11
/
132537
Chiến thuật đăng ký nguyện vọng để tránh tình trạng ‘27 điểm vẫn rớt’
chien-thuat-dang-ky-nguyen-vong-de-tranh-tinh-trang-27-diem-van-rot
news

Chiến thuật đăng ký nguyện vọng để tránh tình trạng ‘27 điểm vẫn rớt’

Thứ 5, 11/08/2022 | 15:10:00
3,037 lượt xem

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, đến 17 giờ ngày 20.8 là thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ở giai đoạn 10 ngày cuối cùng, thí sinh cần lưu ý gì để điểm cao không rớt nguyện vọng?

Thí sinh còn 10 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học 

Chờ ngày cuối đăng ký nguyện vọng, dễ dẫn đến sai sót

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, dù đã hết 2/3 thời gian nhưng mới có khoảng 50% thí sinh thực hiện nhập nguyện vọng lên hệ thống. Trước tình hình này, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có lưu ý khẩn, khuyến cáo thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trước hạn cuối để tránh các rủi ro về kỹ thuật nếu có.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều thí sinh có tâm lý đợi gần đến cuối thời gian mới đăng ký. Tuy nhiên điều này rất dễ dẫn đến sai sót.

“Vì vậy trong thời gian này, thí sinh cần khẩn trương đăng ký, sau đó cần đăng nhập để kiểm tra vài lần nữa trước khi hệ thống đăng ký chính thức khoá lại vào 17 giờ ngày 20.8. Tất nhiên là thí sinh phải tìm hiểu thông tin cẩn thận trước khi tiến hành đăng ký”, tiến sĩ Nhân khuyên thêm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng thí sinh nên gấp rút đăng ký nguyện vọng vì chỉ còn có gần 10 ngày nữa là hết hạn đăng ký.

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, lưu ý cụ thể về mốc thời gian: “Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ kết thúc vào 17 giờ ngày 20.8. Sau đó, từ ngày 1.9 đến 15.9 các trường mới lấy dữ liệu từ bộ để xét và công bố kết quả xét tuyển trước 17 giờ ngày 17.9”.

Cũng theo thạc sĩ Hiển, thí sinh không bị hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Vì vậy, thí sinh thích ngành học nào nhất, trường nào nhất thì phải sắp xếp nguyện vọng này ở ưu tiên cao nhất, cao hơn các nguyện vọng còn lại.

Đăng ký ra sao để điểm cao không rớt đợt 1?

Thạc sĩ Lê Văn Hiển chia sẻ những nguyên tắc quan trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tránh tình trạng thí sinh điểm cao nhưng rớt đợt 1.

Về chiến thuật đặt nguyện vọng, thạc sĩ Hiển đặc biệt nhấn mạnh cách để đảm bảo trúng tuyển ngành học mình yêu thích. “Năm 2021, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, có thí sinh đạt 27 điểm nhưng đều rớt hết các nguyện vọng. Một trường hợp khác đạt 24,9 điểm đăng ký 9 nguyện vọng thì hết 8 nguyện vọng đầu đều không đủ điểm, còn nguyện vọng thứ 9 đăng ký vào trường có mức điểm chuẩn thuộc top giữa thì mới trúng tuyển”, thạc sĩ Hiển nêu ví dụ.

Từ đó, theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, thí sinh nên đăng ký vào ngành học yêu thích ở 3 mức: trường có điểm chuẩn thuộc top cao, trung bình và thấp. Lưu ý là trong cùng một mức điểm chuẩn sẽ có nhiều trường có mức điểm chuẩn tương đương nhau. Ví dụ, đối với ngành luật của các cơ sở đào tạo phía nam thì điểm chuẩn thuộc top cao có Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tiếp theo đó, nhóm trường có điểm chuẩn ở mức giữa gồm: Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tiếp nữa đến nhóm các trường như: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HC, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Hoa Sen…

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng cho rằng thí sinh nên đăng ký khoảng 4 - 6 nguyện vọng cùng nhóm ngành chứ không nên đăng ký quá nhiều. Việc đăng ký cần thực hiện theo nguyên tắc nguyện vọng 1, 2 là những ngành ở những trường yêu thích nhất và điểm chuẩn năm 2021 cao hơn điểm thi thí sinh đang có khoảng chừng 1 - 2 điểm. Sau đó, nguyện vọng tiếp theo đến những ngành ở những trường mà mình yêu thích và có điểm chuẩn năm 2021 bằng điểm thi của thí sinh. Cuối cùng là đến những ngành ở những trường có điểm chuẩn năm 2021 thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.

“Với cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng như vậy, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển vào ngành ở trường mà mình yêu thích”, thạc sĩ Sơn nhấn mạnh.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/chien-thuat-dang-ky-nguyen-vong-de-tranh-tinh-trang-27-diem-van-rot-post1486915.html

  • Từ khóa

Quy hoạch mạng lưới ĐH: Nhiều trường đòi... quyền lợi

Từ góc độ quyền lợi của đơn vị mình, một số đại biểu cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét, mở rộng danh sách trường ĐH trọng điểm quốc gia, vùng, ngành.
12:16 - 01/12/2023
72 lượt xem

Trình độ tiếng Anh trên thế giới giảm

Tổ chức giáo dục quốc tế EF mới công bố bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh xếp hạng 113 quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.
09:32 - 01/12/2023
137 lượt xem

Xua đi giá lạnh ở trường vùng cao

Để đảm bảo an toàn, chống rét cho mùa Đông đang đến, nhiều trường học ở các tỉnh miền núi tăng cường kiểm tra hệ thống nóng lạnh, chăn ấm và kí túc.
07:59 - 01/12/2023
182 lượt xem

Hàn Quốc đưa robot vào trường dạy tiếng Anh cho học sinh

Robot gia sư đóng vai trò như một trợ giảng trong lớp học và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh như người bản xứ.
16:57 - 30/11/2023
546 lượt xem

Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ thi lại thế nào?

Nhiều ý kiến muốn biết học sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được thi lại như thế nào ở năm 2025 vì phương thức thi 2 năm là khác nhau.
14:07 - 30/11/2023
615 lượt xem