19
/
123350
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi
thien-su-thich-nhat-hanh-chat-loc-nhung-loi-day-cua-but-ve-long-tu-bi
news

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi

Chủ nhật, 23/01/2022 | 09:26:00
2,340 lượt xem

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu (Huế), trụ thế 96 tuổi, sau khi dành toàn bộ cuộc đời chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi và sự đau khổ thành những hướng dẫn dễ hiểu nhất.

Theo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tang lễ sẽ theo nghi thức Tâm tang, kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng, trang nghiêm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng, miễn các phúng điếu vòng hoa, trướng liễn: “Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp”.

Pháp thoại cho trẻ em tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai

“Vị thiền sư đáng kính, người tiên phong phổ quát cho khái niệm chánh niệm ở phương Tây”

Trong những giờ qua, các cơ quan thông tấn, báo chí và trang mạng trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những từ ngữ trân trọng: “Vị thiền sư đáng kính, người tiên phong phổ quát cho khái niệm chánh niệm ở phương Tây” (trang Startribune); “Người thầy đáng kính và là nhà hoạt động dân quyền, người tiên phong của Phật giáo dấn thân”, “nhà lãnh đạo tinh thần, tác giả, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng thế giới” (trang Phật giáo Tricycle); “Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư thuyết giảng từ bi và bất bạo động”, “được mô tả là 'Phật tử nổi tiếng thứ hai trên thế giới, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma” trong phạm vi ảnh hưởng toàn cầu (trang Religionnews). Nhà sư Haemin Sunim nói với Reuters rằng: “Thích Nhất Hạnh giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người nghỉ ngơi dưới cành nhánh của Ngài qua lời giảng tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi”.

Thật vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi và sự đau khổ thành những hướng dẫn dễ hiểu trong suốt cuộc đời cống hiến cho hòa bình của mình. Sinh năm 1926 với tên thế tục là Nguyễn Xuân Bảo, Thích Nhất Hạnh xuất gia năm 16 tuổi, đến năm 1961, ông sang Mỹ du học, giảng dạy tôn giáo so sánh một thời gian tại các trường đại học Princeton và Columbia. Đầu những năm 1970, Thiền sư vừa nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại đại học Sorbonne, Paris.

Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Phạn (Sanskrit) và Pali. Thật khó để nói hết tầm quan trọng về vai trò của Thích Nhất Hạnh đối với sự phát triển của Phật giáo ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ. Ông được cho là chất xúc tác quan trọng nhất cho sự gắn bó của cộng đồng Phật giáo với các mối quan tâm về xã hội, chính trị và môi trường.

Trọng tâm cách tiếp cận Phật giáo của Thích Nhất Hạnh là sự nhấn mạnh về duyên khởi, hay cái mà ông gọi là “tương hợp”. Ông xem duyên khởi là sợi dây liên kết tất cả các truyền thống Phật giáo lại với nhau, liên kết các giáo lý của kinh điển Pali, giáo lý Đại thừa về tính không và tầm nhìn của trường phái Hoa Nghiêm về sự phụ thuộc lẫn nhau triệt để.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân Chiến tranh Việt Nam vào tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội

Năm 1967, Mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa bình cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ca ngợi ông “ là một học giả uyên bác. Những ý tưởng về hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các tôn giáo, cho tình huynh đệ thế giới và cho nhân loại. ” (theo trang BBC Tôn giáo). Năm 1991 ông được trao giải thưởng Can đảm của Lương tâm (Courage of Conscience award), năm 2015 ông nhận Giải Pacem in Terris (Pacem in Terris Peace and Freedom Award) - một giải thưởng hòa bình của Công giáo Mỹ. Tháng 11 năm 2017, Trường đại học Sư phạm Hồng Kông đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh vì "những đóng góp suốt đời của ông trong việc thúc đẩy chánh niệm, hòa bình và hạnh phúc trên khắp thế giới".

Trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời, Thích Nhất Hạnh sống tại Làng Mai, một trung tâm nhập thất do ông thành lập ở miền nam nước Pháp. Ở đó, trong các buổi nói chuyện và nhập thất trên khắp thế giới, ông đã giới thiệu Thiền tông, về bản chất của nó, là hòa bình thông qua sự lắng nghe từ bi. Trong nhiều năm, Thích Nhất Hạnh đã tạo ra một cảnh tượng quen thuộc trên toàn thế giới, đó là dẫn đầu hàng dài người tham gia thiền hành trong im lặng “chánh niệm”.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-chat-loc-nhung-loi-day-cua-but-ve-long-tu-bi-post1423761.html

  • Từ khóa

Khánh thành tượng đài Lênin ở trung tâm thành phố Vinh

Công trình tượng đài Lênin tại thành phố Vinh làm bằng đồng, nặng 4,5 tấn là biểu hiện của tình hữu nghị hai nước Việt - Nga.
18:33 - 16/04/2024
77 lượt xem

Chuẩn bị Lễ hội sông nước TP.HCM 2024

Loạt lễ hội, sự kiện diễn ra trong mùa hè 2024 tại TP.HCM hứa hẹn góp phần định vị điểm đến TP.HCM là thành phố của sự kiện khu vực.
14:30 - 16/04/2024
176 lượt xem

Ba điểm đến ở Việt Nam vào top 100 thành phố tốt nhất thế giới để đi bộ

Danh sách 100 thành phố tốt nhất trên thế giới để khám phá bằng cách đi bộ đã được công bố qua một khảo sát được tiến hành 1 năm từ danh sách 800 thành...
11:39 - 16/04/2024
234 lượt xem

Triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định đột ngột kết thúc sớm hơn 1 tháng rưỡi

Triển lãm "Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định" đã đột ngột kết thúc vào ngày 12-4 thay vì diễn ra từ ngày 5-4 đến 30-6 như kế hoạch ban đầu. Trước...
08:09 - 16/04/2024
328 lượt xem

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 – 2024: Nhiều hoạt động đặc sắc

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là gương mặt đầu tiên được công bố trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024 – 2025.
07:45 - 16/04/2024
351 lượt xem