Theo võ sư Đào Trung Hiếu, người dạy võ chân chính không ứng xử vũ phu như Nguyễn Xuân Vinh, vì "vũ lực là bất lực".
Vợ đang bế con bị chồng bạo hành
Người có văn hóa cao không đánh phụ nữ
Hai ngày qua, vụ thầy giáo dạy võ Nguyễn Xuân Vinh đấm đá, ném sỏi vào vợ đang bế con 2 tháng tuổi tại căn hộ trong chung cư ở quận Long Biên (Hà Nội) gây phẫn nộ dư luận.
Bày tỏ quan điểm về sự việc này, trung tá - võ sư - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) Đào Trung Hiếu cho biết, dưới góc độ của những người học võ chân chính, không ai có thể chấp nhận được hành động tấn công người không có khả năng tự vệ.
“Các võ sư chân chính luôn ý thức được tay chân của mình. Họ biết ra tay, ra chân sẽ làm người khác đau, thậm chí nguy hiểm tính mạng nên con nhà võ không manh động tay chân”, trung tá Hiếu nói và cho hay, những người học võ chân chính , họ có khả năng kiềm chế, làm chủ hành vi rất cao.
Trung tá - võ sư Đào Trung Hiếu trong một buổi dạy võ. Ảnh: FBNV.
Căn cứ nội dung clip xuất hiện trên mạng, võ sư Đào Trung Hiếu cho hay, người đàn ông này chưa thể được gọi là một võ sư, bởi lẽ, võ sư chân chính phải là người hội tụ bản lĩnh võ thuật và võ đạo rất cao
Còn dưới góc độ pháp lý, trung tá Hiếu khẳng định, hành vi tấn công người khác bằng vũ lực, trừ trường hợp pháp luật cho phép, đều vi phạm pháp luật.
“Căn cứ vào tỉ lệ % thương tật của nạn nhân, người đàn ông đánh vợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự theo mức độ hậu quả”, ông Hiếu phân tích.
Trung tá Hiếu đánh giá "hành vi gã vũ phu tấn công vợ khi đang bế con 2 tháng tuổi là không thể chấp nhận".
“Người có văn hóa cao, không đánh phụ nữ. Vũ lực là bất lực”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm
Xử lý người chồng đánh vợ thế nào?
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hành vi đánh vợ của Nguyễn Xuân Vinh là hành vi bạo lực gia đình.
Hành vi này, tùy từng hậu quả gây ra mà bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 167 của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ, phương tiện để gây thương tích cho thành viên gia đình; hoặc không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình.
Thậm chí, Nguyễn Xuân Vinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích khi có hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định.
Tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Mặt khác, Nguyễn Xuân Vinh còn có thể bị truy cứu hình sự về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt của tội này từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Theo Lao động