11
/
99143
Làm rõ thông tin tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Về quá trình “tự chủ” của một trường công lập
lam-ro-thong-tin-tai-truong-dh-ton-duc-thang-ve-qua-trinh-tu-chu-cua-mot-truong-cong-lap
news

Làm rõ thông tin tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Về quá trình “tự chủ” của một trường công lập

Thứ 2, 19/10/2020 | 11:50:02
563 lượt xem

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho hay, với vai trò nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Dân lập Tôn Đức Thắng (TĐT), nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Bán công TĐT, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TĐT (TDTU ) - các tên gọi tương ứng với từng thời kỳ của TDTU - ông nắm rõ hơn ai hết về quá trình tự chủ và thời điểm tự chủ của TDTU.


PV: Thưa ông, TDTU do ai thành lập? Từ năm nào? Nguồn vốn từ đâu?

- TDTU tiền thân là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP.Hồ chí Minh xin thành lập từ năm 1997, toàn bộ vốn thành lập trường là của Liên đoàn Lao động TP.Hồ chí Minh.

PV: Vì sao TDTU lại chuyển thành Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thuộc UBND TPHCM?

- Quan điểm của Lãnh đạo Liên đoàn LĐ TPHCM lúc đó là xây dựng trường đại học mang tên Bác Tôn phải xứng tầm, đã đi tìm mua từ 10-30ha đất để xây dựng trường, nhưng tổ chức Công đoàn TP không đủ tiền để mua đất.

Được sự chấp thuận của Thành Ủy và UBND TPHCM, Tổ chức Công đoàn TPHCM đã xin chuyển trường thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TPHCM từ năm 2003 và đã được UBND TPHCM giao cho trường gần 11ha đất tại số 19 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM để xây dựng trụ sở chính.

Đến cuối năm 2015, Trường được UBND TP bổ sung cho thuê thêm gần 14ha đất tại khu vực này, nâng tổng diện tích tại đây lên gần 25ha. Nhờ đó, Trường có thêm đất để xây dựng cơ sở chính.

Ông Đặng Ngọc Tùng

Ông Đặng Ngọc Tùng nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Dân lập Tôn Đức Thắng (TĐT), nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Bán công TĐT, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TĐT (TDTU ). Ảnh: Quochoi

PV: Sau đó Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng lại chuyển thành Trường Đại học công lập Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?

- Thi hành Luật Giáo dục 2005, do không còn mô hình trường đại học bán công nên Chính Phủ yêu cầu Trường chuyển thành trường tư. Trường Đại học Tôn Đức Thắng do tổ chức Công đoàn thành lập với mục tiêu nâng cao tay nghề, xây dựng giai cấp công nhân, toàn bộ tài sản của trường là tài sản của tổ chức công đoàn (ngoại trừ gần 11ha đất nhà nước giao tại quận 7 là sở hữu Nhà Nước).

Bên cạnh đó, thực hiện nghị quyết 20/NQ của BCH TW Đảng khóa X “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được đưa vào nghị quyết với nội dung “củng cố nâng cao chất lượng dạy và học của trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng”.

Được sự thống nhất của Thành Ủy và UBND TPHCM, Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trình Chính phủ chuyển thành Trường Đại học Công lập Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng LĐLĐVN tại Quyết định số 747/TTgQĐ ngày 11/6/2008.

Đây là trường đại học duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho hưởng cơ chế đặc thù: Quản lý Nhà nước là trường đại học công lập trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Toàn bộ tài sản được hình thành của trường đến nay là sở hữu của Tổng LĐLĐVN.

Về tài chính: Không nhận sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và Tổng LĐLĐVN, được vận dụng cơ chế như trường ngoài công lập, toàn bộ nguồn thu có được hàng năm của trường chỉ dùng để phát triển trường, không nộp cho Nhà nước, không nộp cho TLĐ hoặc tổ chức cá nhân nào ngoài trường.

Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng 

PV: Vậy trường Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ từ khi nào?

- TDTU được Tổ chức Công đoàn TPHCM quản lý và lãnh đạo trường thông qua “Hội đồng quản trị”, chủ tịch HĐQT là chủ tịch LĐLĐ TP, Công đoàn TP.Hồ chí Minh giao quyền tự chủ cho trường ngay từ ngày thành lập 1997.

Ban Giám hiệu hoạt động hoàn toàn tự chủ trên cơ sở tuân thủ Luật Giáo dục đại học, chỉ đạo của tổ chức công đoàn thông qua HĐQT trường.

Tự chủ về tài chính: Vì là trường đại học dân lập thuộc sở hữu của Công đoàn TP nên được hạch toán độc lập lấy thu bù chi, cố gắng tích lũy để xây dựng cơ sở và phát triển trường, từng bước thu hồi vốn đầu tư.

Tự chủ về nhân sự: Lãnh đạo Công đoàn TP giao toàn quyền cho Ban Giám hiệu của trường tuyển dụng, mời giáo viên thỉnh giảng, sắp xếp, bố trí cán bộ vào các bộ phận khác của nhà trường, từ các phòng ban, viện, cho đến các khoa… không cần phải biên chế, nhưng cần có ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của Luật Lao động.

Chỉ các đồng chí trong Ban Giám hiệu và Kế toán trưởng là biên chế của Công đoàn TP, và Công đoàn TP quyết định cử xuống công tác tại trường.

Tự chủ trong xây dựng cơ bản, mua sắm: Giao cho Ban Giám hiệu nhà trường chủ động trong việc xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị thí nghiệm của trường, trang thiết bị cần thiết cho giảng dạy và hoạt động của trường.

Tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ của trường, tuyển sinh và nghiên cứu khoa học: Cần tuân thủ đúng quy định của luật pháp Việt Nam, Luật Giáo dục đại học, và các quy định của Tổng LĐLĐVN. Tự chủ trong chi trả lương: Ngoài tiền lương theo ngạch bậc, trường quyết định thu nhập tăng thêm cho người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở công bằng dân chủ công khai (được HĐQT thông qua).

PV: Sau khi chuyển thành Đại học Bán công Tôn Đức Thắng, nhà trường có còn được tự chủ?

- Sau khi chuyển thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng thuộc UBND TPHCM, lãnh đạo UBND TPHCM và lãnh đạo LĐLĐ TP vẫn thống nhất chủ trương giao quyền tự chủ hoàn toàn cho Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng giống như từ ngày thành lập và cơ quan chủ quản quản lý trường thông qua Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐQT vẫn là Chủ tịch LĐLĐ TPHCM.

PV: Sau khi chuyển TDTU thành Trường ĐH Công lập trực thuộc Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN có tiếp tục giao quyền tự chủ cho trường như trước đó hay không?

- TDTU là trường công lập nhưng được hưởng cơ chế đặc thù (trên danh nghĩa là trường công lập nhưng thực chất trường hoạt động như một trường tư, mà ông chủ trường tư là Tổng LĐLĐVN) nên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN vừa vận dụng cơ chế trường công lập, vừa vận dụng cơ chế trường tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của trường.

Tổng LĐLĐVN giao cho trường hoàn toàn tự chủ như từ ngày thành lập đến nay, thậm chí còn giao quyền tự chủ nhiều hơn giai đoạn dân lập và bán công đó là giao quyền cho Ban Giám hiệu quyết định luôn nhân sự kế toán trưởng của trường (trước đó là do cơ quan chủ quản quyết định).

PV: Thưa ông, tại sao năm 2015 Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng LĐLĐVN lại xin Chính phủ thí điểm tự chủ?

- Nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND TPHCM; sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo công đoàn TP, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN; sự đóng góp không mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy cô giáo, TDTU đã có được nhiều thành quả quan trọng.

Nhiều giai đoạn bước đầu, dù thu nhập rất thấp do mới thành lập nhưng các thầy cô đều đồng lòng tích cóp để xây dựng trường, các vị lãnh đạo nhà trường từ thầy Hiệu trưởng đầu tiên Châu Diệu Ái, đến thầy Bùi Ngọc Thọ và sau này là thầy Lê Vinh Danh đều là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Thêm cơ chế tự chủ, trường phát triển rất tốt.

Dịp kỷ niệm 17 năm ngày thành lập trường, tôi có mời đồng chí Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về thăm trường.

Ông Thi đánh giá rất cao sự phát triển của trường và nhận xét: TDTU công không ra trường công, tư không ra trường tư và đề nghị lãnh đạo Tổng LĐLĐVN bàn với Chính phủ để hợp thức hóa việc này.

Nhân dịp Chính phủ có chủ trương thí điểm tự chủ đại học, căn cứ theo đề nghị của thầy Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN trình Chính phủ xin thí điểm tự chủ trong giai đoạn 2015-2017.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017.

PV: Theo ông, thành công của TDTU là nhờ những yếu tố nào?

- TDTU có được như ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự quan tâm giúp đỡ của UBND TPHCM; đặc biệt là nhờ Tổ chức Công đoàn biết vận dụng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào quản lý nhà trường, giao cho trường tự chủ toàn diện từ năm 1997.

Bên cạnh đó, thành công còn đến từ sự tận tâm cống hiến của tất cả cán bộ nhân viên và thầy cô giáo qua các thế hệ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nhóm PV /Lao động

https://laodong.vn/giao-duc/lam-ro-thong-tin-tai-truong-dh-ton-duc-thang-ve-qua-trinh-tu-chu-cua-mot-truong-cong-lap-846363.ldo

  • Từ khóa

Khi trường học... vỡ nợ

Hệ lụy như anh P., một phụ huynh, là một trong nhiều người đi đòi nợ bất đắc dĩ với trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TP.HCM.
16:31 - 29/03/2024
12 lượt xem

Đề xuất tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng: Ứng biến với thực tiễn

Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học mà địa phương đang thiếu giáo viên.
15:14 - 29/03/2024
54 lượt xem

Diễn biến kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây

Thống kê kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho thấy:
11:31 - 29/03/2024
147 lượt xem

Singapore trả tiền cho người lao động học về AI

Trong công bố ngân sách năm 2024, Singapore sẽ nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho những người trên 40 tuổi.
09:26 - 29/03/2024
197 lượt xem

Trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024 là năm cuối ngành Giáo dục thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hiện nay, các trường trung học phổ thông...
07:39 - 29/03/2024
213 lượt xem