Hà Lan đang chìm trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng khi lần thứ 2 liên tiếp không vượt qua vòng loại một giải bóng đá lớn sau cú sốc EURO 2016.
Với người hâm mộ Việt Nam, biệt hiệu Cơn lốc màu da cam thân thuộc trong suốt mấy chục năm qua, tương tự như Cỗ xe tăng, Tam sư, Vũ công tango, Vũ công Samba…
Người Việt có lẽ chưa rõ Hà Lan từng vô địch World Cup hay chưa, đã giành cúp bạc EURO mấy lần, nhưng trong tiềm thức, Hà Lan luôn là đội bóng mạnh.
Trận thắng Tây Ban Nha 5-1 của Robben và các đồng đội có thể được xem là khoảnh khắc đỉnh cao của bóng đá Hà Lan - Ảnh: REUTERS
Chắc chắn rất nhiều người Việt mặc dù không biết tên bất kỳ một cầu thủ "da cam" nào vẫn xếp Hà Lan "trên cơ" Bồ Đào Nha, Bỉ vốn đang sở hữu nhiều ngôi sao đắt giá nhất thế giới hiện nay.
Hà Lan là một món quà đặc biệt của World Cup và các giải đấu lớn, là một đóa hoa tulip luôn nở tung trong tâm trí khán giả Việt Nam mỗi mùa World Cup hay EURO.
Thiếu Hà Lan, giải đấu như mùa xuân thiếu đi một "ông đồ" ngồi viết chữ bên đường: World Cup vẫn tiếp diễn, vẫn hấp dẫn nhưng người ta cứ thấy trống vắng một hình ảnh đã trở thành văn hóa của giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Ngày 6-6-2015, Hà Lan gặp Mỹ trong một trận giao hữu. Trên sân vận động Amsterdam Arena, Mỹ giành chiến thắng ngược kịch tính 4-3 nhờ 2 bàn thắng liên tiếp phút 89 và 90.
Ai có ngờ đâu, thất bại trong trận đấu vô thưởng vô phạt lại khởi đầu cho một cơn khủng hoảng kéo dài đến 3 năm và vẫn đang tiếp diễn với bóng đá Hà Lan.
Nối tiếp trận thua Mỹ, trong 2 ngày 4-9 và 6-9, Hà Lan nhận 2 thất bại mang tính chiến lược với 2 trong 3 đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại vòng loại EURO 2016 là Iceland và Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ lốc màu da cam nắm trong tay suất… bị loại.
Đỉnh cao vụt mất. Tháng 8-2015, Hà Lan rơi tự do trên bảng xếp hạng FIFA khi bị trừ 172 điểm, tuột 7 hạng xuống đứng thứ 12 và để cho các đàn em như xứ Wales, Romania lần đầu tiên vượt mặt.
Sau gần 3 năm, tính tới tháng 5-2018, Hà Lan vẫn chưa một lần vô lại được top 10 khi hiện đang đứng vị trí thứ 19, thua cả một Tunisia vô danh tiểu tốt.
Mọi thứ diễn ra quá nhanh với bóng đá xứ sở hoa tulip. World Cup 2014, Hà Lan vẫy vùng mạnh mẽ, giành ngôi thứ 3 World Cup 2014 với lối chơi thuyết phục, "đè bẹp" đương kim vô đich Tây Ban Nha 5-1, "giẫm nát" chủ nhà Brazil 3-0.
Binh đoàn da cam chỉ chịu thất bại trước Á quân Argentina của thiên tài Lionel Messi trên chấm phạt đền tại bán kết.
Năm nay, người Hà Lan một lần nữa không thể hòa chung vào ngày hội bóng đá khi Robben cùng đồng đội không có vé đến Nga.
Công bằng mà nói, Hà Lan đã có một vòng loại World Cup không tệ hại như EURO 2016. Số phận đưa họ vào một bảng đấu với những đối thủ vô cùng khó chịu: Pháp với một đội hình tươi trẻ và các ngôi sao đang lên như Paul Pogba, Atoine Griezmann, Mbappe, N’Golo Kante; Thụy Điển với một tập thể chắc chắn và hiệu quả khi không còn phụ thuộc vào Ibrahimovic.
Hà Lan từng bay cao với HLV Louis Van Gaal năm tại World Cup 2014. Sau khi vị chiến lược gia này tiếp quản Manchester United, Hà Lan vẫn chưa tìm được người đủ tầm huấn luyện đội bóng - Ảnh: REUTERS
Chưa hết, Hà Lan có nhiệm vụ khuất phục "bông hồng có gai" Bulgaria không dễ chiều chuộng, lúc nào cũng sẵn sàng làm "rỉ máu" các đại gia trong bảng.
Với tình thế khó khăn như vậy, Hà Lan giành được 19 điểm, bằng với đội thứ 2 là Thụy Điển. Trong 2 trận đối đầu trực tiếp với đội bóng Bắc Âu, Hà Lan hòa một thắng một, rõ ràng không tồi.
Bước ngoặt nằm ở trận thua bẽ bàng 0-4 trên sân Pháp và thất bại xấu hổ 0-2 trên sân Bulgaria của Hà Lan. Song song đó, Thụy Điển giành chiến thắng 8-0 trước Luxembourg khiến khoảng cách hiệu số giữa hai đội trước lượt trận cuối cùng là 7 bàn.
"Chỉ có phép màu mới giúp chúng tôi đi tiếp", đội trưởng Arjen Robben buồn bã.
Điểm nhấn duy nhất trong đội hình Hà Lan hiện tại có lẽ là hậu vệ đắt giá nhất Thế giới Virgil van Dijik hiện đang chơi cho Liverpool. Và cũng cần nhắc thêm Kevin Strootman, người có mùa giải thần kỳ cùng AS Roma. Tuy nhiên, 2 ngôi sao này cũng đã 26 và 28 tuổi.
Hậu vệ đắt giá nhất thế giới Van Dijk là ngôi sao Hà Lan lớn nhất hiện nay - Ảnh: REUTERS
Việc cần làm của Hà Lan lúc này là dũng cảm cho các ngôi sao trẻ cơ hội trải nghiệm và thử thách đúng với năng lực của mình. Những cầu thủ trẻ U17 hay U21 sẽ có một môi trường lớn hơn để học hỏi và trưởng thành thay vì đoàn quân da cam trước giờ cứ phụ thuộc vào "người già" Robben, Wesley Sneijder, Robin van Persie…
Chăm chút những cầu thủ trẻ, Hà Lan ít nhất cũng sẽ có một đội hình đồng đều hơn để có thể chinh chiến trên đấu trường châu lục và quốc tế.
U-17 Hà Lan thể hiện bản lĩnh trước tuổi trong giải U-17 Châu Âu 2018 - Ảnh: REUTERS
Như những bông hoa hướng dương trong các bức tranh của họa sỹ thiên tài Van Gogh, bóng đá Hà Lan cần hướng về phía trước và cần giữ những gam màu đã trở thành thương hiệu của Cơn lốc màu da cam trên toàn cầu.
Bởi, Hà Lan đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những giải đấu lớn, giống như mùa xuân không thể thiếu người ngồi viết chữ tô điểm cho ngày hội thêm sắc màu.
Theo Tuổi trẻ