11
/
123031
"Đổ xô" luyện thi IELTS, nhiều thí sinh "ngó lơ" các môn học khác
do-xo-luyen-thi-ielts-nhieu-thi-sinh-ngo-lo-cac-mon-hoc-khac
news

"Đổ xô" luyện thi IELTS, nhiều thí sinh "ngó lơ" các môn học khác

Thứ 7, 15/01/2022 | 10:05:00
1,903 lượt xem

Với xu hướng các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, nhiều thí sinh chạy đua học và thi nhằm có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ này.

Hiện nay, nhiều trường đại học top đầu ở Việt Nam đã áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ như một điều kiện ưu tiên xét tuyển.

Qua thống kê đến năm 2021, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng. Do đó, số lượng người có nhu cầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng cao.

Với xu hướng này, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh "ngó lơ" nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này.

Đổ xô luyện thi IELTS, nhiều thí sinh ngó lơ các môn học khác - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm trước (Ảnh: V.Tùng).

"Cái gì có lợi thì phải chạy theo"

Nắm bắt được xu hướng tuyển sinh của các trường đại học những năm gần đây, chị Phạm Thị Mai (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ngay khi con đỗ vào lớp 10 chị đã có định hướng cho con đi học IELTS. "Bây giờ cái gì có lợi thì mình phải chạy theo thôi. Nhất là sau những vụ lùm xùm về điểm thi đại học tôi cũng không còn quá quan trọng vào điểm đó nữa. Các trường ngày càng chuộng những người giỏi ngoại ngữ nên việc có trong tay tấm chứng chỉ chắc chắn sẽ dễ dàng có cơ hội vào nhiều trường đại học".

Thừa nhận mình dành thời gian ôn thi IELTS còn nhiều hơn việc học các môn trên lớp, Hải Long (18 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Những năm gần đây các trường đại học đều gia tăng chỉ tiêu xét tuyển với những người giỏi ngoại ngữ. Vậy nên từ giữa năm lớp 11 em đã bắt đầu tìm hiểu và ôn luyện IELTS để khi xét tuyển đại học sẽ có nhiều cơ hội hơn. Xung quanh em, cũng rất nhiều anh chị và bạn bè cũng đều học và thi lấy chứng chỉ. Trong lớp em 10 bạn thì có đến 7 bạn là tham gia thi kỳ thi này".

"Để có kết quả IELTS cao cũng không phải dễ dàng, nó cần cả một quá trình cố gắng học và ôn tập. Bản thân em đã phải dành rất nhiều thời gian cho việc ôn luyện này, mỗi ngày phải dành ít nhất là 2 tiếng cho IELTS. Vậy nên nhiều khi không có thời gian dành cho những môn học khác", Long nói.

Xác định sẽ dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học là mục tiêu chính nên Minh Thư (học sinh lớp 12) chia sẻ rằng bạn dành hầu hết thời gian cho việc ôn luyện thi chứng chỉ này. "Mục tiêu của em là đạt từ 8.0-9.0 IELTS để xét tuyển vào đại học. Những môn học khác trên lớp em chỉ học với mục đích vừa đủ để thi tốt nghiệp".

Không giỏi các môn Toán, Lý, Hóa và nhận thấy xu hướng các trường đại học tuyển người giỏi ngoại ngữ, Hương Ly (18 tuổi) đã dồn sức ôn luyện để thi chứng chỉ IELTS. "Mấy môn trên lớp em học không được tốt lắm, không thể dùng điểm đó để xét tuyển được nhất là bây giờ điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT ngày càng cao ngất ngưởng, em không thể với được. Và chỉ còn cách có được chứng chỉ IELTS mới có thể giúp em dễ dàng vào ngôi trường mà mình muốn".

Giáo viên nói gì?

Lo sợ học sinh quá tập trung vào ôn luyện thi chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác sẽ dẫn đến hệ lụy học lệch. Cô Phạm Hương Lan (giáo viên THPT, Nam Định) chia sẻ: "IELTS hay các chứng chỉ khác ngày càng phổ biến là một điều tốt, thúc đẩy tinh thần học ngoại ngữ cho các em học sinh. Nhất là với xu hướng tuyển sinh của các trường đại học hiện nay, họ chuộng những người giỏi ngoại ngữ.

Song, tôi cũng rất lo ngại bởi ngay trong những lớp tôi giảng dạy nhiều em vì quá tập trung cho việc ôn luyện chứng chỉ kia mà lơ là những môn học khác ở trên lớp. Điển hình là việc làm bài tập về nhà, khi hỏi tại sao em không làm đầy đủ thì học sinh thản nhiên trả lời rằng vì em đang phải tập trung ôn thi lấy chứng chỉ.

Trước mắt sẽ ít thấy được hậu quả, nhưng về lâu về dài nó trở thành một xu hướng "học lệch". Điều này rất nguy hiểm bởi khi chúng ta học và làm bất cứ một việc gì cũng phải cân bằng mọi thứ hài hòa thì mới có thể thành công được. Tuy nhiên, cũng khó lòng mà trách học sinh được bởi nó là xu hướng, tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội và là thực tế nó cũng đã diễn ra ở nhiều nơi".

"Việc các em có vào được đại học hay không, trước mắt vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT đang chờ ở phía trước nữa. Vậy nên tôi khuyên các em phải biết cân bằng giữa các môn học", cô Lan nhắn nhủ.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán tại Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, để xét tuyển vào Đại học, ngoài điểm IELTS của học sinh sẽ còn phải kết hợp thêm các điều kiện khác nữa: Học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực,... Như vậy, học sinh cần nắm được các tiêu chí xét vào Đại học để "đầu tư"" hợp lý, tránh tình trạng được cái này lại hỏng cái kia. Trong giai đoạn tăng cường ôn thi IELTS , việc thí sinh tập trung nhiều thời gian, công sức cho IELTS cũng là điều dễ hiểu.

Năm 2022, bức tranh tuyển sinh có thay đổi rõ rệt, tỷ trọng chủ yếu nằm ở thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy (khoảng 80% chỉ tiêu). Với những học sinh khả năng ngoại ngữ không tốt, nếu đầu tư ngoại ngữ sẽ bị lệch và không có hiệu quả".

Ngoài ra, thầy Trần Mạnh Tùng còn chỉ ra "3" chiến thuật tốt nhất với học sinh cho vài năm tới là: Coi Toán, Văn là môn học chủ đạo; Học nghiêm túc các môn còn lại; Đầu tư cho ngoại ngữ nếu có khả năng.

Theo Nguyễn Phương Thảo/Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/do-xo-luyen-thi-ielts-nhieu-thi-sinh-ngo-lo-cac-mon-hoc-khac-20220115085033151.htm

  • Từ khóa

Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều thay đổi quan trọng

Thí sinh được xét tuyển công bằng theo các phương thức xét tuyển, được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất
09:31 - 23/11/2024
460 lượt xem

Từ năm 2026, Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có môn Công nghệ

Từ năm 2026, dự kiến Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
08:26 - 23/11/2024
511 lượt xem

New Zealand tiếp tục nới quyền làm việc, Úc có thể hủy áp trần tuyển sinh

Hai quốc đảo cạnh nhau là New Zealand và Úc có một số cập nhật mới về chính sách theo hướng ưu đãi và ưu tiên du học sinh trong thời gian tới.
15:31 - 22/11/2024
949 lượt xem

Ngành Giáo dục giữ vai trò nòng cốt phổ cập tri thức về chuyển đổi số

Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” là một trong những nhiệm vụ Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở với ngành Giáo dục.
14:55 - 22/11/2024
943 lượt xem

Cần quản lý tốt hoạt động dạy thêm, nên buộc đóng thuế

Về chủ trương không cấm dạy thêm vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, nhiều bạn đọc có ý kiến phản hồi.
10:11 - 22/11/2024
1,054 lượt xem