Sau Quảng Ninh và Hải Dương khai thác rất tốt các di tích thắng cảnh Yên Tử gắn với tên tuổi của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bắc Giang cũng đang đầu tư mạnh cho khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử, bởi 'Phật hoàng là Phật hoàng chung'.
Khu vực quảng trường trung tâm Tây Yên Tử vừa được xây dựng - Ảnh: BTC
Hôm nay, 23-1, UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi họp báo tại Hà Nội để giới thiệu về Tuần văn hóa du lịch Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử.
Trả lời băn khoăn của báo chí rằng lâu nay mọi người vẫn được biết tới Di tích thắng cảnh quốc gia đặc biệt Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập và lập ra Thiền phái Trúc Lâm, nay đến lượt Bắc Giang cũng nhận vùng đất thiêng Tây Yên Tử là nơi Phật hoàng tu tập hành thiền, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói "Phật hoàng là Phật hoàng chung", không có nơi nào là chính, nơi nào là phụ.
Bỏ quên "mỏ vàng"
Ông Lê Ánh Dương giải thích: không gian Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm xưa trải rộng ra hai bên sườn đông và tây núi Yên Tử. Thời đó chưa chia tách tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang. Nay, Quảng Ninh quản lý phần đông của núi Yên Tử, Hải Dương có Côn Sơn, Kiếp Bạc là một phần của đông Yên Tử. Còn phía tây của núi Yên Tử thì thuộc địa phận của tỉnh Bắc Giang.
Sở dĩ lâu nay nhiều người chỉ biết tới Yên Tử của Quảng Ninh là nơi khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông là bởi Quảng Ninh và cả Hải Dương, do điều kiện kinh tế và giao thông tốt hơn Bắc Giang, đã sớm có ý thức bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử nên sớm khai thác di tích Yên Tử và rất thành công.
Trong khi đó, Bắc Giang do núi cao rừng sâu, không có đường giao thông, kinh tế khó khăn, sườn tây Yên Tử lại rơi vào những huyện rất nghèo của Bắc Giang nên lâu nay đành bỏ quên "mỏ vàng" các di tích trên núi Yên Tử.
Những ngôi chùa đang được cấp tốc xây dựng trên sườn phía tây Yên Tử để Bắc Giang có được những sản phẩm du lịch 'xứng tầm' - Ảnh: BTC
Ông Dương cho biết theo nghiên cứu thì từ chân núi lên đỉnh núi phía tây Yên Tử của Bắc Giang có hàng chục ngôi chùa, trong đó có 7 ngôi chùa chính, tính từ chùa Vĩnh Nghiêm dưới chân núi đến chùa Thượng trên đỉnh núi. Nhưng hiện Bắc Giang mới khôi phục lại được một số ngôi chùa tại vị trí của những ngôi chùa cổ của Thiền phái Trúc Lâm đã được nghiên cứu, khảo cổ.
"Đó là chuyện anh phát triển trước, anh phát triển sau chứ không phải anh nào là chính anh nào là phụ. Phật hoàng là Phật hoàng chung. Dãy Yên Tử Sơn là một non chung của người dân Việt Nam. Sau này do phân chia địa giới, mức độ phát triển kinh tế của mỗi tỉnh khác nhau nên tỉnh khai thác trước, tỉnh khai thác sau thôi", ông Lê Ánh Dương một lần nữa nhấn mạnh.
Tham vọng lớn của Bắc Giang
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng vui mừng cho biết cách đây vài năm Chính phủ đã quyết định hỗ trợ Bắc Giang mở con đường Tây Yên Tử từ TP Bắc Giang qua huyện Yên Dũng, Lục Nam lên tới "vùng đất thiêng Tây Yên Tử".
Hiện nay con đường đang được nối thêm 14 km để kết nối sang TP Hạ Long, còn một nhánh sang Đông Triều thì đã xong, đảm bảo kết nối giao thông ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, xung quanh núi Yên Tử.
Bắc Giang cũng đã xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh núi Tây Yên Tử, nơi có chùa Thượng, gần kề với chùa Đồng của Di tích thắng cảnh Yên Tử tỉnh Quảng Ninh.
Nhưng Bắc Giang chưa hài lòng với tuyến cáp treo này. Tham vọng lớn hơn của Bắc Giang là thiết lập một con đường bộ từ chân núi lên đỉnh Tây Yên Tử, khôi phục lại "con đường hoằng dương Phật pháp của Trần Nhân Tông xưa kia" trong rừng núi nguyên sơ của tỉnh này.
"Tuyến cáp treo chỉ là sản phẩm du lịch trước mắt, còn mong muốn xa hơn của Bắc Giang là làm con đường đi bộ lên núi để mọi người có thể trải nghiệm rừng Bắc Giang rất đẹp" - ông Dương nói.
Phối cảnh quần thể du lịch Tây Yên Tử với vốn đầu tư dự kiến hơn 300 tỉ đồng
Theo ông Dương, sườn tây Yên Tử vì xa nơi dân ở nên rừng nguyên sinh còn rất nhiều, nếu hình thành được con đường đi bộ, theo các ngôi chùa cổ đã được các đoàn khảo cổ nghiên cứu ở đây thì chắc chắn sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch rất đặc sắc cho Bắc Giang.
Ông Dương cho biết sau nhiều cuộc hội thảo, con đường này đang ngày càng lộ rõ. Bắc Giang cũng đang phối hợp với Viện Trần Nhân Tông nghiên cứu một cách bài bản về giá trị nổi bật của không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm phía tây Yên Tử để khẳng định giá trị và có phương cách bảo tồn, phát huy.
"Nhiều bộ ngành cũng đang cùng với Bắc Giang nghiên cứu những giá trị này. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đang cùng Bắc Giang khôi phục lại hệ thống chùa trên núi Tây Yên Tử. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ khảo sát phục dựng lại những ngôi chùa này. Đây chính là tâm huyết của Bắc Giang với hi vọng sẽ có những sản phẩm du lịch xứng tầm", phó chủ tịch Bắc Giang nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng tiết lộ thông tin hấp dẫn cho du khách là hiện Bắc Giang không bán vé mà vẫn mở cửa tham quan miễn phí vùng đất thiêng Tây Yên Tử, không giống như Quảng Ninh đã bán vé.
Ông Lê Ánh Dương cho biết Tuần văn hóa du lịch Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử 2019 chính là hoạt động mở đầu cho việc quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch tây Yên Tử của Bắc Giang. Tuần văn hóa du lịch sẽ được tổ chức từ ngày 14-2 đến 20-2, tức mùng 10 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Các hoạt động đáng chú ý như lễ khánh thành chùa Thượng, lễ hội vùng cao Tân Sơn, hội hát Soong hao, giải marathon đường núi chinh phục đỉnh Non Vua, Ngày thơ Việt Nam... Địa điểm chính diễn ra Tuần văn hóa du lịch là khu tâm linh Tây Yên Tử nằm ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Với diện tích 13,8 ha, quần thể này được chia làm 4 khu vực gồm: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng với vốn đầu tư dự kiến hơn 300 tỉ đồng. |
Theo Thiên Điểu/Tuổi trẻ