Sau hàng thế kỷ ăn ốc và đổ vỏ cùng một chỗ giữa đại dương, những ngư dân của quần đảo Virgin đã tạo nên một kiệt tác hiếm có.
Giữa biển khơi xuất hiện một hòn đảo nhỏ hình thành từ những vỏ ốc. Ảnh: Owen Buggy.
Nằm ở tận cùng phía đông Anegada, đảo lớn thứ hai của quần đảo Virgin trên biển Caribbean là "đảo" Conch. Đây là một hòn đảo nhân tạo bồi đắp từ hàng triệu vỏ ốc, cho thấy Anegada từng là một trong những nơi ốc xà cừ sinh sôi mạnh mẽ nhất ở Caribbean.
Thực tế, "nghĩa địa ốc xà cừ" này do thổ dân Arawak sống ở Anegada từ hàng nghìn năm trước để lại. Kể từ đó, ngư dân trong vùng tiếp tục đổ vỏ ốc ra đây trong hơn 200 năm, khiến hòn đảo ngày càng mở rộng kể từ khi được phát hiện vào những năm 1600.
Các nhà khoa học lấy mẫu một số vỏ ốc từ đáy đảo Conch để nghiên cứu và xác định rằng chúng có niên đại hàng trăm năm, cho đến tận năm 1245. Ảnh: laquintaliving.
Đảo Conch không phải hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, nhưng nó đủ rộng để có thể được nhìn thấy trên bản đồ Google Earth. Ngày nay, Conch trở thành một địa điểm hút khách du lịch khi tới Anegada và các vùng lân cận.
Tuy nhiên du khách tới đây thường không dám cởi giày, dép để đi chân trần vì vỏ ốc quá sắc bén. Một trong những yêu cầu mà hướng dẫn viên thường nhắc khách khi tới hòn đảo này chính là đi giày thật thoải mái, và đế dày, chắc chắn.
Những mảnh vỏ ốc có thể sẽ cứa rách hoặc đâm thủng chân, du khách cần đi giày chắc chắn để đảm bảo an toàn khi tham quan đảo. Ảnh: Instagram.
Ốc biển là một trong những món ăn chính của người dân trong vùng. Vỏ ốc, sò sẽ được người địa phương "tận dụng" để bán làm đồ trang trí, lưu niệm cho du khách. Tuy nhiên, họ không bao giờ lấy vỏ ốc trên đảo Conch. Thay vào đó, họ thu mua từ ngư dân.
Lý do mọi người không sử dụng vỏ ốc xà cừ của đảo Conch vì chúng không còn nguyên vẹn. Người dân muốn lấy thịt ốc phải đục một lỗ trên vỏ hoặc đập vỡ. Điều này khiến những chiếc vỏ ốc biến dạng và không thể trở thành món quà lưu niệm xinh xắn.
Những con ốc xà cừ đã và đang đóng góp rất nhiều cho sự phát triển, thu hút khách du lịch của người dân địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chúng ngày càng trở nên khan hiếm và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do người dân đánh bắt quá mức.
Theo Anh Minh/VnExpress (nguồn Oddity Central)