11
/
148291
Dạy, học tiếng dân tộc vừa lạ vừa quen
day-hoc-tieng-dan-toc-vua-la-vua-quen
news

Dạy, học tiếng dân tộc vừa lạ vừa quen

Thứ 2, 05/06/2023 | 11:46:00
2,133 lượt xem

Học sinh người dân tộc thiểu số sinh ra, lớn lên tại bản làng và giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ là chủ yếu.

Cô giáo Hà Thị Khuyên trong tiết học dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức 

Nhưng, phần lớn các em chưa được tiếp xúc với chữ viết và học tiếng mẹ đẻ như một ngôn ngữ; vì vậy, để triển khai môn học, nhà trường phải vận động, tuyên truyền giúp học sinh, phụ huynh biết và đăng ký. 

Kinh nghiệm từ Trường THPT Quan Sơn

“Để học sinh biết đến môn học này, nhà trường chủ trương tuyên truyền tới các lớp cuối cấp ở trường THCS trên địa bàn tuyển sinh. Việc tuyên truyền được thực hiện chủ yếu qua 2 hình thức. Đó là, bộ phận phụ trách tuyển sinh của nhà trường đến gặp gỡ học sinh lớp 9, giới thiệu về Trường THPT Quan Sơn và lồng ghép giới thiệu về môn Tiếng DTTS. Bên cạnh đó, khi làm thủ tục nhập học, nhà trường tiếp tục tư vấn cho các em và phụ huynh về các tổ hợp môn học, trong đó có môn Tiếng DTTS để học sinh lựa chọn”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Tại Thanh Hóa, Trường THPT Quan Sơn là trường phổ thông đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại đưa tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Thái) vào giảng dạy. Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, môn học được đưa vào trường từ năm học 2012 - 2013, dưới hình thức giáo dục ngoài giờ lên lớp, do cô Hà Thị Khuyên, giáo viên Ngữ văn của trường đứng lớp. Mỗi năm học, nhà trường dạy từ 2 - 6 lớp. Từ năm học 2022 - 2023, áp dụng Chương trình GDPT 2018, Tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trở thành môn học tự chọn, trường triển khai dạy môn học này ở lớp 10A5 và 10A6.

Từng đứng lớp dạy môn Tiếng Thái 10 năm qua, cô Hà Thị Khuyên, chia sẻ: Là tiếng mẹ đẻ, nhưng ở các cấp học trước, học sinh chưa được tiếp cận với môn này, nên tiếng DTTS vừa quen vừa lạ với các em. Làm sao để những câu, từ quen thuộc mà không nhàm chán.

Những nét chữ, kiến thức lạ lẫm mà không khô khan, không quá tầm tiếp nhận… giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp, đa dạng hóa hình thức dạy học như: Đàm thoại, luyện tập, chơi trò chơi, thảo luận theo nhóm/cặp; dùng song ngữ Thái - Việt để dạy học; dạy trực tiếp trên lớp kết hợp với online; ứng dụng công nghệ thông tin để làm các video bài giảng cho học sinh ôn tập kiến thức; lập trang Facebook để giao các bài bài tập ngắn cho học sinh vừa chơi vừa học…”.

Theo kinh nghiệm của cô Khuyên, muốn dạy tốt được môn Tiếng DTTS, giáo viên cần trau dồi kiến thức, kỹ năng để không ngừng nâng cao trình độ. Bởi lẽ, dạy tiếng DTTS không đơn giản chỉ là dạy một môn khoa học về ngôn ngữ đơn thuần, mà còn là dạy văn hóa, phong tục tập quán. Vì thế, để làm chủ môn học, giáo viên phải có kiến thức vững vàng, hiểu biết sâu rộng - cả chuyên ngành ngôn ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin lẫn lịch sử, văn hóa của cộng đồng tộc. Có như vậy mới phát huy hết ý nghĩa môn học.

“Để tự tin đứng trên bục giảng trao truyền tiếng mẹ đẻ của mình tới các thế hệ học sinh, tôi đã tham gia các khóa bồi dưỡng đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS. Tôi cũng tự học công nghệ thông tin để có thể soạn giáo án điện tử, làm video bài giảng, dùng ứng dụng kiểm tra trực tuyến, dạy học qua Google Meet, Zoom. Bên cạnh đó, bản thân cũng bỏ công sức, thời gian tìm hiểu về văn hóa dân tộc bằng việc sưu tầm và dịch sách chữ Thái cổ.

Đồng thời, nghiên cứu tư liệu, sinh hoạt cùng các nghệ nhân dân gian trong Hội Dân tộc học và Nhân học huyện. Tham gia viết bài nghiên cứu văn hóa Thái, biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng nói - chữ viết dân tộc Thái dùng cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa do Trường Đại học Hồng Đức chủ trì. Ngoài ra, khi có cơ hội, tôi thực hiện các chuyến điền dã, gặp gỡ bậc cao niên, các trí thức người Thái để được nghe, học hỏi nhiều hơn để trau dồi thêm kiến thức cho mình”, cô Khuyên bộc bạch.

Ảnh minh họa. 

Xây dựng kế hoạch dài hạn

Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho biết thêm, Tiếng DTTS là một môn học nên nhà trường yêu cầu giáo viên cần tuân thủ những nguyên tắc, phương pháp dạy học nói chung. Tuy nhiên, đối với môn tiếng Thái, hầu hết học sinh đều nghe - nói rất tốt, nên giáo viên chủ yếu dạy kỹ năng đọc - viết. Với quá trình tạo lập và lĩnh hội văn bản cần bổ sung vốn từ cho học sinh, nhất là những từ biểu thị nghĩa trừu tượng, thứ mà các em đang thiếu.

“Học sinh chủ yếu là con, em đồng bào dân tộc Thái. Vì vậy, nhà trường xác định việc đưa môn học này vào giảng dạy là cần thiết và bổ ích cho học trò. Do đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dài hạn, đồng thời có lộ trình bồi dưỡng chuyên môn cho một số giáo viên là người dân tộc Thái đang công tác ở trường, để có thể dạy ở nhiều lớp học trong những năm tới”, thầy Đạo thông tin.

Em Hà Văn Hạnh, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Quan Sơn, nhà ở bản Nà Ơi, xã Sơn Hà (Quan Sơn), tâm sự: “Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình ở bản người Thái, từ nhỏ đến giờ, em đều nói tiếng mẹ đẻ, thế nhưng chưa bao giờ viết được chữ của dân tộc mình.

Giờ đây, khi được cô Hà Khuyên dạy cho từng nét chữ, em mới cảm nhận được tình yêu về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc; hiểu được giá trị văn hóa, phong tục tập quán… mà từ trước đến nay chưa bao giờ chúng em nghĩ đến. Chúng em mong được học nhiều hơn, để có cơ hội am hiểu về bản sắc văn hóa cũng như vốn ngôn ngữ mà hằng ngày mình đang sử sử dụng. Hơn nữa, trong chương trình học, Tiếng Thái là môn tự chọn, nên sẽ thuận lợi cho chúng em rất nhiều”.

Thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết thêm: Số tiết cho mỗi lớp/năm học khá lớn (105 tiết), trong khi giáo viên dạy tiếng DTTS là kiêm nhiệm, nên nhà trường tính đến phương án bồi dưỡng thêm nguồn giáo viên tiếng Thái từ đội ngũ thầy, cô người địa phương. Chi ủy, Ban giám hiệu Trường THPT Quan Sơn và tập thể giáo viên, nhất là thầy, cô trực tiếp đứng lớp luôn tạo cho mình tâm thế chủ động để thực hiện tốt mọi công tác liên quan đến việc dạy học tiếng Thái.

Có thể nói, với những kinh nghiệm đúc rút được trong 10 năm học triển khai dạy tiếng Thái, Trường THPT Quan Sơn đã, đang góp phần tích cực trong việc đáp ứng mục tiêu giáo dục, góp phần giữ gìn và phát huy tiếng nói của các DTTS.

Theo Thế Lượng/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-tieng-dan-toc-vua-la-vua-quen-post640736.html

  • Từ khóa

Phổ điểm bài thi Đánh giá năng lực của ba đợt đầu tiên năm 2024

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã tiếp nhận hơn 104.000 lượt đăng ký dự thi.
19:54 - 24/04/2024
299 lượt xem

Hơn 50% sinh viên sư phạm từ chối hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí

Năm 2022 chỉ có 244/650 thí sinh trúng tuyển các ngành sư phạm Trường đại học Sài Gòn đăng ký hưởng chính sách ưu đãi học phí, sinh hoạt phí.
16:54 - 24/04/2024
429 lượt xem

Từ hôm nay học sinh có thể thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Bắt đầu từ hôm nay 24.4, thí sinh đang học lớp 12 có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi ngay sau khi được cấp tài...
14:08 - 24/04/2024
480 lượt xem

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
11:21 - 24/04/2024
546 lượt xem

Vụ trường công dự thu học phí 8 triệu: "Phụ huynh có nhiều lựa chọn khác"

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5, TPHCM cho rằng trên địa bàn có nhiều mô hình trường mầm non khác nhau, phụ huynh có nhiều trường để lựa chọn cho...
09:52 - 24/04/2024
593 lượt xem