Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh bộ phim “Ròm” vừa đối diện với án phạt 40 triệu đồng và nhiều ý kiến đòi hỏi phải thay đổi cơ chế kiểm duyệt để thúc đẩy điện ảnh phát triển.
Lỡ mất nhiều cơ hội được quảng bá điện ảnh Việt
Mấy ngày qua, sự việc liên quan đến khâu kiểm duyệt bộ phim “Ròm” và phim “Everst - Người tuyết bé nhỏ” khiến dư luận chú ý. Đặc biệt, bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy dù được xướng tên ở hạng mục New Currents (Phim hay nhất), một trong những hạng mục danh giá nhất LHP quốc tế Busan - Hàn Quốc nhưng vẫn phải đối diện với án phạt 40 triệu đồng của Thanh tra Bộ VHTT&DL vì chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến nhưng vẫn gửi phim tham dự LHP quốc tế Busan… đã khiến không ít người tiếc nuối.
Cảnh trong phim "Ròm" vừa đoạt giải tại LHP quốc tế Busan - Hàn Quốc.
Được biết, trước đó nhà sản xuất phim này đã từng làm thủ tục xin cấp phép nhưng vẫn chưa được cấp phép vì bị cho có nội dung phản cảm, thể hiện cách nhìn tiêu cực về văn hoá, con người Việt Nam. Nhà sản xuất này cũng không hề nhận được hướng dẫn cụ thể nên chỉnh sửa hoặc thay đổi như thế nào để được cấp phép.
Nhiều người cho rằng, sự việc này khiến cho nhiều bộ phim lỡ mất nhiều cơ hội được quảng bá điện ảnh Việt trên trường quốc tế. Ngoài ra, nó cũng khiến cho các nhà làm phim độc lập nản chí khi bắt tay vào sản xuất phim bằng mọi sự nỗ lực của bản thân.
Đặc biệt, việc độc quyền thẩm định phim của Hội đồng thẩm định phim quốc gia cũng đang tạo nên sự can thiệp quá sâu vào tác phẩm điện ảnh. Thậm chí, nhiều khi cơ quan thẩm định còn tự suy diễn ý tứ của tác giả là ám chỉ này nọ để kiểm duyệt và bắt buộc phải cắt bỏ. Bên cạnh đó, việc nhân sự của Hội đồng thẩm định phim quốc gia có hạn mà khối lượng phim phải duyệt hàng năm quá nhiều cũng dẫn đến tình trạng quá tải. Đó là mầm mống để dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Sự chần chừ lần thứ nhất của Cục Điện ảnh trong việc cấp phép cho phim "Ròm" suýt nữa đã lấy đi cơ hội đường hoàng để điện ảnh Việt Nam được chào đón hân hoan tại sân chơi chính thống. Sự chần chừ lần thứ hai trong việc thiếu những hướng dẫn cơ bản nhất để có thể nhanh chóng cấp phép cho phim.
Đến bây giờ, Cục vẫn chưa đưa ra tín hiệu cho thấy mình sẽ không có bất cứ hỗ trợ nào, thậm chí đơn giản là cân nhắc lại thành công của “Ròm” ở LHP quốc tế Busan. Cục có bao giờ nghĩ đến những cây cầu bị chặt nhiều khi chỉ vì những chần chừ của mình không?".
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, quy trình thẩm định phim và quy trình cấp phép phổ biến cho phim Việt đang có rất nhiều vấn đề. Và chính những vấn đề này đã gây cản trở rất lớn cho phim nội khi mang ra nước ngoài tham gia các liên hoan phim quốc tế.
VCCI kiến nghị bỏ độc quyền kiểm duyệt phim
Mới đây, phía VCCI - Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã có bản góp ý đối với việc xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi gửi Cục Điện ảnh. Trong đó, VCCI đã nhấn mạnh đến những bất cập trong kiểm duyệt phim hiện nay.
“Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp.
Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập.
Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTT&DL, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình. So sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì sẽ thấy cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay rất bất cập.
Về lâu dài, việc thẩm định phim qua Hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí, sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một Hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim.
Kể cả khi thành lập thêm các Hội đồng ở Hà Nội và TP.HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới”, văn bản góp ý của VCCI nêu rõ.
Từ những điều đã nêu, VCCI đề nghị Cục Điện ảnh nên mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim. Cụ thể, Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.
Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ VHTT&DL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
Theo VCCI, một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, ý kiến đóng góp của VCCI trong việc bỏ cơ chế độc quyền kiểm duyệt và thẩm định phim là rất đáng trân trọng. Cục xin ghi nhận và sẽ cân nhắc trong việc xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Theo Hà Tùng Long/Dân trí