Bay ngược người qua mép giữa hai nóc nhà 18 tầng, nghĩ ra kiểu lộn 360 độ cắm chân xuống đường ray, thực hiện cú lộn sở trường đó trên sườn vực đèo Mã Pí Lèng… Bụi Đời Runner- Trần Trọng Hiếu đã chấp nhận 4 năm bỏ nhà, lang thang làm “cửu vạn” cả ba miền để được tự do tập luyện, sống chung với chấn thương và trở thành vận động viên parkour được Olympic Tokyo gọi tên.
Trọng Hiếu nhào lộn tại Marina Bay (Singapore)
Năm 2017, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (Fédération Internationale de Gymnastique, viết tắt FIG) bất ngờ đưa Parkour và Free Running thành bộ môn thi đấu thứ 8 (bên cạnh các môn truyền thống như Thể dục nghệ thuật,Thể dục nhịp điệu, Thể dục nhào lộn…), bắt đầu từ Olympic Tokyo 2020 tới đây. Trần Trọng Hiếu là người chơi parkour tự do, trước đó anh được nhiều hội nhóm parkour tại Đông Nam Á mời biểu diễn tham dự. Năm 2019 Hiếu chiến thắng ở phần thi parkour trong Giải đấu thể thao đường phố của Red Bull Việt Nam. Mạng lưới Parkour và Free running thế giới biết đến Cork Boy Trọng Hiếu ngày càng nhiều, hầu hết những vận động viên tên tuổi các nước đều kết bạn và theo dõi anh qua instagram.
Đầu tháng 3/2020 Hiếu bất ngờ nhận được giấy mời đích danh tham dự thi đấu từ Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020. Vận động viên tự do không thể đại diện cho Việt Nam vậy là Liên đoàn Thể thao Việt Nam tức tốc làm thủ tục kết nạp thành viên cho bộ môn mà trước đó Liên đoàn chưa từng có kinh phí và huấn luyện viên đào tạo.
Điên của điên
“Thót tim”. “Điên quá”, “OMG-Ôi trời ơi!”, “Phê!”…kể cả dân parkour chuyên nghiệp cũng thốt lên khi xem các clip nhào lộn của Hiếu. Người chơi parkour với hình ảnh “phượt” trên nóc nhà, trong mắt người thường họ hẳn là “bọn điên đứt dây thần kinh sợ”. Thế mà không ít lần “bọn điên” phải suýt xoa trước Cork Boy Trọng Hiếu “Ca này điên sập nóc!”. Một đồng môn nước ngoài nhắn tin cho Hiếu: “Cậu không phải là người”. Hiếu cười tự luận: “Ý anh ta bảo mình là quái vật?”.
Đầu năm 2019, Trọng Hiếu được cộng đồng biết đến khi thực hiện cú nhảy lộn ngược qua khoảng không của hai nóc nhà 18 tầng ở Hà Nội. Ban đầu anh đo khoảng cách giữa 2 tòa nhà để ước lượng độ rộng cú nhảy. Sau đó, tập luyện trước dưới mặt đất cho quen. Có tới 10 lần liên tiếp nhảy tập đều không thể với tới vạch đó, khi còn thiếu khoảng 20 cm. Hiếu đặt mục tiêu phải tập 3 lần chính xác mới lên làm thật. Sau khoảng 2 tiếng, anh quyết định nhảy thật. Lần đầu Hiếu nhảy bị lệch song may mắn vượt qua. Lộn xuống đất tập thêm vài lần cho chắc chắn. Lần thứ hai là cú nhảy hoàn hảo. Thực hiện xong, Hiếu xách ba lô rời đi luôn. Nhào lộn nóc nhà (rooftopping) vô cùng nguy hiểm nên Hiếu luôn cảnh báo bạn bè không bắt chước dưới bất cứ hình thức nào.
Nghệ danh Cork Boy xuất hiện vào tháng 10 năm 2019 trong lần Hiếu làm khách mời của sự kiện Parkour tại Singapore. Hiếu nghĩ ra kiểu nhảy lộn (cork) trên không 360 độ rồi cắm chân xuống đường ray. Kỹ thuật này khó vì cần độ chính xác cao khi rơi xuống. Bạn đồng môn quốc tế gọi Hiếu là Cork Boy. Lúc này người theo dõi Trọng Hiếu trên Instagram mới khoảng hơn 1.000. Về nước với chấn thương ở bàn tay, Hiếu nhận lời dẫn hai người bạn đi phượt Hà Giang, “dự định đi vãn cảnh thôi chứ không định cork”. Lên đến Mã Pí Lèng, Hiếu hứng chí cork ngay ở lan can đỉnh đèo. Clip Hà Giang khiến lượng người theo dõi tăng lên hơn 10.000 người trong một hai ngày. Nhiều cao thủ từ nước ngoài đã nhắn tin trầm trồ. Chuyến đi điên rồ đó Hiếu có hai lần cork thất bại, một lần ngã xuống vực rồi tự bò lên, lần khác ngã xuống đập nước, người xây xát “may không chết”. Nửa năm gần đây lượt theo dõi đã lên đến 23,8 nghìn. Cork Boy 9X dự định sẽ đi đến thật nhiều địa hình hiểm trong nước và nước ngoài để cork.
Hoạt động cơ thể vượt qua những giới hạn là chấp nhận sống chung với chấn thương. Hiếu từng 3-4 lần bị rơi cắm đầu từ độ cao hơn 3 mét. Sau một thời gian nằm liệt giường Cork Boy thể nảo cũng có một clip nhào lộn đẹp mắt thay lời chào bạn bè “Mình đã bật dậy rồi nhé”.
Lam lũ nhưng được nhào lộn cháy bỏng
Ở tuổi 20, Trọng Hiếu đến với parkour khá muộn. Học phổ thông xong, từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) Hiếu vào TP Hồ Chí Minh làm bảo vệ. Công việc gác cửa chán, đam mê với parkour âm ỉ thúc giục Hiếu trở về nhà. Anh vác xi măng, gạch, cát xây địa hình nhảy lộn tại đầu ngõ, còn động tác thì ra quán net tự học. Bố mẹ là người khó tính, phản đối đam mê “vớ vẩn” của thằng con lì lợm, Hiếu bỏ nhà đi sống tự lập từ 2016 tới nay. Nickname Bụi Đời gắn với Hiếu từ đó. Anh sẵn sàng làm những công việc vất vả nhất miễn là được nuôi ăn và nơi đó có địa hình để tập parkour.
Có hẳn một năm anh theo bạn đến Tây Sơn (Bình Định) làm nghề bốc vác đá tinh khiết từ 3h-10h sáng với mức lương 3,6 triệu/ tháng. Chủ nhà máy rất hài lòng vì Hiếu là thợ làm xuyên đêm trụ được lâu nhất. Mỗi tuần anh có 2-3 buổi chiều ra cầu nhào lộn. Để sống Hiếu làm bảo vệ, chạy bàn quán ăn, phụ việc phòng tập gym, có đợt còn theo hội bạn Tây đi lắp ráp sân khấu sự kiện. Hầu như mọi công việc đều với đồng lương rẻ mạt, “có nơi trả tôi 1 triệu/tháng, tôi cũng làm chỉ vì có thời gian tập luyện”. Tại nhà trọ, Hiếu cùng bạn dựng xà, kê bìa carton làm đệm để nhào lộn. Có nhiều giai đoạn thất nghiệp phài ở nhờ nhà bạn, ăn mỳ gói triền miên. Có lần nhận lương tháng 3 triệu xong đi bó bột bàn tay hết 2,5 triệu. Giai đoạn rủng rỉnh nhất là mùa thu năm 2019, kèm Giải nhất Cá nhân và Đồng đội trong cuộc thi của Red Bull, Hiếu nhận một cục 40 triệu lần đầu trong đời.
Đi biền biệt 3 năm, có lần Hiếu rẽ về Bảo Lộc, định ở chơi nhà hàng xóm, né mặt bố mẹ nhưng mọi người khuyên nên qua nhà. “Bố mẹ thấy Hiếu bặt tin lâu quá đã kịp sinh con trai thứ ba”. Sáng hôm sau vào viện thăm mẹ và em mới sinh, bố bảo Hiếu đặt tên cho em nhưng Hiếu chẳng biết nói gì. Hiếu bế em một lúc rồi xin phép bố mẹ đi luôn.
Cách đây hai năm, Hiếu phát hiện “tim có vấn đề”. Trống ngực đập mạnh, ngực trái như bị đè nặng lên. Cùng đợt đang làm bồi cho quán chay tại Hà Nội, Hiếu chuyển sang ăn chay. “Tôi thấy thoải mái hơn, năng lượng bình thường mặc dù mọi người luôn thắc mắc từ rau quả tôi lấy đâu ra sức để nhào lộn vun vút”. Bạn bè khuyên đi khám tim, Hiếu kiên quyết từ chối vì sợ gặp phải chỉ định “không được hoạt động mạnh”. Có lúc trên trang cá nhân Cork Boy than “Cảm thấy tim mệt mỏi”, rồi lại đùa “Nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ không làm được những điều crazy (điên-PV) như thế này đâu, tuổi trẻ của tôi là những ngày mơ mộng. Cứ làm đi! Đi thôi!”.
Trong đợt giãn cách xã hội dịp Covid- 19, Bụi Đời đã trở về nhà đợi hết dịch. “Mấy hôm trước tim tôi không ổn lắm có lẽ vì tháng trước ăn độc món mỳ ăn liền. Cũng có thể do mất ngủ kéo dài. Cũng có thể lo nghĩ nhiều về những chuyến đi sắp tới - Olympic Tokyo, Hamburg (Đức), Milan (Ý) mùa hè tới. “Lo kế hoạch bị đẩy lùi do do dịch bệnh, lo một khoản tiền sẽ phải gom vì bên mời họ chỉ giúp một phần”.
Parkour có nghĩa là “đang yêu”
Vào đợt giãn cách xã hội, cuồng chân tay Hiếu đưa một đoạn clip tự quay. Trong nền nhạc bài hát “I love you”, anh đẩy cửa bước vào nhà vệ sinh chưa đến 1 mét vuông của nhà trọ. Bất thần Hiếu nhảy lộn một vòng rồi ngồi rơi trúng nắp của bồn cầu. Hiếu viết trên status: OMG. Hôm nay, lần đầu tiên tôi cố gắng thực hiện kỹ năng này trong một chỗ bé xíu. Khi tôi nghe bài hát "Anh yêu em" tôi đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi trong cái hộp chật chội này.
Ở tuổi 25 Cork Boy chưa yêu lần nào “tôi chả có có nghề nghiệp hay thu nhập ổn định nên chẳng dám yêu đâu. Cũng có một người đấy, nhưng sau này để xem thế nào”.
Trên người Bụi Đời 9x có nhiều hình xăm hoang dã. “Đó là những điểm tôi sẽ đến để cork. Và những điểm tôi đã từng chơi lướt sóng trong đời”. Là tên của những cuộc tình đã và sẽ đến.
Cork Boy Trần Trọng Hiếu - vận động viên parkour duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Olympic Tokyo 2020
“Hiểu cuộc sống vất vả của tôi sau những cú nhào lộn cháy bỏng, nhiều người ái ngại thay nhưng tôi không thấy mình hy sinh hay khổ cực đâu. Parkour cho đời tôi nhiều màu mà”. Cork Boy Trần Trọng Hiếu.
Theo Hoàng Hoa/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/doi-bay-nguoc-cua-bui-doi-trong-hieu-1642849.tpo