Đại diện vùng Balkan hòa Nga 2-2 trong 120 phút, nhưng vẫn vượt qua vòng tứ kết nhờ thắng lợi trong loạt đá cân não.
Rakitic cho thấy bản lĩnh thép khi thực hiện quả luân lưu quyết định ở trận thứ hai liên tiếp. Ảnh: FIFA.
Bàn thắng: Cheryshev 31', Fernandes 115' - Kramaric 39', Vida 101' (luân lưu 3-4)
Nga và Croatia đã cống hiến một trận tứ kết kịch tính tới phút cuối tại Sochi. Sau cuộc rượt đuổi kết thúc với tỷ số 2-2 qua hai hiệp chính rồi phụ, họ phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu. Tại đây, Croatia một lần nữa chiến thắng, như cách chính họ đã vượt qua Đan Mạch ở vòng 1/8 cách đây ít ngày.
Thủ môn Danijel Subasic tiếp tục đóng vai người hùng cho Croatia khi cản phá thành công cú đá mở màn của Fedor Smolov. Bên cạnh đó, Mario Fernandes còn đá ra ngoài khiến Nga thất thế trước lượt luân lưu cuối cùng. Tương tự trận đấu với Đan Mạch, Ivan Rakitic một lần nữa nhận trách nhiệm đá quả quyết định, và anh lại sút thành công. Thắng Nga 4-3, Croatia lần đầu vào bán kết World Cup kể từ năm 1998. Đội bóng của HLV Zlatko Dalic cũng phá bỏ dớp toàn thua đội chủ nhà World Cup trước đây, Pháp (0-2 tại bán kết, 1998) và Brazil (1-3 tại vòng bảng, 2014).
Nga là đội vươn lên dẫn trước với cú sút chân trái xuất thần của Denis Cheryshev. Cựu tiền vệ Real bật tường với Artem Dzyuba, trước khi tạo nên đường cong khiến thủ môn Subasic chỉ còn biết đứng nhìn. Tuy nhiên, Nga lại vứt bỏ lợi thế theo cách dễ dàng khi nhanh chóng bị thủng lưới sau pha phản công của Croatia. Hai cầu thủ Mandzukic và Kramaric đánh bại hàng thủ số đông của đội chủ nhà với pha tạt bóng đánh đầu đơn giản.
Đội chủ nhà chiến đấu hết mình và có bàn gỡ hòa của Mario Fernandes ở cuối hiệp phụ. Ảnh: FIFA.
Sau giờ giải lao, hai đội bóng được tổ chức tốt hơn và phòng ngự chặt chẽ khiến hiệp hai không chứng kiến thêm bàn thắng nào. Sang hiệp phụ, kịch tính dâng cao. Khi Croatia ngỡ ngược dòng thành công với cú đánh đầu của trung vệ Vida, Nga đáp trả với bàn gỡ hòa 2-2 ở những phút cuối của Mario Fernandes. Nhưng từ vị thế người hùng, hậu vệ Brazil nhập tịch này lại trở thành tội đồ khi đá hỏng quả luân lưu khiến Nga lỡ cơ hội lần đầu vào bán kết World Cup thời hậu Liên Xô.
Chiến thắng đưa Croatia vào bán kết gặp đội tuyển Anh vào ngày 11/7 tới đây. Những Subasic, Lovren, Modric, Rakitic, Mandzukic... đang đứng trước cơ hội làm nên điều lớn lao mà thế hện đàn anh như Suker, Boban, Prosinecki, Bilic... còn dang dở trên đất Pháp 20 năm về trước.
Croatia sẽ không có lợi thế về thể lực ở trận bán kết bởi phải trải qua hai trận đấu liên tiếp kéo dài tới loạt đá luân lưu. Như để bù lại, Modric và đồng đội có sức mạnh tinh thần đáng nể ở giải năm nay. Đội bóng đông Âu bị dẫn trước ở cả hai trận đấu loại trực tiếp, nhưng đều trở lại nhanh chóng và kết thúc bằng chiến thắng. Sức mạnh tinh thần chính là vũ khí nguy hiểm nhất của Croatia trước trận bán kết, bên cạnh dàn cầu thủ chất lượng.
Bàn thắng của Kramaric lấy lại sự tự tin cho Croatia. Ảnh: FIFA.
Ở vòng 1/8, Croatia chỉ mất ba phút để gỡ hòa trước Đan Mạch, còn tại tứ kết, họ gỡ hoà chỉ tám phút sau khi bị chủ nhà Nga dẫn bàn. Hàng thủ có tổ chức tốt của Nga đã không theo kèm Kramaric và để cầu thủ này thoải mái đánh đầu cận thành. Sang hiệp phụ, Vida đánh đầu không mạnh nhưng vẫn lọt qua các cầu thủ Nga trước khi vào lưới. Sự dễ dãi có tính thời điểm khiến Nga mất cơ hội làm khó Croatia, theo cách họ đã làm với Tây Ban Nha ở vòng trước.
May mắn cũng là yếu tố cần được chú ý, khi xoay vần quanh hai đội bóng. Trong hiệp hai, Ivan Perisic đã có cơ hội đưa Croatia dẫn trước, nhưng cú dứt điểm nắn nót lại đi trúng cột dọc. Tuy nhiên, vận may trở lại với đội bóng vùng Balkan ở loạt luân lưu để hỗ trợ đội trưởng Modric. Thủ môn Akinfeev đã chạm tay vào bóng từ cú đá của Modric, nhưng trái bóng vẫn chạm cột dọc rồi bật vào lưới.
Dừng bước trước ngưỡng cửa bán kết, tuyển Nga vẫn có kỳ World Cup thành công trên sân nhà. Đội bóng của HLV Cherchesov bị đánh giá thấp ở giải năm nay, khi vào cuộc với tư cách đội có thứ bậc thấp nhất trên bảng điểm FIFA. Nhưng Nga giành hai chiến thắng đậm ở vòng bảng trước khi loại ứng viên vô địch Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Lọt vào tứ kết đã là thành tích tốt nhất của Nga trong thời hậu Liên Xô.
Theo VnExpress