Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết, soạn giả Thanh Hiền- Người được mệnh danh là “Vua viết vọng cổ trên sóng phát thanh” vừa qua đời vào sáng ngày 26/2 tại quê nhà ở Tây Ninh.
Với người yêu cải lương và đờn ca tài tử phía Nam, rất nhiều người biết tới soạn giả Thanh Hiền, tác giả của rất nhiều bài ca cổ nổi tiếng cũng như là một thành viên tích cực trong phong trào phát triển đời ca tài tử Đông Nam bộ.
Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng- sinh năm 1942 tại Trảng Bàng- Tây Ninh. Do được học về đờn ca tài tử từ nhỏ nên năm 1960, khi tham gia cách mạng ông đã được cử về làm tại Đoàn văn công Giải Phóng với vị trí trưởng ban Cổ nhạc. Dù hoàn cảnh trong chiến khu rất nhiều khó khăn nhưng cùng với các nghệ sỹ trong đoàn, ông vẫn say mê sáng tác và tổ chức xây dựng các chương trình cổ nhạc trên sóng đài phát thanh Giải phóng.
Soạn giả Thanh Hiền- (Ảnh Internet)
Sau ngày đất nước thống nhất, soạn giả Thanh Hiền chuyển về công tác tại Hội Sân khấu TPHCM. Đến cuối năm 1978, ông chuyển công tác về Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tây Ninh để gần nhà.
Sau đó, ông về làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cho đến khi về hưu. Nhưng ở cương vị nào, giai đoạn nào, tác giả Thanh Hiền vẫn không rời cây đờn và cây viết, được xem như hai loại vũ khí suốt thời gian ông phục vụ cách mạng.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nổi tiếng bởi gia tài hơn 2.000 bài vọng cổ và các bản tài tử, hơn 20 vở diễn cải lương. Trong đó nhiều bản vọng cổ do ông sáng tác đã trở lên nổi tiếng, đi vào lòng của nhiều thế hệ yêu cải lương như Bông điệp Sài Gòn (Minh Cảnh thể hiện); Tấc đất tấc vàng, Chuyến xe Tây Ninh (NSND Thanh Tuấn thể hiện), Rẽ mạ đầu mùa (Minh Cảnh – NSƯT Thanh Kim Huệ ca), Lan trắng, Cây thương nhớ, Tâm sự Ngọc Hân (NSND Lệ Thủy- NSND Minh Vương)....
Nhiều tác phẩm của ông cũng đạt các thành tích cao như: Lá thư cô Hiếu (Giải Nhất - Đài Phát thanh Giải phóng), Đám cưới cô Trầm, Vì sao anh chưa về (giải Nhì - Đài Phát thanh Giải phóng), Tiếng hát An Cơ (Huy chương Bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), Chim quyên xuống đất (Huy chương Bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp); Lý sáng trăng, Lý bông đậu; Lý tầm quân (Huy chương Vàng tại Liên hoan Đàn hát dân ca toàn quốc năm 1985).
Ngoài soạn lời ca cổ, Thanh Hiền còn là nghệ nhân đời ca tài tử với ngón đàn kìm, đàn guitar phím lõm điêu luyện. Sau khi nghỉ hưu, Thanh Hiền tham gia phát triển đờn ca tài tử tại quê nhà. Với vai trò Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Tây Ninh, Thanh Hiền đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng CLB trở thành một trong những tên tuổi mạnh của phong trào đờn ca tài tử tại Miền Đông Nam bộ.
Soạn giả Thanh Hiền trong một lần giao lưu với khán giả yêu Đờn ca tài tử (Ảnh Internet)
Với những thành tích suốt đời cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, tác giả Thanh Hiền đã vinh dự được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu đợt 1 và 2, Giải thưởng văn học Nguyễn Thông- Long An... cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/vua-viet-vong-co-tren-song-phat-thanh-thanh-hien-qua-doi-1523783.tpo