Các chuyến bay số lẻ thì bay về phía Nam, trong khi các chuyến bay số chẵn thì bay về phía Tây.
Khi nhìn vào chiếc vé máy bay điện tử hoặc vé giấy, nhiều người nghĩ rằng nó chỉ chứa các thông tin cơ bản như tên, điểm cất cánh - hạ cánh hay ngày giờ bay. Tuy nhiên, những thứ hiển thị trên tấm vé không đơn giản như vậy. Chúng chứa nhiều điều thú vị lẫn nhạy cảm mà có thể khiến bạn phải cân nhắc khi muốn chia sẻ công khai trên mạng.
Hai chữ cái đầu tiên trước số hiệu chuyến bay nhằm đề cập đến hãng hàng không để hành khách có thể dễ dàng theo dõi thông báo phát ra từ loa khi ngồi trong phòng chờ. Còn phần số hiệu chuyến bay cho biết về việc bạn sẽ bay theo hướng nào. Các chuyến bay số lẻ thì bay về phía Nam, trong khi các chuyến bay số chẵn thì bay về phía Tây, theo Gizmodo.
Trên vé máy bay chỉ in ngày giờ khởi hành, không bao giờ hiển thị con số của năm bởi vì hiệu lực tối đa của vé là một năm. Trường hợp bạn đặt vé cho năm sau thì trong vé điện tử lẫn vé giấy cũng không ghi năm, chỉ ghi ngày tháng. Chính vì vậy bạn phải kiểm tra thật kỹ lịch trình của mình nếu đặt vé quá sớm để khỏi nhầm lẫn từ năm này sang năm nọ.
Đa số các hãng hàng không đều dùng mã QR code hoặc mã vạch để mã hóa thông tin cá nhân của hành khách. Chúng chứa những điều quan trọng như tên, tuổi, địa chỉ nhà, email, số điện thoại, thậm chí là thông tin thẻ tín dụng. Chuyên gia công nghệ người Mỹ Brian Krebs khuyên rằng, bạn nên hạn chế đưa ảnh vé máy bay lên mạng xã hội, hoặc phải che hết thông tin cần thiết trước khi đăng nếu không muốn gặp rắc rối. Thậm chí, bạn cũng không nên vứt chiếc vé máy bay đã sử dụng vào thùng rác tránh rủi ro.
Với những hành trình có quá cảnh, tùy hãng mà sẽ phát hành thẻ lên máy bay của điểm nối chuyến tại sân bay khởi hành. Do vậy, bạn cần lưu ý để không sử dụng nhầm chặng bay cũng như làm mất thẻ lên máy bay.
Theo Vi Yến/ Ngôi Sao