Khi dư luận mãi xôn xao về chuyện bệnh nhân số 17, tôi nhận được qua email bản thảo tập sách “Thợ săn” của nhà báo Vĩnh Trà.
Giữa mùa đại dịch Covid-19, khi số người chết và nhiễm bệnh trên thế giới chưa chững lại, và ở nước ta dư luận mãi xôn xao về chuyện bệnh nhân số 17, tôi nhận được qua email bản thảo tập sách “Thợ săn” của nhà báo Vĩnh Trà. Anh nói rõ ngay từ những trang đầu, đây là chuyện nhà báo săn tìm chi tiết để viết bài, và cuốn sách của anh do đó được gọi là “Bút ký về nghề”.
Nhà báo Vĩnh Trà (giữa) trò chuyện với nhà báo Mỹ John Hess (trái) tại New York ngày 19/5/2002
Như vậy đây là một loại biên khảo, và đã “biên” lại “khảo” chắc khó tránh khỏi khô khan khi bàn chuyện tác nghiệp một nghề vốn bị cho là khô: báo chí. Ấy thế mà tôi đã đọc luôn một mạch xong bản thảo cuốn sách đã gần hoàn chỉnh và dàn thành những trang in. Đọc qua điện thoại di động, nằm dài trên giường mà đọc - không hiểu sao mạng Internet những hôm ấy chậm đến vậy, anh gửi từ chiều mà mãi đến khi chuẩn bị đi ngủ tôi mới nhận được.
Cần nói luôn: tôi đọc một mạch bởi cuốn sách không quá dày. Dù vậy, nhìn từ một góc khác, những trang viết cuốn hút người đọc đâu có tùy thuộc đơn thuần vào độ ngắn hay dài của nó. Hầu hết chúng ta, những người ham đọc sách báo, chúng ta chẳng đã từng căng mắt ra mà đọc suốt đêm, đọc dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu nhỏ; chúng ta chẳng đã có thời mang chiếc ghế đặt gần miệng cái hầm tránh bom đạn Mỹ và đọc sách ở đó, đề phòng nhỡ có quá say mê chữ nghĩa mà không nghe lời cảnh bảo từ các loa truyền thanh “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý” và máy bay địch gầm rít trên đầu, ta nhanh chân chui tọt vào hầm, cuốn sách hay vẫn giữ chặt trong tay. Trong khi đó lại có những bài báo ngắn, những truyện ngắn và truyện cực ngắn ta đọc nửa chừng phải bỏ dở, có cầm lên cố xem lại cho hết vẫn không có cách nào nuốt trôi đến những dòng cuối truyện.
Vẫn qua Lời đầu sách Vĩnh Trà cho biết anh viết cuốn sách này dựa trên những trải nghiệm của mình trong cuộc đời cầm bút, tính đến nay đã vượt qua nửa thế kỷ không ngưng nghỉ. Tại đó tác giả nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong quá trình làm anh thợ đi săn tìm những chi tiết sáng giá, và chính vì vậy sách lại lộ hình tính hồi ký. Tuy nhiên, “vậy mà không phải vậy”.
Mục “Chi tiết và người thợ săn”, theo tôi, là một tiểu luận có sức cuốn hút, uyên bác mà không hàn lâm, bàn những chuyện nghề khó tránh khỏi khó nuốt đối với những độc giả ngoài nghề nhưng lại hấp dẫn lạ thường, hấp dẫn qua những chi tiết được chọn lọc, cuốn hút nhờ các đầu đề gợi cảm.
Có những câu tôi tâm đắc đến nỗi phải chồm dậy vớ cuốn sổ tay và cây bút trên cái bàn con dùng đặt cây đèn ngủ cạnh đầu giường và ghi luôn vào đó, ghi vì thích thú, ghi cho khỏi quên, ghi để dễ tìm lại khi cần. Chẳng hạn như: “Chi tiết đời sống trở thành chi tiết báo chí - văn chương khi nó liên kết với nhau tạo thành tư tưởng chủ đạo của tác phẩm”.
Hầu hết các mục còn lại trong tập “Thợ săn” luận bàn về chi tiết trong báo chí - văn chương thông qua những mẩu chuyện sinh động qua 50 năm trải nghiệm của tác giả cùng một số bạn hữu, đồng nghiệp gần xa, người Việt Nam và cả người nước ngoài nhân những chuyến đi công tác với tư cách phóng viên.
Mẩu nào cũng sống động, cũng… chi tiết thể hiện qua những tên người, tên đất, thời điểm, bối cảnh, sự việc, ai cần có thể dựa vào đó mà kiểm tra luôn tính xác thực. Mục nào cũng có những đầu đề cô đọng, đắt giá, theo đúng phong cách Vĩnh Trà, như “Liệt sĩ sống và liệt sĩ chết”, “Lửa hương”, “Khoảnh khắc nắng”, “Hoa trời ơi”…
Thi thoảng ta lại gặp những câu văn hay, một phần nhờ đúng lúc đúng cảnh đúng người. Vĩnh Trà kể lại, nhân một chuyến sang công tác tại Mỹ, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sau cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt.
Anh thuật lại lời một phụ nữ Mỹ từng sống nhiều năm tại nước ta, một người chịu tổn thất đau thương do phản đối cuộc chiến tranh nước chị gây nên tại Việt Nam, nhân một buổi họp mặt thân mật tại thủ đô Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: “Đêm xuống dần, trăng lên theo. Chúng tôi cùng ngắm trăng bên bờ sông Potomac. Chợt chị Lady vỗ vào vai tôi, giọng ngân nga: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”. Giật mình. Cái chị này ở Việt Nam lâu quá, nên cái gì cũng biết thế hả?”.
Nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà kết thúc mục cuối của cuốn sách, nhan đề “Thức tỉnh”, và đó cũng là câu cuối của cả tập “Thợ săn”: “Thức tỉnh, tìm tòi và sáng tạo là lao động miệt mài, không ngơi nghỉ của người cầm bút”.
"Vĩnh Linh đất đỏ lòng vàng"
Nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà, tên khai sinh Trần Đức Nuôi, là một chàng trai sinh ra tại bờ bắc sông Bến Hải, trên đất “Vĩnh Linh đất đỏ lòng vàng” ở bờ bắc Vĩ tuyến 17 vắt ngang qua tỉnh Quảng Trị với cây cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Chiến khu Ba Lòng, cùng những dòng sông mang những tên hiền hòa mà kiên cường như Hồ Xá, Sa Lung, Hiền Lương, Hiếu Giang, Thạch Hãn, Vĩnh Định, Nhùng, Mỹ Chánh-Ô Lâu…
Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đầu quân vào ngành phát thanh, khởi đầu từ việc phục vụ chiến trường miền Nam, rồi trở thành một anh nhà đài liên tục từ bấy cho đến ngày nghỉ hưu - nghỉ theo chế độ, nhưng hưu về nghề nghiệp thì chưa, đúng như đầu đề cuốn sách “Nghề không hưu”, tuyển tập dày dặn chọn lọc một số bút ký anh từng công bố qua làn sóng phát thanh (Nxb. Hội Nhà văn, 2017).
Vĩnh Trà từng đảm nhận nhiều công việc khác nhau tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia nhưng hầu như không bao giờ rời xa cây bút, sau khi nghỉ hưu anh viết càng khỏe, càng hay do có nhiều thời gian rảnh rỗi và trải nghiệm cuộc đời thêm dày dặn. Anh đã cho xuất bản hơn ba chục tác phẩm báo chí và văn học, nhiều cuốn được dư luận hoan nghênh, có những cuốn cung cấp tư liệu quý hiếm và đáng tin cậy để cùng Lãnh đạo, bạn hữu nhà Đài biên tập và xuất bản bộ Lịch sử (sơ thảo) nhan đề “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
Vĩnh Trà đã vượt qua cái mốc xưa nay hiếm, nhưng cái hiếm hơn ở anh, qua cảm nhận của tôi, là càng cao tuổi anh càng viết càng lên tay.
Tôi tin tưởng cuốn “Thợ săn” của anh rồi sẽ cuốn hút nhiều bạn đọc, không riêng các bạn sinh viên báo chí yêu quý như anh khiêm tốn trải lòng tại Lời đầu sách, mà còn được đông đảo người đọc, trước hết là những ai quan tâm đến báo chí - văn học chờ đón, hoan nghênh.
Hà Nội, những ngày xuân “Ta ở nhà khi Tổ quốc cần”, 2020./.
Theo Phan Quang/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/vinh-tra-nguoi-tho-san-1029734.vov