16
/
135538
Vì sao lãnh đạo nhiều địa phương không đến tòa hành chính?
vi-sao-lanh-dao-nhieu-dia-phuong-khong-den-toa-hanh-chinh
news

Vì sao lãnh đạo nhiều địa phương không đến tòa hành chính?

Thứ 3, 04/10/2022 | 10:35:00
2,105 lượt xem

Ủy ban Tư pháp đã có báo cáo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của chủ tịch UBND và UBND gửi các đại biểu Quốc hội.

Vì sao lãnh đạo nhiều địa phương không đến tòa hành chính? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Độ (63 tuổi, nguyên phó chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa) trong phiên tòa thắng kiện chủ tịch UBND TP Nha Trang vào hôm 25-7-2022 - Ảnh: DUY THANH

Báo cáo dẫn báo cáo của Chính phủ nêu rõ trong 3 năm (2019 - 2021) cả nước có 21.038 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND bị khởi kiện, chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính. 

Bên cạnh đó, khiếu kiện hành chính vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh và thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh so với cả nước.

Nhiều địa phương, chủ tịch UBND thường xuyên vắng mặt

Các khiếu kiện tập trung chủ yếu như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (chiếm tỉ lệ 91%). Trong đó, tại nhiều địa phương, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm gần 100%.

Ủy ban Tư pháp đánh giá về cơ bản chủ tịch UBND và UBND các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết vụ án hành chính. 

Ở một số địa phương, UBND hoặc người đại diện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa như Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận, Sơn La, Vĩnh Long.

Báo cáo đánh giá, tại nhiều địa phương, tỉ lệ hòa giải thành công trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại là rất cao. 

Điều này cho thấy nếu UBND, chủ tịch UBND bố trí tham gia đầy đủ các phiên đối thoại thì việc giải quyết các vụ án hành chính sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án sẽ được hòa giải thành, không phải mở phiên tòa xét xử. Như tại TP.HCM, trong 194 vụ án tổ chức đối thoại thì đối thoại thành tới 143 vụ, chiếm tỉ lệ 73,7%.

Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ tại nhiều địa phương, chủ tịch UBND và UBND chưa chấp hành nghiêm túc các quy định trong việc giải quyết các vụ án hành chính. 

Trong 3 năm (2019 - 2021), có tới 32,6% số phiên đối thoại và 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện.

Đáng lưu ý tại nhiều địa phương, mặc dù số lượng án không nhiều nhưng chủ tịch UBND hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt. Trong đó, Sóc Trăng vắng 78/88 phiên đối thoại, Lạng Sơn vắng 46/65 phiên tòa, Yên Bái vắng 47/59 phiên tòa, Đà Nẵng vắng 67/88 phiên tòa.

Cá biệt có địa phương UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa, như chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp tại tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại và phiên tòa. Ủy ban Tư pháp đánh giá việc chủ tịch UBND, UBND các cấp vắng mặt là đồng thời đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người khởi kiện, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân.

Cũng theo báo cáo, số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án. Trong đó, Hà Nội tồn đọng 35/42 bản án, chiếm 83,3%; Kiên Giang 33/44 bản án, chiếm 75%; Đắk Lắk 35/62 bản án, chiếm 56,5%.

Trong 3 năm có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành nhưng đến nay chưa có trường hợp nào UBND, chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án hoặc quyết định của tòa án.

Không đến tòa vì bận nhiều việc?

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, một ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết báo cáo giám sát đã nêu rất rõ các thông tin liên quan việc vắng mặt ở phiên đối thoại hoặc không đến các phiên tòa hành chính.

Trong đó, nguyên nhân khách quan là do theo quy định của luật, chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch UBND đến các phiên hòa giải, phiên tòa về hành chính. Tuy nhiên, các vụ kiện về hành chính thường chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng lãnh đạo địa phương như Hà Nội bận rất nhiều việc. 

Trong khi đó, tại nhiều phiên hòa giải và tòa hành chính, khi người ủy quyền của chủ tịch UBND có mặt thì có thể lại thiếu đương sự nên không tổ chức được. Các buổi sau đó có thể chủ tịch, người ủy quyền bận nên không thu xếp được, từ đó dẫn đến tỉ lệ tăng cao.

Về nguyên nhân chủ quan chính là một số UBND, chủ tịch UBND không ý thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. 

Khi giải quyết vụ việc chưa xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về nội dung vụ việc và các quy định của pháp luật dẫn đến ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật. Khi người dân khởi kiện đến tòa án thì không tham gia hòa giải, không tham gia phiên tòa, không cung cấp chứng cứ, tài liệu...

Khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật lại không chấp hành án. Mặt khác, sau khi ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng thì lại không kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người được ủy quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp đầu tháng 9-2022, cũng nêu rõ tình trạng UBND, chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, gây bức xúc cho đương sự.

Ông Tuấn nêu rõ đây là vấn đề hết sức đáng quan ngại và thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự thờ ơ, vô cảm của UBND, chủ tịch UBND ở nhiều địa phương. Ông đề nghị cần có đánh giá cụ thể, nghiêm túc về vấn đề này.

Theo Thành Chung/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/vi-sao-lanh-dao-nhieu-dia-phuong-khong-den-toa-hanh-chinh-20221004080032005.htm 

  • Từ khóa

Người phụ nữ bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 2 đại gia

Bằng các thủ đoạn vẽ ra kế hoạch kinh doanh xăng dầu, góp vốn mở ngân hàng, bị cáo Phùng Thị Nghệ đã chiếm đoạt của 2 đại gia tại TPHCM hơn 1.000 tỷ...
15:36 - 19/04/2024
557 lượt xem

Bắt 2 kẻ giết người, tạo hiện trường giả rồi gọi người dân đến cứu nạn nhân

Sau khi mai phục, dùng hung khí sát hại nạn nhân, L. và Tiến đã tạo hiện trường giả là một vụ tai nạn giao thông rồi hô hoán người dân đến cứu.
08:52 - 19/04/2024
730 lượt xem

Bắt ổ nhóm chuyên làm giả sản phẩm an cung

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả quy mô lớn, thu giữ hơn 4.000 sản phẩm với giá trị lên tới...
09:13 - 18/04/2024
1,302 lượt xem

Hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng - thúc đẩy 3 động lực góp phần tăng trưởng kinh tế

Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế; đồng thời thúc đẩy 3 động lực chủ yếu góp...
08:13 - 19/04/2024
757 lượt xem

Tín chỉ các-bon là gì? Điều kiện để được cấp tín chỉ các-bon?

BGTV- Vừa qua, một số doanh nghiệp, tổ chức có hỏi muốn tham gia vào thị trường tín chỉ Các-bon hiện pháp luật quy định như thế nào? Điều kiện để được cấp...
08:30 - 19/04/2024
745 lượt xem