11
/
123548
Học sinh đi học sau Tết: Tránh tình trạng trường học "nay mở, mai đóng"
hoc-sinh-di-hoc-sau-tet-tranh-tinh-trang-truong-hoc-nay-mo-mai-dong
news

Học sinh đi học sau Tết: Tránh tình trạng trường học "nay mở, mai đóng"

Thứ 5, 27/01/2022 | 15:31:27
3,320 lượt xem

Nhiều địa phương dự kiến mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán 2022. Thông tin này khiến phụ huynh vô cùng phấn khởi, song bên cạnh đó cũng còn không ít những nỗi lo…

Học sinh đi học sau Tết: Tránh tình trạng trường học nay mở, mai đóng - 1

Các nhà trường đang cố gắng đưa ra nhiều kịch bản xử lý để hạn chế tối đa sự tụ tập và nguy cơ lây nhiễm khi dạy học trực tiếp (Ảnh: Văn Hiền).

"Tôi mong chờ ngày con đi học trở lại từ rất lâu rồi"

Nhận được thông tin học sinh lớp 7-12 ở Hà Nội trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2, phụ huynh Ngọc Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vô cùng phấn khởi.

Năm nay, con trai chị Hà học lớp 7. Như vậy, theo quyết định của thành phố, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, con trai chị Hà cùng với nhiều bạn bè đồng trang lứa sẽ được đến trường sau hơn 9 tháng ròng rã học trực tuyến.

"Thời gian qua, chứng kiến con phải ngồi trước màn hình máy tính học online gần 8 tiếng mỗi ngày, đến tối cũng phải "vật lộn" với đống bài tập online, tôi "đứng ngồi không yên" vì lo lắng cho sức khỏe cũng như tâm lý của con.

Vì thế, đối với tôi, quyết định cho học sinh từ lớp 7-12 đi học trở lại sau Tết như một niềm vui lớn, cởi trói nỗi niềm trăn trở tồn tại trong tôi thời gian qua. Cả nhà tôi mong chờ ngày con được đến trường từ rất lâu rồi".

Tháng 5/2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp nhằm đảm bảo quy tắc phòng chống dịch. Đến tháng 11, học sinh lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại trường. Ngày 6/12/2021, các trường THPT mở cửa đón học sinh lớp 12. Như vậy, Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến trong thời gian dài ở quy mô rộng nhất cả nước.

Trước quyết định cho học sinh lớp 7-12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của Hà Nội được quay trở lại trường, giống với chị Ngọc Hà, phụ huynh Nguyễn Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng.

Anh Trung cho biết, đi học trực tiếp không chỉ để bồi đắp, củng cố kiến thức mà đây còn là cơ hội để trẻ có được sự phát triển lành mạnh, toàn diện về thể chất, tâm sinh lý, kỹ năng mềm cũng như mối quan hệ xã hội. Do đó, người lớn không thể vì một vài lo lắng mà khăng khăng giữ trẻ ở nhà, khiến các con đánh mất nhiều điều quý giá.

"Thời gian học trực tuyến, cậu con trai 15 tuổi của tôi trở nên ít nói, ngại giao tiếp ngay cả với bố mẹ, đặc biệt còn trở thành "thần game", lúc nào cũng ôm khư khư chiếc máy tính.

Tôi tin rằng, không chỉ con trai tôi, mà rất nhiều đứa trẻ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến. Do đó, sau Tết sẽ là thời điểm thích hợp và ý nghĩa để các con tới trường, được học tập, vui chơi và tham gia nhiều hoạt động bổ ích, cân bằng lại cuộc sống".

Mặt khác, gia đình anh Trung cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho trường hợp xấu nhất, đó là con không may mắc Covid-19 khi đi học trở lại. "Nếu tình huống này không may xảy ra, chúng tôi sẽ ở nhà, chăm sóc con và cùng con chiến đấu với dịch bệnh" - vị phụ huynh tâm sự.

Tại TP.HCM, UBND thành phố vừa chấp thuận đề xuất đón trẻ cấp mầm non, trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2.

Là giáo viên mầm non, đồng thời là một người mẹ, chị Nguyễn Thị Mai (TP.HCM) cho biết, chị "thở phào" nhẹ nhõm bởi quyết định mở cửa trường học sau Tết của TP.HCM đã giúp chị giải đáp cho câu hỏi "Ra Tết, ai sẽ ở nhà trông con?".

Dịch bệnh khiến các cơ sở mầm non tại TP.HCM đóng cửa, tuy nhiên, giáo viên này cho biết, mỗi ngày, chị vẫn phải đều đặn tới trường dọn dẹp trường lớp, thực hiện sổ sách và triển khai bàn giao, phân công công việc cùng các đồng nghiệp.

"Cả hai vợ chồng đều phải đi làm, do đó, chúng tôi phải gửi con gái 4 tuổi cho bà nội trông nom giúp. Tuy nhiên, Tết này, bà nội dự định về Bắc ăn Tết và ở hẳn ngoài đó. Tôi lo lắm, vì cứ nghĩ sau Tết trẻ mầm non chưa được đi học lại, không biết gửi con cho ai.

Và hiện tại, thật may mắn khi TP.HCM quyết định mở cửa các trường học sau Tết Nguyên đán. Con được đến trường, được các cô chăm nom, vợ chồng tôi yên tâm phần nào".

Bên cạnh đó, nhà giáo này cũng chia sẻ niềm vui khi sắp được gặp lại "bầy trẻ thơ" sau khoảng thời gian dài xa cách. Chị Mai cho biết, những ngày cận Tết, chị và đồng nghiệp tích cực tới trường để dọn dẹp, trang trí lại phòng học, đồng thời làm một vài món đồ chơi để đón các con trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Tránh tình trạng "nay mở, mai đóng" các trường học

Trao đổi với Dân trí, cô Vũ Lan Hương (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho biết, cô ủng hộ phương án Hà Nội mở cửa trường học sau hơn 9 tháng "án binh bất động".

Hào hứng chuẩn bị lì xì cùng những món quà nho nhỏ dành tặng học sinh trong ngày đầu quay trở lại trường sau Tết Nguyên đán, song, bản thân cô cũng có đôi chút lo lắng khi những ngày gần đây, số ca mắc mới tại Thủ đô vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

"Hiện tại, tập thể giáo viên và nhà trường đang cố gắng đưa ra nhiều kịch bản xử lý để hạn chế tối đa sự tụ tập và nguy cơ lây nhiễm khi dạy học trực tiếp.

Theo đó, trường sẽ chia ca để giảm sự tập trung của học sinh. Tôi cũng cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, phụ huynh nên tự đưa đón con, hạn chế để trẻ đi phương tiện công cộng khi tới trường" - cô Hương đề xuất.

Ủng hộ quyết định cho học sinh quay trở lại trường sau Tết, tuy nhiên, điều khiến phụ huynh Ngọc Hà băn khoăn nhất chính là việc "khoanh vùng", "phân cấp độ màu" của TP Hà Nội.

Người mẹ này phân tích: "Trước đó, tại nhiều quận, huyện, học sinh đã được đến trường học tập trung. Nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau đó, quận, huyện "đổi màu" cấp độ dịch, ví dụ như từ "vàng" chuyển sang "cam", dẫn đến tình trạng nhiều trường học ở quận vùng cam phải đóng cửa, bất kể trường đó không có học sinh nhiễm bệnh và tiêm đủ 2 mũi".

Do đó, phụ huynh này cho hay, địa phương cần thay đổi tiêu chí đánh giá để phân cấp độ dịch (xanh, vàng, cam, đỏ) thay vì đếm số ca mắc như hiện tại. Điều này sẽ hạn chế tình trạng các trường học "nay mở, mai đóng", làm xáo trộn lịch trình học tập, sinh hoạt của học sinh.

Bên cạnh đó, chị Ngọc Hà đề xuất, không nên dừng việc dạy và học của cả trường nếu xuất hiện F0. Theo đó, trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm ở lớp nào thì chỉ nên thay đổi phương thức dạy học ở lớp đó, đồng thời cách ly tại nhà những học sinh F0 và F1 nguy cơ cao.

"Nếu trường hợp xấu là lớp học có học sinh nhiễm Covid-19, tôi mong thầy cô, nhà trường sẽ tìm cách thông báo với các em sao cho nhẹ nhàng, văn minh để tránh tạo "vết hằn" tâm lý cho trẻ" - chị Ngọc Hà mong mỏi.

Theo Kiều Phương/Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-sinh-di-hoc-sau-tet-tranh-tinh-trang-truong-hoc-nay-mo-mai-dong-20220127151156508.htm

  • Từ khóa

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam và Angola

Sáng 27/3 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến chào xã giao Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Angola Américo António Cuononoca.
16:13 - 28/03/2024
91 lượt xem

Nhiều trường bỏ quy định đuổi học sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần

Nhiều trường đại học đã bỏ quy định xử lý sinh viên dựa vào số lần vi phạm về hoạt động mại dâm.
15:18 - 28/03/2024
122 lượt xem

Vì sao các khóa nghề ngắn hạn thu hút người học?

Sau dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến đổi nên không ít người đã bỏ nghề cũ, chọn học những khóa nghề ngắn hạn để tìm kiếm cơ hội công việc...
11:12 - 28/03/2024
209 lượt xem

Nở rộ ngành dạy thêm cho người già

Tình trạng dân số già nhanh chóng, đang thúc đẩy thị trường dạy thêm và cung cấp hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi tại Trung...
09:36 - 28/03/2024
250 lượt xem

Chuyên gia cảnh báo "ngành công nghiệp" IELTS gây hại cho học tập tiếng Anh

Các chuyên gia cảnh báo việc "IELTS hóa" sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tiếng Anh. Việc học viên nhỏ tuổi được khuyến khích học và thi IELTS khiến...
07:19 - 28/03/2024
282 lượt xem