Mang về nhiều vinh quang cho thể thao Việt Nam, nhưng hiện tại thể dục dụng cụ chỉ có bốn đội tuyển lứa tuổi 6-12, trong đó nổi bật là trung tâm ở Hà Nội.
Đội tuyển thể dục dụng cụ lứa tuổi 6-12 của Hà Nội chia làm hai đội nhỏ với hai HLV và cùng tập luyện chung tại Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội.
Các môn thể dục dụng cụ gồm thể dục nghệ thuật, thể dục nhịp điệu, nhào lộn trên bạt lò xo và thể dục tự do. Những người tham gia có thể gồm trẻ em nhỏ từ 5 tuổi.
Nguyễn Ngọc Minh Châu, hơn 5 tuổi - nhỏ nhất đội nữ, lon ton theo các chị khi chuẩn bị dụng cụ cho bài tập. Minh Châu tập luyện hàng ngày tại đây nhưng mỗi tuần chỉ ở lại ký túc xá một đêm. Khi đó, em được bố trí ngủ cùng phòng cô bảo mẫu vì còn quá nhỏ.
Các bài tập dành cho lứa tuổi này thường là phối hợp vận động để phát triển sự nhanh nhẹn và linh hoạt - những yếu tố quan trọng bậc nhất trong thể dục dụng cụ, bên cạnh những đòi hỏi về thể lực, sự phối hợp cân bằng và uyển chuyển cũng như đam mê với bộ môn này.
Phạm Trà Vy đến với thể dục dụng cụ từ năm 6 tuổi. Tới năm thứ tư cô bé mới được tập luyện những động tác cơ bản đầu tiên của bài nhảy ngựa.
Hàng ngày, Trà Vy và các bạn tập hai buổi: sáng từ 7h30 đến 11h30 và chiều từ 14h30 đến 17h30. Đến tối thì học văn hóa. Chỉ hai ngày cuối tuần các em mới được về với gia đình.
Vũ Thế Thanh đang thực hiện bài tập ép dẻo. Mới 8 tuổi và tham gia luyện tập được 3 năm nhưng đây đã là vận động viên nhiều thành tích tại các giải trẻ.
Đỗ Nhật Minh cũng đến với thể dục dụng cụ từ khi 5 tuổi. Em đang tập động tác bổ trợ cho bài nhảy ngựa tay quay. Bài tập này gọi là "quay bô", với yêu cầu các em quay tròn quanh ghế nhưng mắt luôn phải nhìn thẳng vào một điểm cố định.
Mỗi năm trung tâm chỉ tiếp nhận một số ít vận động viên mới sau khi vượt qua sự tuyển lựa của các HLV. Ngay từ những tháng đầu, Đào Khuyết Lâm (5 tuổi rưỡi) đã thực hiện nhuần nhuyễn bài leo dây tới độ cao khoảng 4 mét.
Yêu cầu cơ bản nhất của thể dục dụng cụ là bàn chân, ngón chân phải thẳng với ống đồng - trong mọi động tác.
Sở hữu một cơ thể cường tráng, chắc khỏe là một lợi thế tăng vẻ đẹp cho bài biểu diễn của vận động viên thể dục dụng cụ.
Thần thái cũng là điều rất quan trọng, bởi yêu cầu của môn thể thao này là vừa chuẩn xác vừa phải đẹp. Từ những cô bé với nụ cười tươi sáng này, phải mất từ 6 đến 8 năm mới có thể cho ra lò những VĐV thi đấu chuyên nghiệp.
Theo Đỗ Mạnh Cường/VnExpress