Tình trạng biến đổi khí hậu và băng biển tan chảy khiến Bắc Cực ngày càng dễ tiếp cận, khiến số lượng du khách đến đây dự kiến chỉ có tăng chứ không giảm.
Điều này làm dấy lên nỗi lo các thành phố ở đó sẽ đương đầu ra sao với làn sóng du khách và tác động của họ đối với môi trường.
Phát biểu tại một hội nghị ở TP Tromso - Na Uy hôm 22-1, ông Aziz Merchant, giám đốc của Công ty Keppel Corporation (Singapore), đề xuất giải pháp lập một cấu trúc nổi tại Bắc Cực, cho phép du khách tham quan xung quanh từ đó trong lúc giảm thiểu tác động lên môi trường còn mong manh ở khu vực.
Theo ông, mô hình này dựa vào một mạng lưới tàu nhỏ hơn để vận chuyển khách. Tuy nhiên, kế hoạch trên vẫn trong giai đoạn ý tưởng.
Tình trạng biến đổi khí hậu và băng biển tan chảy khiến số lượng du khách đến Bắc Cực có thể tăng thời gian tới Ảnh: REUTERS
Các cơ hội và thách thức đến từ tình trạng Bắc Cực ấm dần lên là một trong những nội dung được thảo luận nhiều tại hội nghị. Các nhà hoạch định chính sách, học giả và đại diện doanh nghiệp chia sẻ quan điểm về một loạt vấn đề liên quan đến khu vực, như vai trò của công nghiệp đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản tại Bắc Cực đối với an ninh lương thực toàn cầu giữa lúc dân số đang tăng.
Tuy nhiên, theo báo The Straits Times (Singapore), du lịch mới là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất. Ông Daniel Skjeldam, Giám đốc điều hành hãng tàu Hurtigruten (Na Uy), cho rằng nếu được thực hiện một cách bền vững, du lịch có thể tạo ra "các đại sứ khí hậu" - những du khách sống khác đi sau khi chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu trong chuyến đi.
"Nếu ngăn chặn du khách đến khu vực, chúng ta không chỉ tước đi sinh kế của nhiều người mà còn cả lợi ích của việc cung cấp kiến thức. Tuy nhiên, (du lịch) phải diễn ra trong an toàn" - ông Skjeldam nhấn mạnh. Dù vậy, không ít ý kiến lo ngại về tác động của bùng nổ du lịch đối với thiên nhiên ở Bắc Cực, như nạn ô nhiễm tiếng ồn từ tàu thuyền đối với các động vật biển, như cá voi.
Theo Hoàng Phương/ NLĐ