Nhiều du khách đến với Hà Giang thường ghé thăm cột cờ Lũng Cú, dinh thự họ Vương, đỉnh đèo Mã Pì Lèng… Nhưng không nhiều người biết đến điểm tham quan Đồn Cao trên đỉnh núi cao nhất khu vực này, cho đến khi…
Nhà nghỉ, quán xá mọc lên chắn ngay trước tầm nhìn từ núi xuống thị trấn Đồng Văn - Ảnh: PHẠM MẠNH
Khi dân bản địa, báo chí phản ánh về một dự án xây dựng thang máy lên núi, cụm nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê... đang có những sai phạm ở đây, chúng tôi và nhiều người yêu Hà Giang khác đều cảm thấy ngỡ ngàng và xót xa cho thực trạng ngổn ngang ở di tích, danh thắng này.
Thang máy giữa núi rừng
Đồn Cao (còn có tên khác là Chang Poung), thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một điểm tham quan có lịch sử độc đáo từ thời Pháp thuộc. Người Pháp đã xây dựng khu Đồn Cao trên đỉnh núi đá vôi cao nhất Đồng Văn (1.213m so với mực nước biển) vào những năm đầu thế kỷ 20. Đồn Cao nằm ngay sát khu phố cổ Đồng Văn và rất gần với UBND huyện Đồng Văn hiện nay.
Cùng với Đồn Cao còn có Đồn Thấp nằm phía dưới được xây dựng cùng một thời điểm. Theo người dân địa phương, dấu tích của Đồn Thấp là một đoạn tường đá được bảo tồn ngay bên trong khuôn viên UBND huyện Đồng Văn.
Đồn Cao được xây dựng bằng hai loại đá đặc biệt sẵn có trong vùng công viên địa chất, đó là đá vôi Trùng Thoi xây tường thành cao 6-10m, dày 70-80cm và đá Vân Đỏ lợp ở các lỗ châu mai. Dọc theo tường thành có 97 bậc thang dẫn lên nóc đồn cũng được xây dựng bằng đá vôi Trùng Thoi.
Không chỉ mang dấu ấn lịch sử trăm năm, Đồn Cao hiện nay trở thành điểm đứng ngắm cảnh tuyệt vời nhất trong khu vực. Đứng ở nóc đồn, chúng ta có thể quan sát được một bức tranh toàn cảnh hệ thống núi đá vôi hùng vĩ. Từ đây có thể nhìn thấy đèo Si Phai, cánh đồng làng Nghiến phố cổ Đồng Văn cùng khu thị trấn sầm uất...
Hiện nay, từ trung tâm thị trấn Đồng Văn lên đỉnh núi với Đồn Cao đã có con đường bộ được đổ bêtông. Người dân bản địa cho biết đoạn đường lên núi khá dốc, xe máy chỉ đi được một đoạn, sau đó phải dừng để đi bộ lên Đồn Cao. Đoạn dốc đi bộ người ta đã làm những cái gờ bậc bằng ximăng để tránh trơn trượt và du khách có thể leo dễ dàng hơn.
Khi biết được thông tin về dự án xây dựng thang máy lên đỉnh núi cùng với hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán xá ở khu vực này từ tháng 4-2019, nhiều người trong đó có tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Công trình làm thang máy lên núi đang dở dang - Ảnh: KIÊN TRUNG
Cảnh quan bị bôi xấu
Đồn Cao và khu cảnh quan núi đá ở đây có giá trị lịch sử và vị trí quan trọng xét trong tổng thể Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn do UNESCO công nhận. Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều biện pháp để trùng tu một số đoạn tường thành bị xuống cấp trong thời gian qua.
Hiện nay ở khu vực gần tường thành Đồn Cao có hơn 10 căn nhà khung sắt, lợp mái tôn xây dựng dở dang ở những khu đất bằng phẳng trên núi với diện tích hơn 5.000m2. Đứng từ lưng chừng núi nhìn xuống trung tâm thị trấn Đồng Văn sẽ thấy những căn nhà này chắn ngang tầm mắt, vô cùng lộn xộn, xấu xí.
Được biết, những căn nhà này được đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong dự án này có một hạng mục là xây chiếc thang máy cao 102m, ngay sát vách núi đá vôi dựng đứng. Trong quá trình làm thang máy, vách núi đá vôi sẽ bị khoan đục làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cảnh quan. Những thanh sắt, giàn giáo hiện vẫn ngổn ngang ngay dưới chân núi.
Trong quá trình xây dựng, người dân khu vực đã bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi gây ra... Người dân bức xúc: đã có đường bộ đổ bêtông, bậc thang cho du khách lên cao ngắm cảnh dễ dàng, vậy có cần làm thang máy lên núi không?
Ngày 25-10-2019, Bộ VH-TT&DL đã có công văn yêu cầu tỉnh Hà Giang đình chỉ dự án trên. Dự án dở dang ở khu di tích Đồn Cao đang để lại có hiện trạng ngổn ngang, bừa bộn sau khi đã phá cảnh quan núi rừng giữa lòng di sản. Sự việc đã được đẩy vào tình thế "sự đã rồi". Tiếp theo đây, khâu xử lý, giải quyết hậu quả sẽ nan giải, tốn kém vô cùng.
Con đường bộ khang trang với gờ bậc ximăng cho du khách lên Đồn Cao - Ảnh: PHẠM MẠNH
Giữ di sản, vì cộng đồng
Hiện nay ở quanh khu vực dưới chân núi Đồn Cao có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay từ bình dân đến cao cấp có giá từ 200.000-800.000 đồng/phòng/đêm. Cùng với đó là hệ thống các quán ăn, cà phê, giải khát... phục vụ du khách tại khu phố cổ và các nơi trong thị trấn.
Dự án dở dang ở Đồn Cao đã ngưng giữa ngổn ngang, lộn xộn, kèm theo đó là những ý kiến về việc xử lý hậu quả của nó. Lại thêm một cảnh báo điển hình về phát triển du lịch đi cùng với gìn giữ, bảo tồn di sản. Và các dự án phát triển du lịch cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Đâu nhất thiết phải mang mọi thứ dịch vụ đến nơi cao nhất, đẹp nhất để rồi phải đi giải quyết hậu quả môi trường bị bào mòn, xâm hại. Thêm tiện ích để rồi cảnh quan di tích bị bào mòn vẻ đẹp dần chỉ là vì lợi ích trước mắt và nhiều khi chỉ vì lợi ích cho số ít người.
Thay vào đó, nên tìm giải pháp giữ di sản vì lợi ích lâu dài cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Tuổi trẻ