Vẻ đẹp bản làng Lai Châu đang đổi thay từng ngày và thực sự trở thành điểm đến lý tưởng cho những người ưa khám phá.
Sau chia tách tỉnh năm 2004, tỉnh mới Lai Châu gặp muôn vàn khó khăn. Nhờ các quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đến nay bản làng đã thực sự đổi thay.
Lai Châu, mảnh đất nơi địa đầu Tây Bắc tổ quốc là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em, trong đó đồng bào Thái, Mông, Dao chiếm đa số.
Tuy còn khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, nhưng những năm qua đồng bào các dân tộc địa phương luôn cần cù, chịu khó, nỗ lực vượt qua.
Với nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Lai Châu đã phát triển nhiều vùng hàng hóa tập trung, tạo việc làm và không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Cùng với vùng chè chất lượng cao, nhiều địa phương ở Lai Châu đã phát triển sản xuất vùng lúa cao sản thơm ngon có tiếng cả nước: tẻ dâu, séng cù.
Niềm vui được mùa.
Với lợi thế lòng hồ thủy điện trên sông Đà, sông Nậm Na, Nậm Mu, địa phương cũng đang khai thác tốt trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giúp hàng nghìn hộ gia đình vùng lòng hồ có việc làm và thu nhập.
Nhờ điều kiện kinh tế được cải thiện, việc chăm lo học tập cho con em đồng bào cũng được quan tâm hơn, giúp đồng bào hiểu biết hơn để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.
Nếu như ở nhiều tỉnh thành trong cả nước văn hóa các dân tộc đang dần bị đồng hóa thì ở Lai Châu, đồng bào vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Khèn Mông, một trong những loại hình văn hóa vật thể mang đậm âm hưởng của núi rừng Tây Bắc đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm để lưu giữ.
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc địa phương cũng tạo ra những bộ trang phục truyền thống từ nghề dệt, may vá thủ công để phục vụ du khách.
Theo các doanh nghiệp lữ hành đang khai thác du lịch tại Tây Bắc đánh giá, Lai Châu dù không có nhiều du khách như Điện Biên, Lào Cai, nhưng lại để lại dấu ấn đậm nét bởi các nét văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn.
Thống kê của chính quyền địa phương, lượng khách đến với Lai Châu những năm gần đây, nhất là khách nước ngoài ngày càng tăng, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Để có được đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn tại các bản làng như hiện nay, phần lớn là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vươn lên từ cộng đồng các dân tộc. Lai Châu đang thực sự khởi sắc.
Nhóm PV/VOV.VN