19
/
118292
Hồi sinh bến gốm xưa trên đất Thăng Long
hoi-sinh-ben-gom-xua-tren-dat-thang-long
news

Hồi sinh bến gốm xưa trên đất Thăng Long

Thứ 2, 18/10/2021 | 10:05:36
1,522 lượt xem

Một địa danh trên bến dưới thuyền, là đất địa linh được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô. Từ thuở ấy, bến gốm thành hình, bồi đắp làm dày thêm tầng văn hóa – lịch sử.

Bến gốm Tứ Liên quy tụ nhiều loại gốm từ các làng nghề.

Thế rồi lớp thời gian phôi phai, bến gốm dần chìm vào quên lãng. 

Vài năm trở lại đây, nhiều người biết đến bến gốm Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) bên bờ sông Hồng. Nét đẹp cổ truyền về gốm Thăng Long xưa cứ ngỡ chỉ còn trong quá khứ. Nhưng không ngờ, bến gốm lại hồi sinh một cách lạ kỳ.

Ở đây những câu chuyện về gốm, về văn hóa xưa hiện ra một cách đầy đủ và chân thật nhất. Bến gốm như một tấm gương phản chiếu, giúp người nay hình dung ra thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền vùng đất kinh đô xưa.

Phôi phai bến gốm cổ

Kết quả của các cuộc khảo cổ gốm Việt, nhiều nhà nghiên cứu từng nghĩ tới việc sản xuất gốm ở đất Thăng Long xưa chỉ là để phục vụ Hoàng cung. Tuy nhiên, với cuộc khai quật Hậu Lâu và đặc biệt là kết quả khảo cổ mới đây tại Hoàng thành Thăng Long, đủ khẳng định với các chứng cứ thuyết phục cho thấy, Thăng Long thực sự là một trung tâm sản xuất gốm.

Không chỉ có vậy, các bằng chứng khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long còn phát hiện rất nhiều hiện vật gốm nước ngoài. Nhiều nhất phải kể đến gốm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Tây Á.

Vậy thì Thăng Long xưa phải có một bến gốm cụ thể, là nơi buôn bán giao lưu và trung chuyển hàng hóa. Và Tứ Liên là một trong những đáp án mà nhiều nghiên cứu đưa ra để chứng minh về bến gốm Thăng Long.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của bến gốm Tứ Liên cũng chỉ bắt đầu khoảng hơn hai mươi năm nay. Điều đó phần nào khiến nhiều người hoài nghi về một bến gốm cổ xưa của đất kinh đô.

Thực ra trong tâm trí nhiều người đã quên một bến gốm Tứ Liên cách đây trên bốn chục năm. Khoảng những năm 1980, bến gốm ấy vẫn còn khách lui tới, nhưng đến khoảng năm 1990 thì gần như lụi tàn, gốm cũng dần biến mất khỏi vùng đất ven sông này.

Hà Nội có những làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Kim Lan. Vùng ven có Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu, Luy Lâu (Bắc Ninh), Hiển Lễ, Hương Canh (Vĩnh Phúc)... Trong dòng chảy của sự phát triển nghề gốm, bất chấp những khó khăn mang tính thời điểm, nhiều làng gốm vẫn bám trụ và phát triển cực thịnh.

Động lực của sự phát triển này có nhiều, song đáng kể nhất vẫn là sự thức thời của người làm gốm. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng gốm tăng cao, vô tình trở thành lý do để bến gốm xưa hồi sinh. Những người trước kia đã ăn đời ở kiếp với bến gốm có cơ hội làm sống lại không gian văn hóa, vốn rất đẹp của Hà Nội. 

Bến Tứ Liên hồi sinh trở thành một không gian về gốm.

Nơi gốm hội tụ

Rong ruổi ven bến gốm Tứ Liên mới thấy sự đa dạng của gốm lẫn nhộn nhịp người mua bán. Thương buôn từ khắp nơi tìm về đặt hàng và lấy hàng, tấp nập khách ra vào mua bán. Không khí bến gốm cứ thế ồn ào từ sáng tới đêm. Nhưng sự huyên náo ấy không làm ai thấy phiền lòng, ngược lại còn cảm nhận niềm vui khi được chiêm ngắm vẻ đẹp của gốm.

Bà Lê Thị Lan, một tiểu thương buôn bán tại bến gốm kể rằng, từ thời ông cha đã thấy các cụ buôn bán gốm ở đây. Những năm 1980, bà Lan cũng được phụ giúp cha mẹ bán hàng. Khoảng hai chục năm nay khi bến gốm hoạt động trở lại, bà Lan có cơ hội quay về nghề cha ông.

Bởi một số làng gốm nằm gần sông nên việc di chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền khá thuận tiện. Từ Ðông Triều (Quảng Ninh) hay Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng... những thuyền chở gốm đưa hàng về Hà Nội tiêu thụ. Gốm được tập kết tại bến Tứ Liên, sau đó dùng xe kéo về địa điểm tập kết nằm trên bờ sông. Từ đây, các tiểu thương trong cả nước sẽ đưa ô tô đến mua gốm đem đi tiêu thụ.

Cụ Trần Ngọc Mạnh, người dân làng Tứ Liên, cho biết, trước đây một dải các làng ven sông Hồng được gọi là bến gốm gồm Tứ Liên, An Dương, Phú Thượng.

Không chỉ có gốm trong nước mà cả gốm Trung Quốc, Ấn Độ... cũng được quy tụ tại đây. Bây giờ bến gốm chủ yếu là gốm Việt và gốm Trung Quốc. Gốm Trung Quốc rẻ nhưng rất đẹp, chất lượng tốt chứ không như định kiến mà nhiều người vẫn nghĩ.

Cụ cho biết thêm rằng, đang là mùa hè lại đang đợt dịch Covid-19, bến gốm nằm ở bãi sông không có bóng mát nên hơi thưa khách. Chỉ ban đêm là nhộn nhịp các xe hàng chuyển đến hay lấy hàng đi.

Dịp cuối tuần, rất nhiều người đến đây mua gốm, gần như mặt hàng gì cũng có. Từ các loại gốm trang trí nội thất, cho đến đồ thờ cúng, gốm mỹ thuật, gia dụng... Người ta có thể chọn cho mình từ những con giống gốm có giá vài chục nghìn đồng, cho đến những chiếc lộc bình tiền triệu.

Nếu như chợ gốm Bát Tràng, mặt hàng chủ yếu là gốm tráng men thì tại đây có những gia đình chuyên gốm sành tráng men nâu, men da lươn nhập từ Phù Lãng. Sức hút của bến gốm Tứ Liên chính là các mặt hàng gốm mộc để làm đồ trang trí.

Thay vì đi mấy chục cây số đến Bắc Ninh mới mua được gốm sành, người ta có thể mua ngay tại đây. Giá cả ở bến gốm Tứ Liên cũng dễ chịu, đôi khi có người mua luôn cả lô hàng lỗi với giá rẻ. Tuy nhiên khi mang về lại bán được giá cao, vì nhiều người coi những khiếm khuyết của gốm là vẻ đẹp nghệ thuật hỏa biến.

Người bán hàng ở bến gốm khá thoải mái, với phong cách chân chất quê mùa. Họ ít nói thách, nhiệt tình hướng dẫn cho dù xem hàng cả buổi. Khách hàng có thể không mua gì, chụp ảnh cả ngày cũng không bị lườm nguýt hay chanh chua chợ búa như nhiều nơi. 

“Thuyền gia” bến gốm

Nhiều cửa hàng chọn một dòng gốm riêng biệt để tăng tính cạnh tranh.

Bà Lê Thị Lan, người buôn gốm ở bến Tứ Liên, chia sẻ: Lượng khách hàng mua gốm tại đây chủ yếu là người mua buôn, số lượng rất lớn. Giá bán buôn thường ngang bằng với giá ở các làng gốm. Vì thế mà việc trao đổi hàng hóa rất nhanh và thuận tiện. Trung bình mỗi sản phẩm gốm, chúng tôi chỉ lãi được 10 – 15 nghìn đồng. Lãi tuy ít nhưng bền lâu, điều quan trọng là làm sao để bến gốm tồn tại, để khách hàng không chỉ coi đây là nơi buôn bán, mà còn là địa chỉ văn hóa.

Thời gian gần đây, các gia đình buôn gốm đã dần lựa chọn cho mình một dòng sản phẩm riêng biệt. Như gia đình bà Đào Ngọc Huấn trước đây buôn bán đủ mặt hàng gốm trong Nam ngoài Bắc, nhưng giờ đã chọn gốm Bát Tràng và gốm Quảng Ninh. Một số tiểu thương khác lại chọn buôn gốm Trung Quốc, gốm Ninh Thuận, gốm Phù Lãng, gốm Bồ Bát…

Mỗi loại gốm đều có một đặc điểm khác nhau, gốm Trung Quốc chủ yếu tráng men với màu sắc sặc sỡ. Gốm Bát Tràng, Phù Lãng ít màu hơn nhưng lại thích hợp với những người ưa màu trầm.

Dưới bến gốm, người ta dễ dàng bắt gặp các “thuyền gia”. Họ là những nhân tố chính để họp thành chợ gốm, và chủ yếu những “thuyền gia” này là người Vĩnh Phúc. Người đi thuyền ít cũng được 2 năm, nhiều gia đình cùng rong ruổi lênh đênh trên thuyền.

Một tháng hoặc hơn, họ lại xuôi thuyền xuống Quảng Ninh, ghé Bát Tràng, ngược Sơn Tây... lấy hàng. Khi các thuyền đã đầy ắp gốm, họ quay về neo đậu ở Tứ Liên.

Không chỉ là một nơi buôn bán, trung chuyển, quảng bá gốm. Bến Tứ Liên còn là nơi giao thoa các mẫu mã sản phẩm về gốm, và là địa điểm sáng tạo hiếm có. Các tiểu thương nhận mẫu vẽ, đồ họa từ khách hàng sau đó chuyển cho các chủ lò gốm để làm theo yêu cầu.

Thậm chí một số người bán gốm, vì đam mê còn trực tiếp tham gia việc sáng tạo mẫu, bắt tay mở xưởng và cho ra lò những mẻ gốm nghệ thuật độc đáo. Từ bến gốm Tứ Liên, sản phẩm gốm mỹ thuật Việt được quảng bá ra khắp thế giới, để thế giới biết đến gốm Việt – cũng là để gốm Việt đi khắp thế giới.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, người đề xuất ý tưởng con đường gốm sứ ven sông Hồng, kể rằng, vào một lần đi xuống bãi sông, nhìn thấy chợ gốm tấp nập, chị đã nảy ra ý tưởng dùng gốm để làm đẹp thêm con đường ven sông. Từ ý tưởng đó, Hà Nội có một công trình đẹp để người ta biết về gốm, nhớ đến gốm và ấn tượng sâu sắc về văn hóa Thủ đô.

Theo Trần Siêu/ GD & TĐ

https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hoi-sinh-ben-gom-xua-tren-dat-thang-long-lIq7KMd7R.html

  • Từ khóa

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu đến Việt Nam biểu diễn

Dàn nhạc Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra - WYO) sẽ có mặt tại Hà Nội trong dự án âm nhạc "Âm thanh của tình anh em"
15:59 - 28/03/2024
48 lượt xem

Ba Tri - Du lịch kiểu mới: Vừa học hỏi, vừa sống yêu thương

Là một tỉnh miền Tây được hình thành bởi ba cù lao lớn do phù sa các nhánh sông Cửu Long bồi đắp, Bến Tre duyên dáng vươn mình ra biển Đông. Địa thế đặc...
15:29 - 28/03/2024
57 lượt xem

Phú Quốc ưu đãi giá, đi chợ hộ để hút khách dịp lễ 30-4

Doanh nghiệp làm du lịch ở Phú Quốc hợp tác liên kết, ưu đãi giá các gói tour, đi chợ hộ giúp khách và địa phương kiểm soát chặt giá cả, làm sự kiện để...
11:59 - 28/03/2024
135 lượt xem

Đen Vâu lập cú đúp, Hòa Minzy xúc động tại Lễ trao giải Cống hiến 2024

Tối 27/3, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), rapper Đen Vâu và Doube2T cùng lập cú đúp, Hòa Minzy xúc động nghẹn ngào ở Lễ trao giải Cống hiến 2024.
10:16 - 28/03/2024
180 lượt xem

Mai của Trấn Thành lập kỷ lục doanh thu khi chiếu quốc tế đạt 1 triệu USD

Trang Deadline của Mỹ đưa tin phim Mai của Trấn Thành đạt doanh thu hơn 1 triệu USD sau khi công chiếu tại 9 quốc gia gồm Mỹ và các nước châu Âu.
07:59 - 28/03/2024
238 lượt xem