Trung Quốc có lẽ là quốc gia mà nếu đi nhiều lần về vẫn cảm thấy chưa thỏa thuê. Bởi mỗi hành trình đều mang đến một trải nghiệm mới, cảm xúc mới. Bởi đất nước này rộng lớn quá, càng đi càng tò mò...
Phượng Hoàng cổ trấn đang là điểm đến 'hot' của du khách Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều người bạn làm nghề có đặc trưng nghề nghiệp phải “dịch chuyển” nhiều nói với tôi rằng, dù có đi qua vài chục quốc gia trên thế giới thì Trung Quốc vẫn là đất nước họ muốn quay lại nhiều lần. Bởi mỗi hành trình khám phá đều mang đến cho họ những cảm xúc đặc biệt ấn tượng và cũng bởi đất nước tỷ dân quá rộng lớn, mà càng đi càng thấy tò mò, thích thú và mê đắm.
Và một trong những “đặc sản” của du lịch Trung Quốc là các cổ trấn ngàn năm tuổi. Trong đó Ô Trấn, Phượng Hoàng và Lệ Giang cổ trấn đã và đang là ba điểm đến đặc biệt thu hút đối với du khách Việt Nam.
“Venice của phương Đông”
Ô Trấn được xây dựng từ thế kỷ thứ IX, nằm ở phía Nam sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang. Điểm đặc biệt của Ô Trấn là dù trải qua suốt hơn 1.000 năm lịch sử nhưng cổ trấn này chưa một lần thay tên đổi họ.
Nhìn từ trên cao một góc Ô Trấn. (Ảnh: CTV)
Trước khi ngành đường sắt ra đời ở Trung Quốc, thuyền bè là cách duy nhất để di chuyển giữa các vùng và thị trấn nằm dọc theo sông Dương Tử. Đến tận ngày nay, việc di chuyển quanh Ô Trấn vẫn chủ yếu bằng đường thủy khiến nơi đây mang dáng dấp một “Venice của phương Đông,” nơi có những dòng kênh xanh xanh uốn lượn và cây cầu đá cong cong được chạm khắc tinh xảo bắc ngang đôi bờ.
Ô Trấn chỉ cách thành phố Thượng Hải khoảng 140km, cách Hàng Châu khoảng 80km nên rất thuận tiện cho lịch trình du lịch. Được xếp vào một trong sáu cổ trấn đẹp nhất Giang Nam, những cây cầu đá cổ với lịch sử lâu đời chia Ô Trấn thành bốn khu vực Đông-Tây-Nam-Bắc.
Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn Tây Sách và Đông Sách là giữ lại được vẻ đẹp cổ kính ngàn năm nên thường được khách du lịch lựa chọn ghé thăm. Đông Sách thậm chí còn giữ được nguyên gốc toàn bộ kiến trúc quy hoạch, từ tên gọi, địa chỉ, hệ thống nước, kiến trúc đến phương thức sinh hoạt của người dân vẹn nguyên qua hơn nghìn năm mưa gió. Còn Tây Sách đã được tái thiết nhằm giữ vẻ cổ kính song có phần tiện nghi hơn để phục vụ du khách.
Nơi đây được mệnh danh là 'Venice của phương Đông.' (Ảnh: CTV)
Đặt chân tới đây, bạn hãy dành trọn một ngày từ sáng đến tối để cảm nhận hết hơi thở nhịp sống cổ trấn ngàn năm. Bắt đầu bằng chuyến tản bộ buổi sáng, ngắm những chậu hoa khoe sắc nơi cổng nhà ai đó, sẽ thấy lòng nhẹ nhàng và bình yên hơn. Những bức tường rêu phong cổ kính và hệ thống kênh rạch chằng chịt ở Ô Trấn tạo nên vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc như bức tranh thủy mặc. Buổi tối, đèn lồng sẽ đồng loạt được thắp sáng, những dãy nhà hắt bóng xuống mặt kênh càng khiến đêm Ô Trấn không chỉ lung linh mà còn rất trầm mặc.
Hầu hết các ngôi nhà cổ và cửa hàng ở Ô Trấn đều có mặt hướng ra bờ sông, soi bóng dưới mặt nước êm đềm dễ làm du khách có cảm giác như đang sống giữa một vùng đất cổ xưa và thanh bình.
Toàn bộ kiến trúc tại đây đều mang đậm dấu ấn người Trung Hoa với gỗ và đá trụ cột, nhà ở, nhà xưởng, cửa hàng và máy móc đan xen với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Mỗi khu tập trung làm nổi bật một nét đặc biệt của nền văn hóa phong phú của khu vực, bao gồm những khu vực dành cho hàng thủ công và hội thảo, nhà ở truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật và giải trí, cũng như khu mua sắm.
Thị trấn của những cây cầu
Trải qua hơn 1.300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn vẫn còn giữ được những nếp nhà nhỏ nép sát nhau soi mình xuống dòng Đà Giang kiêu hãnh phía Tây tỉnh Hồ Nam. Nét rêu phong thời gian in hằn lên nền trời xanh, soi bóng vào mặt sông khiến đất trời nơi đây mang vẻ đẹp của một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Những dãy nhà cổ soi bóng bên dòng Đà Giang. (Ảnh: CTV)
Phượng Hoàng cổ trấn có khung cảnh đậm nét cổ kính, bí ẩn, hệt trong những bộ phim cổ trang. Giữa không gian đó dòng sông uốn lượn quanh cổ trấn, hai bên bờ là nơi còn lưu giữ rất nhiều căn nhà cổ, gia trang, thành quách, những dãy phố, đền chùa xưa kia.
Luồn lách qua những con ngõ nhỏ, đi sâu vào thị trấn, bạn sẽ bắt gặp từng mái ngói cổ sẫm màu thời gian. Nghỉ chân trên ghế trúc nhỏ nơi khách quán, thong thả nhâm nhi chén trà ướp hương xuân tận hưởng từ từ dư vị cổ kính bao bọc xung quanh.
Đừng quên dạo bước qua những cây cầu độc đáo bắc ngang sông, bởi lẽ thị trấn cổ này nổi tiếng với những cây cầu kiêu hãnh yên vị ngàn năm trên dòng nước trong xanh. Nào là cây cầu Đá Nhảy vì đi một bước phải nhảy một bước; cầu Gỗ cong cong, mộc mạc, sát mặt nước; cầu Hồng Kiều được thiết kế như chiếc thuyền có mái hình ngôi nhà, gồm 2 tầng, trong đó tầng 1 là nơi buôn bán các mặt hàng đa dạng còn tầng 2 được tận dụng làm bảo tàng nghệ thuật.
Cổ trấn này cũng có nét khác biệt so với các nơi khác bởi những ngôi nhà cổ cao tới hai, ba tầng lầu chạy dài hai bên bờ cho thấy cuộc sống thịnh vượng, vai trò là trung tâm kinh tế, xã hội của cổ trấn trong cả vùng Hồ Nam rộng lớn xưa kia. Từ trên những cây cầu cao như Hồng Kiều, Vân Kiều hay những quán càphê nhạc sống, du khách có thể chậm rãi ngắm nhìn những chiếc thuyền hoa đăng bồng bềnh chở khách dạo sông, khiến đêm Phượng Hoàng cổ trấn đầy huyền ảo.
Cổ trấn bốn mùa hoa cỏ
Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam, với trung tâm là khu phố cổ còn giữ được gần như nguyên vẹn từ khi hình thành cách đây 800 năm. Do giáp biên giới với Tây Tạng nên kiến trúc nơi đây có nét giao thoa của nhiều dân tộc: Hán, Bạch, Tạng, Nạp Tây.
Dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và mài mòn của thời gian nhưng không khí cổ kính vẫn vương vất trên mảnh đất này, toát ra từ mỗi ngôi nhà, con phố, cho đến sinh hoạt của người dân.
Cổ trân rực rỡ suốt bốn mùa hoa. (Ảnh: CTV)
Bao quanh cổ trấn là núi non hùng vĩ cùng những hàng cây xanh rũ lá. Hình ảnh cây cầu nương mình chạy theo dòng sông trong nội đô, bên những ngôi nhà mái đỏ tươi có treo lồng đèn lủng lẳng trước hiên nhà như vẫn lặng yên ở đó, không mảy may đổi thay trước bao biến động ngoài kia.
Như với bất kỳ một trấn cổ nào, cách tốt nhất để khám phá trọn vẹn nơi đây là đi bộ trong lòng phố cổ. Bạn có thể thong dong qua từng ngách phố, thi thoảng sẽ ngỡ ngàng đến thích thú khi phát hiện ra mình đã “đi lạc,” và lại như một sức hút vô hình, bạn không muốn quay lại con đường cũ mà cứ tiếp tục muốn men theo những ngách nhỏ dẫn lối, khám phá tiếp bất ngờ phía trước. Cảm giác như mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà đều là những góc nhỏ yên tĩnh và êm đềm, mặc kệ thời gian trôi.
Không khó để bắt gặp những thiếu nữ diện cổ trang ở đây. (Ảnh: CTV)
Trung tâm của khu phố cổ là quảng trường Tứ Phương, từ đây có 4 con đường chính mở rộng ra 4 hướng khác nhau dẫn theo hàng loạt những ngõ ngách hệt như mê cung. Bù lại, cổ trấn như cô gái đẹp lại biết cách “tô son điểm phấn” với những hàng liễu rủ đôi bờ, thuyền hoa đậu dưới chân cầu, nước chảy lững lờ, những dàn hồng leo, cúc vàng, ngũ sắc mùa nào hoa đó phủ kín không gian phố cổ, khiến mỗi nơi lại tạo ra những khung hình khác nhau, đều xinh đẹp không dễ trộn lẫn./.
Tour tham khảo tại Công ty du lịch Vietravel-Hà Nội: |
Theo M.Mai (Vietnam+)