Hành vi sử dụng ma túy, sống buông thả trong một bộ phận người trẻ có tác động rất xấu cho xã hội, cần phải lên án.
Mấy ngày qua, dư luận ở Hà Nội rúng động bởi vụ án mạng có liên quan đến ca sĩ Châu Việt Cường. Hiện nay, dù các cơ quan chức năng vẫn đang vào cuộc để điều tra làm rõ các tình tiết của vụ án nhưng có một sự thực mà nhiều người dễ thấy là: Một bộ phận người trẻ đang sống buông thả, thích cảm giác mạnh. Chính lối sống ấy đã đi quá giới hạn, quá mù ra mưa, để lại những hậu quả đau lòng.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia chuyên gia tâm lý tội phạm học
Sử dụng ma túy gây ảo giác, sinh hoạt tình dục theo kiểu bầy đàn, không làm chủ được hành vi dẫn đến những cái chết oan nghiệt… Nhìn về những diễn biến sơ bộ của vụ án, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tâm lý tội phạm học cho rằng: chính lối sống buông thả, ham vật chất tầm thường, tự cho mình là phát triển dẫn đến rối loạn nhân cách. “Riêng trường hợp ca sỹ Châu Việt Cường, trước đây cũng đã từng bị tố cáo cưỡng bức phụ nữ. Anh ca sỹ này mặc dù chưa có tên tuổi nhưng đã thích thể hiện, sự nghiệp chưa đâu vào đâu nhưng đã muốn hưởng thụ và sa vào tệ nạn. Đặc biệt là sử dụng ma túy”, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn nói.
Sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác và không làm chủ được hành vi đối với những người bên cạnh, theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, những hành vi như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ, nhất là những người chưa thành niên, thích học đòi. Trong luật pháp của chúng ta hiện nay, anh phạm tội khi say rượu, khi sử dụng ma túy thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như mọi trường hợp khác. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, tôi phạm tội khi tôi say rượu, khi tôi sử dụng ma túy là tôi không kiểm soát được hành vi đó là suy nghĩ sai lầm nhận thức.
Theo Đại tá, PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn, hành vi sử dụng ma túy, sống buông thả trong một bộ phận người trẻ, những người tham gia biểu diễn nghệ thuật và các fan của họ có tác động rất xấu cho xã hội, cần phải lên án. Nếu không sẽ rất nguy hiểm, gây mất phương hướng về cuộc sống và giá trị sống. Thanh niên, người trẻ có thể bỏ học, không định hướng được tương lai, lười lao động thích hưởng thụ và hình thành hành vi phạm tội.
Đối tượng Châu Việt Cường tại cơ quan công an
Để khắc phục vấn đề này, PGS,TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, giáo dục bao giờ cũng phải là nền tảng và đi trước, nhưng giáo dục như thế là một câu chuyện lớn cần đặt ra.
“Hiện nay rất nhiều người nói đến giáo dục, nhưng giáo dục ở đây không chỉ là sách vở, kiến thức mà nó là nhận thức về kỹ năng sống, pháp lý, nhận thức về ý thức, trách nhiệm của công dân. Nhiều người hiểu biết về pháp luật nhưng ý thức trách nhiệm công dân rất yếu. Không tôn trọng nguyên tắc cộng đồng, không chấp hành quy định của cộng đồng. Ngay trong gia đình cũng vậy, giáo dục bây giờ phải chú trọng giáo dục nhân cách. Hằng ngày trong gia đình cần phải giáo dục con mình biết yêu, tôn trọng, chia sẻ, nhường nhịn. Bố mẹ thường dạy con phải ngoan hiền, nhưng chính bố mẹ lại tranh chấp với nhau, đánh chửi nhau, tranh giành từng đồng nhỏ thì không thể giáo dục được con cái”, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.
Nhìn rộng ra xã hội, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn mong muốn các cơ quan, tổ chức không chỉ tuyên truyền điều này, điều kia, mà chính bằng hình ảnh cụ thể, câu chuyện, việc làm cụ thể thì người ta mới tiếp nhận được. Ngay như đoàn thanh niên, một tổ chức rộng lớn của tuổi trẻ, cũng cần đưa vào những hoạt động tuyên truyền thiết thực, hướng thanh niên đến những hoạt động lành mạnh, nói không với ma túy và những chất kích thích khác. Cũng chính đoàn thanh niên cần phải lên án mạnh mẽ lối sống buông thả, dễ dãi, hưởng thụ của một bộ phận người trẻ trong xã hội./.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN