11
/
139252
Giáo viên: "Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh"
giao-vien-nhieu-hoc-tro-vua-lam-bai-tap-vua-khoc-vi-bi-bo-me-mang-danh
news

Giáo viên: "Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh"

Thứ 6, 09/12/2022 | 09:19:35
2,243 lượt xem

"Kiểm tra bài tập về nhà, tôi thấy đa số học sinh làm đúng hết. Nhưng khi lên bảng làm bài tương tự thì các em bó tay. Gặng hỏi mới biết các em luôn được bố mẹ làm giúp", một giáo viên nói.

Con làm bài sai thì để thầy cô lo

Bên cạnh những giáo viên tiểu học khuyến khích phụ huynh kèm con làm bài tập về nhà, một số giáo viên khác khuyên bố mẹ không giúp con trong việc này. Các thầy cô cho rằng, bố mẹ chỉ cần nhắc con làm bài đầy đủ, nếu con làm sai thì để thầy cô đánh giá và hướng dẫn lại.

Theo cô Đinh Thị Trang - Giáo viên tiểu học tại Hà Nội, mục đích chính của bài tập về nhà cho học sinh tiểu học là giúp các em hình thành năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề. Mục đích ôn tập, củng cố kiến thức chỉ là phụ.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nghĩ con phải làm đúng hết để được điểm cao. Họ không yên tâm để con mang bài sai trả cho thầy cô. Đa số phụ huynh không có kỹ năng sư phạm để giảng giải cho con hiểu bài. Vì vậy, họ thường giúp con bằng cách đọc kết quả cho con chép.

Giáo viên: Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh - 1

Một số giáo viên khuyên phụ huynh không nên giúp con làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa: Hải Long). 

"Đầu năm học, tôi chuyển sang chủ nhiệm lớp 2. Nhiều lần kiểm tra bài tập về nhà, tôi thấy đa số các em làm đúng hết. Nhưng khi tôi gọi lên bảng làm bài tương tự thì các em bó tay. Gặng hỏi mới biết các em luôn được bố mẹ làm giúp cho xong, chứ không hiểu bài.

Trong buổi họp phụ huynh, tôi đã dành một nửa thời gian để khuyên bố mẹ đừng giúp các con làm bài tập về nhà", cô Trang nói.

Cô Trang cho biết, trước kia, cô giáo chủ nhiệm cũ của lớp nhiều lần chỉ trích phụ huynh không quan tâm bài vở của con, để con làm bài sai, tẩy xóa be bét. Có người đi làm xa gửi con cho ông bà nuôi còn phải bỏ việc, về công ty gần nhà làm để dạy con học bài mỗi tối.

"Tôi giải thích với họ rằng chúng tôi không khuyến khích họ phải vất vả như vậy. Bản thân tôi chỉ yêu cầu bố mẹ nhắc con học bài và kiểm tra xem con đã làm đủ bài hay chưa. Nếu con sai ở đâu, khi trả bài, tôi sẽ chữa cho con ở đó.

Vì phụ huynh hiểu sai bản chất của bài tập về nhà nên tối nào cũng nhắc con làm bài "hết hơi", thậm chí còn quát mắng, dùng roi để dạy.

Vì vậy, có người mệt mỏi quá lại quay sang chỉ trích giáo viên và ngành giáo dục tạo áp lực học hành lên con họ", cô Trang nói.

Cô Trang cho rằng, không phải bố mẹ cứ giúp con làm bài là con sẽ được điểm cao. Ngược lại, điều đó có thể khiến các em học kém đi, điểm bài tập cao còn điểm thi thấp. Lý do là khi được bố mẹ đảm bảo bài làm luôn đúng, các em sẽ ỷ lại, không chịu tư duy để giải bài mà chỉ chờ sự giúp đỡ.

Các em được làm giúp nên thầy cô không biết học sinh sai chỗ nào để chữa. Giáo viên cũng không thể kiểm tra cả lớp để biết em nào tự làm còn em nào được giúp. Thầy cô chuyển sang bài mới dù học sinh chưa hiểu hết bài cũ. Trước bài kiểm tra, do đã quen được giúp đỡ, các em khó có thể tự làm tốt.

"Tôi đi dạy hơn 10 năm nay, phụ huynh của lớp tôi đều được quán triệt là không giúp con làm bài tập về nhà. Các em làm sai thì tôi chữa và dạy lại chứ không trách học sinh và bố mẹ các em. Dù vậy, năm nào lớp tôi cũng đứng đầu toàn trường về thành tích học tập", cô Trang cho biết.

Giáo viên: Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh - 2

Các giáo viên lo ngại phụ huynh làm hộ bài tập về nhà cho con (Ảnh minh họa: Hồ Điệp). 

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Hoàn - Giáo viên tiểu học tại Bắc Ninh cũng cho rằng, khi các em được bố mẹ giúp đỡ quá mức, sẽ nghĩ rằng trách nhiệm làm bài là của bố mẹ, học cho bố mẹ chứ không phải học cho mình.

"Tối nào tôi cũng nhận một loạt tin nhắn trong nhóm chat của phụ huynh hỏi bài cho con. Vấn đề là họ không hỏi cách giải mà thường chỉ hỏi thẳng kết quả. Tôi liên tục phải giải thích rằng bài tập về nhà là của các em, phụ huynh không có trách nhiệm phải làm, hãy để các em tự làm bằng những gì tôi đã dạy", thầy Hoàn nói.

Thầy Hoàn cho biết, chủ trương của thầy là hạn chế tối đa giao bài tập về nhà cho các em. Bởi vì học sinh tiểu học chỉ cần "vật lộn" với những chữ số trên lớp là đã đủ căng thẳng. Sau giờ học, các em cần được nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình. Bố mẹ nên tận dụng buổi tối để chơi với con, gián tiếp dạy con những bài học cuộc sống.

Bài tập về nhà thậm chí còn khiến các em vơi hứng thú với việc học vì phải học quá nhiều. Đôi khi, bố mẹ can thiệp vào bài tập của con một cách tiêu cực. Họ đi làm vất vả cả ngày, tối về lại phải dạy con làm bài nên dễ cáu gắt với con.

"Nhiều lần tôi không giao bài về nhà nhưng vẫn có phụ huynh gọi điện hỏi bài, hóa ra là họ đã có sẵn các loại sách bài tập, sách nâng cao để tự giao bài cho con. Dường như không tối nào các em được nghỉ. Tôi biết nhiều học trò của tôi vừa làm bài vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, thậm chí đánh", thầy Hoàn nói.

Giáo viên: Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh - 3

Có giáo viên hạn chế giao bài tập về nhà cho học sinh (Ảnh minh họa: Hải Long). 

Ngoài những bất cập nêu trên, cô Vũ Phương Linh - Giáo viên tiểu học tại Hà Nội bổ sung thêm, nhiều phụ huynh dạy sai phương pháp khi giúp con làm bài tập về nhà.

Cô Linh kể, vừa qua, cô gặp trường hợp phụ huynh dạy con làm bài bằng kiến thức của lớp trên, nằm ngoài chương trình học và khả năng nhận thức của các em.

Đó là bài tập môn toán ở phần hình học. Đề bài chỉ yêu cầu học sinh đếm số ô vuông có trong bài, lẽ ra các con chỉ cần dựa vào đặc điểm của khối hình hộp để đếm. Tuy nhiên, phụ huynh lại hướng dẫn con đếm bằng cách tính thể tích, lên lớp 5 con mới được học đến kiến thức này.

"Do được mẹ dạy đếm bằng cách tính thể tích, em học sinh đó loay hoay mãi mà không làm được những bài tập tương tự. Khi phát hiện ra em làm sai phương pháp, tôi phải dạy lại từ đầu. Tôi phân tích cho phụ huynh hiểu là các con chưa được học đến phần đó. Bài tập của các con có cách giải đơn giản hơn nhiều", cô Linh nói.

Cho con được quyền làm sai

Theo cô Linh, bố mẹ có thể quan tâm việc học của con theo những cách khác. Chẳng hạn, khi thấy con làm sai, bố mẹ nhắc con đừng vội gấp sách, hãy kiểm tra lại bài. Nếu kiểm tra lại nhưng con không tìm ra lỗi sai, bố mẹ có thể đưa ra gợi ý nhưng chỉ giải thích những gì con không hiểu, tuyệt đối không làm hộ con.

Giáo viên: Nhiều học trò vừa làm bài tập vừa khóc vì bị bố mẹ mắng, đánh - 4

Không giúp con làm bài không có nghĩa là không quan tâm bài vở của con (Ảnh minh họa: Khánh Hiền). 

Trong trường hợp con không làm đầy đủ bài tập, bố mẹ không nên mắng. Học sinh tiểu học đang trong giai đoạn hình thành ý thức tự học. Bố mẹ chỉ nên kích thích con học bằng cách nhắc đến hậu quả của việc không làm bài tập. Điều này gián tiếp giúp con nhận thức được rằng phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Thầy Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, phụ huynh nên chấp nhận rằng con mình không thể làm tốt bài tập thuộc một số phần kiến thức khó hoặc con không thích.

"Ví dụ, khi các em học nhân và chia số có 2-3 chữ số cho số có một chữ số ở toán lớp 3, tôi chủ yếu phải giảng bằng lý thuyết, các em phải thuộc bảng cửu chương thì mới nhân, chia được. Các dạng bài làm khó học sinh là nhân có nhớ, chia có dư và chia mượn thêm số.

Do đây là những bài khó, lại không thể tạo trò chơi để các em hình thành kiến thức nên học sinh dễ nản chí, tính sai là chuyện bình thường.

Mỗi năm dạy đến phần này, tôi lại nhận được vô số cuộc gọi, tin nhắn hỏi bài của phụ huynh. Tôi khuyên họ nên cho con được quyền làm sai những bài đó. Các em cần nhiều thời gian hơn để luyện tập", thầy Hoàn nói.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-vien-nhieu-hoc-tro-vua-lam-bai-tap-vua-khoc-vi-bi-bo-me-mang-danh-20221207204022488.htm

  • Từ khóa

Giải đáp 'tất tần tật' về đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực

Hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024 để xét tuyển. Việc đăng ký xét tuyển...
14:32 - 25/04/2024
45 lượt xem

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch giảm học phí 3 ngành còn 49 triệu đồng/năm

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điều chỉnh giảm học phí năm học 2023-2024 đối với các ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ còn 49 triệu đồng/năm...
11:31 - 25/04/2024
108 lượt xem

63.000 thí sinh đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT

Từ ngày 24 - 28.4, Bộ GD-ĐT mở hệ thống quản lý thi tại địa chỉ: thisinh.thithptquocgia.edu.vn để học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi tốt nghiệp...
09:41 - 25/04/2024
141 lượt xem

Phổ điểm bài thi Đánh giá năng lực của ba đợt đầu tiên năm 2024

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã tiếp nhận hơn 104.000 lượt đăng ký dự thi.
19:54 - 24/04/2024
470 lượt xem

Hơn 50% sinh viên sư phạm từ chối hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí

Năm 2022 chỉ có 244/650 thí sinh trúng tuyển các ngành sư phạm Trường đại học Sài Gòn đăng ký hưởng chính sách ưu đãi học phí, sinh hoạt phí.
16:54 - 24/04/2024
575 lượt xem