19
/
120796
Đãi ngộ tác giả không nên cào bằng
dai-ngo-tac-gia-khong-nen-cao-bang
news

Đãi ngộ tác giả không nên cào bằng

Thứ 5, 02/12/2021 | 08:33:33
1,847 lượt xem

Nếu vẫn cứ giữ cách làm cũ từ các trại sáng tác và đầu tư cho tác phẩm thì sân khấu sẽ chết

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM vừa tổ chức chương trình bàn tròn nghệ thuật về chất lượng sân khấu sau bình thường mới tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH). Tại đây, giới chuyên môn đã đề xuất với lãnh đạo thành phố nhiều vấn đề nổi cộm như: tài trợ cho sân khấu xã hội hóa dựng các vở đạt chất lượng; nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cho sân khấu xã hội hóa tại TP HCM trong giai đoạn Covid-19 khó khăn; lập dự án tài trợ vé để khán giả được thưởng thức vở mới của các sân khấu xã hội hóa… Đặc biệt, vấn đề được giới chuyên môn đánh giá cao là cần đãi ngộ lực lượng sáng tác, nhất là không thể đầu tư cào bằng như hiện nay.

Vực dậy sân khấu

NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc phân tích, trước đây, để được đi dự trại sáng tác, tác giả sân khấu phải xếp hàng, còn hiện nay trong dịch bệnh, mỗi khi mở trại, ban tổ chức thường lo ngại làm sao có đủ người dự trại. Chính vì cứ chạy theo số lượng mà tính hiệu quả của các trại sáng tác không cao, chưa nói đến việc gây lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc khi bị cào bằng một cách dễ dãi.

Theo NSƯT Ca Lê Hồng, kịch bản văn học là xương sống của vở diễn. Cách thức cũ đã không còn phù hợp khi đầu tư và đánh giá tác phẩm. Đạo diễn Trần Bảo Châu cho rằng tác phẩm sân khấu nhìn từ khâu kịch bản phải mang dấu ấn riêng của tác giả. Cứ xếp hàng rồi ai cũng được dự trại, cũng được xét giải sẽ không tạo được năng lượng tích cực để cho ra đời tác phẩm hay. Tác giả Vương Huyền Cơ nhấn mạnh cứ "chia đều hạnh phúc" từ các trại thì tác phẩm làng nhàng vẫn được luân phiên xét giải cao nên tác giả không cần đầu tư, động não để viết và vòng luẩn quẩn thiếu kịch bản hay, dám đặt thẳng những vấn đề tiêu cực của xã hội, lan tỏa đúng tinh thần tốt đẹp trong đại dịch, phê phán những hiện tượng tiêu cực đã không tồn tại. Cào bằng trong đánh giá, trong cách xét giải từ các trại đã khiến chất lượng kịch bản đi xuống.

Đãi ngộ tác giả không nên cào bằng - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Đại hỷ lâm môn” của Sân khấu Sen Việt thu hút đông khán giả bởi tính châm biếm, hài hước duyên dáng

Ở góc độ đãi ngộ, NSND Trần Minh Ngọc cảnh báo cứ cào bằng tác giả tham gia là nhận được mức đầu tư giống nhau, không có sự khuyến khích để tác phẩm đột phá từ nội dung đến tư duy, cấu trúc và tính tư tưởng chủ đạo trong đời sống bình thường mới, đã dìm chết năng lực phải viết cho hay, cho độc đáo của tác giả. "Vì thế mà vẫn còn hiện tượng tác giả tham gia trại sáng tác cứ đem đề cương cũ dự trại, rồi đến trại để đi chơi là chính, sau đó kịch bản được đầu tư là do mối quan hệ với nhà hát, với bầu show, đã khiến hiệu quả kịch bản ngày càng kém" - NSND Trần Minh Ngọc nói.

Đầu vào đã bít đầu ra

Các nhà chuyên môn sân khấu cho rằng trại sáng tác cứ cào bằng sẽ là "trại viết". Tư duy từ thời bao cấp tồn tại tới thời nay.

Hiện mỗi năm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP HCM vẫn tổ chức khá nhiều trại sáng tác. Chính thống thì Trung tâm Hỗ trợ sáng tác thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu cho các hội nghề nghiệp.

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng bất cập nằm ở khâu đầu vào - chọn người đi dự trại và khâu đầu ra - nghiệm thu, đánh giá tác phẩm sau khi kết thúc trại. "Đầu vào kịch bản sân khấu lỏng lẻo, đôi khi dựa trên quan hệ cá nhân hoặc lấy cho đủ quân số khiến nhiều trại viên không đúng tiêu chuẩn, đối tượng đã bít đầu ra. Điều này gây lãng phí và mang tiếng cho mục đích tốt đẹp của trại. Nhất là sân khấu trong đại dịch cần sự lột xác từ khâu kịch bản để sàn diễn phản ảnh đúng và đầy cảm xúc của con người trong thời đại sống chung với dịch bệnh" - bà nhấn mạnh.

Bất cập kế tiếp, theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nằm ở khâu tổ chức và nội dung hoạt động. Thiếu những chuyên đề sân khấu với đời sống thực tế, nhằm bổ sung kiến thức văn hóa, xã hội chuyên sâu cho người viết kịch bản. Thiếu những hội thảo nghiệp vụ về sáng tác, thậm chí nếu có thì chỉ mang nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào phân tích những thay đổi trong đại dịch, sân khấu cần gì để tồn tại trong đại dịch. "Chính vì thiếu trao đổi, thẩm định tác phẩm, truyền nghề của lực lượng tác giả, người làm sân khấu đi trước cho người đi sau, nhiều trại viết đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các trại viên là chính. Phải tìm lối đi mới cho trại sáng tác" - NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.

Theo các nhà chuyên môn, căn bệnh trầm kha của sân khấu hiện nay là "thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay", vì thế muốn sàn diễn sáng đèn và sống được trong dịch bệnh tuyệt đối không nên đầu tư theo kiểu dàn trải, cào bằng. Cần cải tiến ngay khâu chọn người được tham dự trại sáng tác. Phải có một hội đồng thẩm định đầu vào chắc nghề, công tâm, trí tuệ. Chọn những tác giả có đề cương tiềm năng, xứng tầm, mạnh dạn tạo nguồn cho lực lượng tác giả trẻ của kịch, cải lương, hát bội…

Nhìn vào thực trạng hiện nay, đổi mới khâu tổ chức trại, nói không với việc cào bằng chính là yếu tố quyết định sự sống còn của sân khấu thời sống chung với Covid-19. 

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, cho rằng việc tài trợ cho sân khấu xã hội hóa dựng các vở đạt chất lượng rất cần sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, vì các sân khấu xã hội hóa đã không còn đủ sức để đầu tư vở diễn sau nhiều tháng dài ngưng hoạt động.

Thay vào đó, nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cho sân khấu xã hội hóa tại TP HCM trong giai đoạn khó khăn thông qua việc hỗ trợ kinh phí dựng vở. "Tôi cho rằng cần tài trợ vé để khán giả được thưởng thức vở mới của các sân khấu xã hội hóa. Hoặc giúp các sân khấu xã hội hóa đưa tác phẩm đến các điểm diễn ở quận, huyện khác nhau hay triển khai dự án sân khấu online phục vụ đông đảo công chúng mà nhà nước là "bà đỡ" đúng nghĩa để giúp sân khấu tồn tại" - NSƯT Mỹ Uyên nói.

Theo Thanh Hiệp/ NLĐ

https://nld.com.vn/van-nghe/dai-ngo-tac-gia-khong-nen-cao-bang-20211201213043011.htm

  • Từ khóa

Tái bản tác phẩm về cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1.5.1904 - 1.5.2024), Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện ký đặc sắc 'Trần...
16:25 - 25/04/2024
192 lượt xem

Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024: "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến ngày 29/6/2024 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng với sự tham gia của...
15:19 - 25/04/2024
231 lượt xem

Hơn 200 hiện vật, hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ trong triển lãm Quân khu 7 viết tiếp bản hùng ca

Hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ được giới thiệu trong triển lãm 'Quân khu 7 - Viết tiếp bản hùng ca'.
15:00 - 25/04/2024
256 lượt xem

Tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” vào tháng 10

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Đề án tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2024 tại thành phố Hà...
12:00 - 25/04/2024
318 lượt xem

Trao giải cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuộc thi "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ ba thu hút hơn 600 tác phẩm báo chí và đã có 38 tác phẩm đoạt giải.
10:09 - 25/04/2024
350 lượt xem