19
/
74860
Để không còn “Vợ Ba” thứ 2...
de-khong-con-vo-ba-thu-2
news

Để không còn “Vợ Ba” thứ 2...

Thứ 3, 11/06/2019 | 15:12:01
1,009 lượt xem

Tưởng chừng phim “Vợ Ba” đã lắng xuống sau 2 tuần “sôi sục” bởi những luồng dư luận trái chiều làm ồn ào không chỉ giới truyền thông mà còn đi cả vào nghị sự chính trường Quốc hội đang họp, thế nhưng khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng VHTTDL về các vấn đề văn hóa, nhất là các vi phạm đạo đức trong hoạt động văn hóa nghệ thuật khó xử lý thì thêm một lần cần xem lại luật đã đầy đủ, chi tiết chưa?

Ảnh: Do CGV cung cấp.

Ảnh: Do CGV cung cấp.

Chưa khi nào phim điện ảnh Việt lại gây “nóng” với truyền thông cùng hai luồng dư luận trái chiều nhiều như với phim “Vợ Ba”. Theo một con số thống kê, tính đến ngày 5.6 có 67 bài viết.

Sau khi phim chiếu tại các rạp, có 14 bài không ủng hộ, 24 bài trung lập không khen chê (có bài PR phim). Và sau khi Bộ VHTTDL yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép thì có 12 bài không ủng hộ, 16 bài ủng hộ (có cả bài PR phim). Chưa kể trên các mạng xã hội, ý kiến về phim cũng tạo các trend đối nghịch nảy lửa giữa các fan và anti-fan của phim.

Khi nhà sản xuất chủ động rút phim ra khỏi rạp chiếu, cũng như lệnh phạt 50 triệu đồng do vi phạm quy định của Cục Điện ảnh, vẫn chưa thỏa ý đại đa số công chúng, bởi vẫn “treo” ở đó việc phim có vi phạm các Bộ luật Lao động, Luật Điện ảnh, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em…, khi để diễn viên 13 tuổi diễn các cảnh nhạy cảm của người lớn hay không?

Bên nào cũng đưa ra lý lẽ

Khi “Vợ Ba” mới ra, lúc đầu một số bài review phim và khen đây là một phim “mới” về nhiều mặt, có sự sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh.

Sau đó, có những bài viết trên báo mạng đặt thẳng vấn đề phim có vi phạm luật, có vi phạm đạo đức của nhà sản xuất khi cho một bé gái 13 tuổi diễn các cảnh vượt quá tầm tuổi mà luật quy định, và đề nghị “xử” nhà sản xuất, thậm chí “xử” cả đạo diễn và mẹ của diễn viên - người giám hộ và thay mặt ký hợp đồng đóng phim.

Các fan của phim cũng ngay lập tức phản công, họ cho rằng đây là phim nghệ thuật, có nhiều sự sáng tạo, đã “chinh chiến” nhiều LHP quốc tế và đoạt giải thưởng, được 28 quốc gia mua phim để chiếu thương mại… Họ cho rằng những người phản đối phim là thiếu hiểu biết về nghệ thuật, và những người quản lý văn hóa khi phạt phim này cũng là một cách bóp chết sự sáng tạo nghệ thuật, khiến phim nghệ thuật ở Việt Nam sẽ lại phải chết “tức tưởi”. Họ cho rằng để diễn viên 13 tuổi vào vai là đúng thực tế, là “điện ảnh phản ánh hiện thực…”.

Nhưng lý do mà các anti-fan phim “Vợ Ba” thì rõ ràng, họ có cái lý để chống lại phim này. Không chỉ việc cho diễn viên nữ 13 tuổi diễn cảnh “nóng” với những cảnh quá sức của một đứa trẻ chưa có đủ nhận thức về các vấn đề giới tính và tình dục, xét về mặt đạo đức người làm phim là khá tàn nhẫn với đứa bé, có thể vi phạm luật.

Khi luật chưa chi tiết và rõ ràng

Scandal phim “Vợ Ba” cho thấy Việt Nam thiếu hụt luật pháp bảo vệ trẻ em thế nào, khi có luật quy định phân loại phim theo từng độ tuổi, nhưng không hề có quy định khi trẻ em đóng phim thì hành vi nào được phép tham gia, điều kiện bảo hộ ra sao, làm sao để đảm bảo quyền lợi học hành, giờ giấc ăn ngủ của trẻ trong quá trình làm phim như thế nào, cách khai thác hình ảnh của trẻ khi quảng bá phim ra làm sao...? Tất cả chỉ dựa vào mức độ chuyên nghiệp và lương tâm của người làm phim. Khi có vấn đề phát sinh thì không biết dựa vào đâu mà giải quyết...

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, trả lời truyền thông cho rằng việc nhà sản xuất phim “Vợ Ba” cho bé Trà My trực tiếp đóng cảnh nóng ở tuổi 13 là “vi phạm các điều trong mục 1, Chương XI của Bộ luật Lao động”.

Điều luật này nêu rõ, chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Việc để cô bé 13 tuổi đóng những cảnh có nội dung không phù hợp với lứa tuổi là vi phạm luật nghiêm trọng.

“Trong Điều 26 - Luật Trẻ em quy định, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức, không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ. Đối với Trà My, việc em có đồng ý không phải điều quan trọng nhất. Ở đây, gia đình, cụ thể là người mẹ, cần ý thức được việc bảo vệ con gái mình”, bà Trần Thị Ngọc Nữ giải thích.

Nhưng để lấy luật ra “xử” nhà sản xuất phim “Vợ Ba” thì cũng rất khó, bởi các quy định liên quan đến sử dụng “lao động trẻ em vị thành niên” trong Luật Điện ảnh năm 2006 - Điều 11: mục 1,2; Nghị định 96/2007/NĐ-CP, ngày 6/6/2007- Điều 9: mục 3 đều rất chung chung. Ngay cả văn bản dưới Luật là Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013 ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc có quy định: “Đối với công việc là diễn viên múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối thì được phép sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc”. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi tham gia vào nghệ thuật như thế nào, thông tư cũng không nói rõ.

Nhưng “xử” thì cũng có thể, bởi phim đã sử dụng trẻ em thật trong cảnh quay, có đụng chạm cơ thể trong một bối cảnh mang tính tình dục. Luật dân sự cho phép trong trường hợp người chưa vị thành niên giao dịch hợp đồng thì người giám hộ/cha mẹ có thể đại diện đồng ý. Nhưng trong quan hệ hình sự, dù đứa trẻ 13 tuổi có đồng thuận thì sự đồng thuận này là không có giá trị, vì 13 tuổi không có năng lực pháp luật và pháp luật hình sự không cho phép cha mẹ đồng ý thay trong trường hợp này. Cho nên trong trường hợp này, bố mẹ diễn viên có đồng ý thì sự đồng ý đó chưa chắc có hiệu lực miễn trừ trách nhiệm của đoàn làm phim.

Từ vụ việc phim “Vợ Ba” này, thiết nghĩ các bộ luật của Việt Nam có liên quan đến quyền và bảo vệ trẻ vị thành niên cần sửa đổi, bổ sung chi tiết hơn. Để tránh tương lai có một sản phẩm tương tự tình tiết như trong “Vợ Ba”, để lại gây lúng túng cho các nhà quản lý.

Theo Việt Văn/Lao động 

  • Từ khóa

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
698 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
717 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
762 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
762 lượt xem

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ giới thiệu món ăn đặc sắc từ 60 quốc gia

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) phối hợp các đơn vị liên quan và nhà tài trợ đã tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan...
11:58 - 22/11/2024
841 lượt xem