Liên tiếp các vụ việc mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn đến người dân để chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Vấn đề đặt ra bài toán nan giải cho giải pháp an ninh, bảo mật của các ngân hàng và là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi.
Hình ảnh một trang web mạo danh ngân hàng, lừa đảo người dân. Ảnh: Công an cung cấp
Mất tiền vì đường link lạ
Mới đây, chị Nguyễn Thị T (sinh năm 1991, chủ một cơ sở kinh doanh tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) vừa làm đơn trình báo về việc bị chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, chị T vốn là một tiểu thương, chuyên cung cấp thịt gà ủ muối tiêu đóng gói sẵn cho khách tại địa phương và các tỉnh lân cận. Ngày 14.3, chị T tiếp nhận một đơn hàng từ tài khoản Facebook có tên Nguyễn Vân Anh với số lượng 100 con gà trị giá 9,5 triệu đồng. Người này cho biết có địa chỉ tại Hoàng Mai (Hà Nội).
“Họ bảo nhà có cỗ và sẽ thanh toán chuyển khoản trước 50% nên mình cũng nhận lời. Họ có cung cấp điện thoại với một địa chỉ tại quận Hoàng Mai. Nhưng khi tôi bảo chia sẻ vị trí trực tiếp qua định vị để dễ ship hàng thì họ không đồng ý, bảo cứ đưa tới địa chỉ trên. Do cũng bán buôn nhiều và mình tin tưởng khách nên không nghi ngờ gì” - chị T cho hay.
Sau khi cung cấp số tài khoản cho Facebook Nguyễn Vân Anh, chị T vẫn không thấy tin nhắn của ngân hàng báo nhận được tiền. “Mình có thắc mắc thì họ bảo đã gửi link thanh toán qua tin nhắn, họ thanh toán bằng Zalopay, cứ nhấn vào link đó và hoàn tất thì sẽ nhận được tiền” - chị T nói.
Đường link mà chị T nhận được có dạng zalopayonline.weebly.com. Sau khi nhấn vào liên kết này, địa chỉ đó yêu cầu chị nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP.
“Tôi nhập mã OTP phải đến 4-5 lần nhưng không thấy tiền đâu cả. Đến lúc tôi kiểm tra lại tài khoản trong ngân hàng thì mất hết rồi” - chị T kể lại sự việc. Theo trình báo của chị T, tổng số tiền chị bị chiếm đoạt lên tới khoảng 120 triệu đồng. Ngay sau khi sự việc diễn ra, chị T có liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ. Phía ngân hàng đã thông báo cho chị T đến cơ sở giao dịch để làm việc và liên hệ với phía công an trình báo sự việc.
Thời gian gần đây, nhiều người dùng chia sẻ về việc liên tục nhận được tin nhắn có nội dung rằng: “Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vào https://vn-’tên ngân hàng’.com de huy thanh toan”.
Khi nhận vào đường link này, một trang web giả mạo ngân hàng sẽ hiện ra, giả danh ngân hàng đang cung cấp một lớp bảo mật an ninh, yêu cầu người dân phải cung cấp tài khoản cá nhân. Chiêu thức tinh vi này khiến nhiều người dùng, đặc biệt là người không thạo về công nghệ rất dễ rơi vào bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo tinh vi.
Theo Công an TP.Hà Nội khuyến cáo, các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top)... đều là giả mạo. Dù vậy, rất nhiều người dùng không thông thạo sẽ dễ bị lừa bởi trang web mạo danh có giao diện rất giống với trang web thực.
Người dân cần cảnh giác cao độ
Chuyên gia bảo mật an ninh mạng Võ Đỗ Thắng khuyến cáo khi thấy đường link từ người lạ gửi đến, hoặc đường link lạ được gửi đến qua email hay tin nhắn di động, tin nhắn OTT, người dùng phải đề cao cảnh giác, luôn đặt những đường link lạ trong trạng thái nghi ngờ cao độ, đặc biệt là những đường link yêu cầu người dùng khai báo số tài khoản, mật khẩu, mã OTP…
Cũng theo chuyên gia an ninh mạng, các tổ chức tài chính hoặc đơn vị bán hàng sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu người dùng cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM. Nếu nhận được một tin nhắn có vẻ như từ ngân hàng hoặc đối tác kinh doanh yêu cầu nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, người dùng có thể xác định đây là lừa đảo. Và khi có nghi ngờ, người dùng nên gọi trực tiếp cho ngân hàng hoặc đối tác để kiểm tra.
Ngày 19.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đình Nhân - Giám đốc đào tạo Trung tâm an ninh mạng Athena - cho biết, những dịch vụ mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn đang được rao bán với mức giá vài trăm USD ở hệ thống này.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đề nghị người dân kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.
Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị phản ánh với Cục An toàn thông tin để kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Theo Đình Trường/ Lao Động
https://laodong.vn/phap-luat/canh-bao-tinh-trang-lua-dao-qua-tin-nhan-mao-danh-ngan-hang-890893.ldo