trưng Nữ Vương cho Bác Hồ, sau buổi diễn Bác gọi vào khen vì còn trẻ mà đóng được Trưng Trắc. Đàm Liên coi đó là động lực cho suốt mấy chục năm phấn đấu trong nghề. Không chỉ đứng trên sân khấu, NSND Đàm Liên luôn đau đáu truyền nghề để ngọn lửa tuồng rực cháy ở những lớp kế cận. Bà là một trong những nghệ sỹ điển hình rút gan ruột với nghề.
“Đàm Liên là nghệ sỹ tài năng, tâm huyết. Chị ấy là người không bao giờ chịu bằng lòng với những cái mình đã học. Cả cuộc đời trăn trở, đầy trách nhiệm với nghề, với sự sáng tạo và các lớp học trò. NSND thì nhiều người có nhưng để người ta kính phục như với Đàm Liên không dễ”, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ.
Người trong giới dùng hai câu thơ Mắt em là cả dòng sông/Thuyền anh lướt nhẹ bồng bềnh say sưa để nói về Đàm Liên, bởi nhiều người ước ao có đôi mắt ấy để sáng tạo ra những nhân vật thật ấn tượng. Đặc thù của Tuồng là có những thể thức, mô hình chuẩn mực mà chỉ cần học theo và làm đúng là thành công rồi, nhưng Đàm Liên luôn khao khát sáng tạo, luôn tạo ra sự khác biệt. “Chính sự sáng tạo, ngọn lửa có thần có khí đó giúp chị đi đến với khán giả hiệu quả”, Lê Tiến Thọ nhận xét.
Cũng Lê Tiến Thọ nhớ lại, năm xưa NSND Ngọc Phương giao vai ông già cõng vợ đi xem hội cho Đàm Liên-khi ấy là NSƯT- và nói chỉ có bà làm được, Đàm Liên khóc dữ lắm, còn nói bị chơi xỏ vì ngoài đời chị lấy chồng già thật (Nhạc sỹ Vĩnh An hơn vợ gần 20 tuổi). Sau đó anh em nghệ sỹ và cả người bạn đời động viên Đàm Liên, coi đây là cơ hội mang lại danh tiếng lâu bền. “Vai diễn khó bởi khi ấy chị cũng ngoài 40 tuổi, phải diễn một lúc hai vai cô gái trẻ 17 tuổi và ông già 70 tuổi, vừa phải phân thân sao cho sống động, vừa phải điều khiển hình nộm và thân hình thật uyển chuyển. Chính quyết tâm và sự không dễ bằng lòng giúp chị đi tới chân trời mới”, Lê Tiến Thọ nói.
Nghệ sỹ Đàm Liên tâm huyết với nghề là điều không cần bàn cãi, nhưng bà cũng rất kỹ tính và thẳng tính, đòi hỏi rất cao đối với những người theo nghệ thuật truyền thống. Nguyên Chủ tịch Hội kể, nghỉ hưu đã lâu nhưng bà luôn theo sát các hội diễn, gọi điện căn vặn và bày tỏ thắc mắc vì sao người này chưa được xét danh hiệu ưu tú, nhân dân, sao người kia diễn thế mà lại được huy chương vàng, bạc. Một tài năng lớn của sân khấu tuồng đã về cõi, để lại khoảng trống chưa có người lấp.
Gia đình NSND Đàm Liên thông tin: bà từ trần vào 9h40 ngày 25/4, hưởng thọ 78 tuổi. Lễ viếng lúc 9h ngày 28/4. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 10h sáng 28/4 tại nhà tang lễ Cầu Giấy, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. |
Theo Toan Toan/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/nsnd-dam-lien-ngoi-sao-sang-vua-tat-1649123.tpo