Là một trong bảy vùng du lịch với nhiều tiềm năng nhưng du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển chậm nhất cả nước. Để tạo sự đột phá, các tỉnh trong vùng đang định hình phát triển mỗi tỉnh một sản phẩm đặc thù.
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong 5 năm trở lại đây, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn duy trì tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Năm 2018, vùng ĐBSCL đón 40,7 triệu lượt khách đến với các khu điểm du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết: “Vùng ĐBSCL xác định thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch tìm hiểu di tích di sản và văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch MICE”.
Tham quan rừng Trà Sư.
Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong, đối với khách du lịch từ miền Bắc, du lịch vùng ĐBSCL đang hình thành 3 tuyến điểm rõ nét: biển đảo với điểm nhấn đảo Phú Quốc; du lịch sinh thái – văn hóa Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau và tuyến đi Cần Thơ - An Giang – Kiên Giang. Trên cơ sở 3 tuyến này, các tỉnh thành và các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch cung cấp những sản phẩm đặc thù để hấp dẫn du khách, tránh trùng lặp.
Đơn cử như thành phố Cần Thơ phát triển loại hình du lịch hội nghị (MICE), trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với cuộc sống sông nước. Còn tỉnh Anh Giang tập trung khai thác loại hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái như lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi, rừng tràm Trà Sư…
Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung khai thác trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa. Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Du lịch Bạc Liêu cho biết: Là quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nên tỉnh tập trung phát triển du lịch trải nghiệm nghệ thuật đờn ca tài tử kết hợp với giai thoại về “công tử Bạc Liêu” để thu hút khách.
Nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ
Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn vùng đón trên 26,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,78 triệu, tăng gần 19%. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia du lịch, du khách tới ĐBSCL có thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít. Hiện tỷ lệ lưu trú của khách ở vùng chỉ đạt trung bình 1,95 ngày với khách quốc tế, 1,7 ngày với khách trong nước. Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô nhận xét: Nguyên nhân chính khiến khách chưa ở lại lâu vì dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm đến trong vùng mới ở mức trung bình và hoạt động mới dừng ở mức tham quan, chưa phải dịch vụ trải nghiệm để “níu” chân khách lâu hơn.
Biểu diễn nghệ thuật múa truyền thống tại chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu).
Ông Phùng Quang Khánh nhận xét: “Trong vài năm gần đây, các tỉnh đã nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, tuy nhiên cần có những điểm đến mới để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Đơn cử như tuyến du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Cần Thơ. Điểm đến Bạc Liêu chỉ đơn thuần là điểm dừng chân để khách đến với ngôi nhà công tử Bạc Liêu. Tuy nhiên hành trình có thể kéo dài nếu tỉnh giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật đơn ca tài tử qua việc trải nghiệm giao lưu với khách, thăm chùa Xiêm Cán với nghệ thuật múa của dân tộc Khmer…”.
“Bên cạnh đó, các điểm du lịch cũng quan tâm tới các yếu tố bảo vệ môi trường. Đơn cử như khu du lịch rừng tràm Trà Sư, đơn vị quản lý du lịch nên hạn chế thuyền máy, dừng việc mở nhà hàng ăn uống sâu trong rừng. Đồng thời nên tạo cảnh quan đặc trưng để du khách có thể chụp ảnh”, ông Phùng Xuân Khánh nhận xét.
Trong khi đó, ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Sunvina travel cho rằng: “Cùng với chương trình tham quan, các tỉnh có chiến lược giới thiệu mỗi tỉnh một sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế du lịch và người đi du lịch cũng cảm thấy hài lòng khi được mua sắm. Đơn cử như Bạc Liêu với sản phẩm muối và tôm; An Giang nổi tiếng với đường thốt nốt; Cần Thơ với các sản phẩm thủy sản chế biến… Các sản phẩm này phải được quảng bá rộng rãi, đóng gói mẫu mã phù hợp để đóng gói, xách tay vận chuyển qua đường hàng không”.
Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch An Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Xác định du lịch là nền kinh tế tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển của vùng, trong những năm gần đây, 13 tỉnh trong vùng đã họp bàn để định hướng tạo dựng mỗi tỉnh một sản phẩm đặc thù để cho các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm không bị trùng lắp, qua đó sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đẩy mạnh xúc tiến quảng bá qua hội chợ, tổ chức đoàn fam giới thiệu sản phẩm du lịch mới theo từng giai đoạn, thời kỳ.
Để quảng bá điểm đến và các nét văn hóa đặc sắc của vùng ĐBSCL, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Cần Thơ 2019 sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2019 tại thành phố Cần Thơ. Hợi chợ sẽ có khoảng 250 gian hàng với sự tham gia hơn 300 doanh nghiệp. Điểm nhấn của Hội chợ VITM Cần Thơ 2019 sẽ là các sản phẩm đặc thù như biểu diễn nghệ thuật và lễ hội ẩm thực… “Đây là lần đầu tiên một hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại vùng ĐBSCL với mong muốn quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm du lịch mới, đặc thù của vùng. Trong đó những thị trường khách mục tiêu tại khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đông Bắc Á, Tây Âu, Ấn Độ”, ông Trần Việt Phường nhận xét.
Theo Xuân Cường/Tin Tức