11
/
93767
Bộ Giáo dục: Sẽ đánh giá trường chuyên để phát hiện ra bất cập
bo-giao-duc-se-danh-gia-truong-chuyen-de-phat-hien-ra-bat-cap
news

Bộ Giáo dục: Sẽ đánh giá trường chuyên để phát hiện ra bất cập

Thứ 4, 01/07/2020 | 09:32:27
187 lượt xem

Trả lời về đề xuất bán trường chuyên gây tranh cãi những ngày qua, tại cuộc họp báo quý II, ngày 30/6, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, không thể xã hội hóa trường chuyên và sẽ đánh giá lại trường chuyên.

Học sinh trường chuyên thuộc nhóm được đầu tư

Những ngày gần đây, đề xuất bán trường chuyên gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng, hoạt động của trường chuyên không còn phù hợp trong tình hình mới, nên chăng cần xã hội hóa.

Tại cuộc họp báo quý II, ngày 30/6, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, kết luận 242-TB/TW của Bộ Chính trị năm 2009 về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 và Luật Giáo dục năm 2019 đều nêu rõ, trường chuyên dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc phổ thông.

Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án 959-QĐ/TTg về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Như vậy, mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa.

“Mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của Nhà nước. Như vậy, không thể nào có chuyện xã hội hóa được.

Bộ Giáo dục: Sẽ đánh giá trường chuyên để phát hiện ra bất cập - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành: "Không thể xã hội hoá trường chuyên". 

Chắc chắn Nhà nước phải đầu tư để bồi dưỡng tài năng, có nguồn nhân lực chất lượng cao và các nước đều như vậy. Phần dễ thì chúng ta mới có thể xã hội hóa được”, ông Thành cho hay.

Lý giải không thể xã hội hóa trường chuyên, ông Thành nói, có hai đối tượng được Nhà nước đầu tư, một là những người yếu thế, hai là người có tài năng cần được bồi dưỡng (học sinh trường chuyên có trong nhóm này). Quốc gia nào cũng hỗ trợ cho các đối tượng này.

Trường chuyên không chỉ luyện “gà nòi”

Nhận xét về chất lượng trường chuyên, ông Thành cho hay, những năm trước, điểm lý thuyết của học sinh chúng ta rất tốt nhưng thường bị mất điểm ở phần thực hành vì không có điều kiện thực hành trên các thiết bị, lúng túng vì không quen thiết bị.

Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, học sinh Việt Nam không được thực hành nhiều nên khó đạt giải cao ở các môn Lý, Hóa, Sinh.

Nhưng gần đây, chúng ta đã có những kết quả tốt ở phần thực hành, thậm chí không thua kém các nước bạn. Đây là một trong những minh chứng để thấy được trong trường chuyên, học sinh đã được thực hành với những thiết bị”.

Ngoài ra, các trường chuyên hiện nay cũng có rất nhiều các câu lạc bộ về âm nhạc, thể dục thể thao, mỹ thuật, trình diễn… tức là rất toàn diện.

Tuy nhiên, số lượng học sinh thi quốc tế mỗi năm ở mỗi môn rất ít, chỉ 5-7 em, số lượng học sinh được thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng không nhiều.

Bộ Giáo dục: Sẽ đánh giá trường chuyên để phát hiện ra bất cập - 2

Đại đa số học sinh trường chuyên vẫn đang học chương trình bình thường nhưng có thêm phần chuyên sâu ở môn thế mạnh. (ảnh minh họa)

Đại đa số học sinh trường chuyên vẫn đang học chương trình bình thường, các em lớp chuyên có thêm phần chuyên sâu ở môn thế mạnh. "Dù vậy, hệ thống trường chuyên đang có cần tận dụng để nhiều em được thụ hưởng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất", ông Thành nói.

Vụ trưởng Giáo dục trung học cũng cho rằng các trường THPT chuyên hiện không chỉ có chất lượng giáo dục tốt mà còn rất tích cực trong các hoạt động thông qua việc thành lập câu lạc bộ từ âm nhạc, mỹ thuật đến thể dục thể thao. Học sinh trường chuyên cũng có kỹ năng mềm tốt hơn.

Sẽ xác định hướng đi tiếp theo cho trường chuyên

Được biết, Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, các trường chuyên được đầu tư 2.310 tỷ đồng vào ba hoạt động gồm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục.

Năm học 2018-2019, cả nước có 76 trường chuyên, trong đó 71 trường thuộc Sở GD&ĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học, ngoài ra còn có các khối chuyên thuộc các trường.

Ông Thành cho hay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng kết Đề án 959 về trường chuyên.

Bộ cũng giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng nhóm nghiên cứu khảo sát nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để nói về hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua.

"Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo về quá trình phát triển hệ thống trường chuyên và tổ chức hội nghị tổng kết Đề án vào cuối năm nay.

Qua đó, Bộ sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên để phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới.

Điều này nhằm xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo”, ông Thành nói.

Theo Mỹ Hà/Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-giao-duc-se-danh-gia-truong-chuyen-de-phat-hien-ra-bat-cap-20200630215952299.htm

  • Từ khóa

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam và Angola

Sáng 27/3 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến chào xã giao Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Angola Américo António Cuononoca.
16:13 - 28/03/2024
397 lượt xem

Nhiều trường bỏ quy định đuổi học sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần

Nhiều trường đại học đã bỏ quy định xử lý sinh viên dựa vào số lần vi phạm về hoạt động mại dâm.
15:18 - 28/03/2024
421 lượt xem

Vì sao các khóa nghề ngắn hạn thu hút người học?

Sau dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến đổi nên không ít người đã bỏ nghề cũ, chọn học những khóa nghề ngắn hạn để tìm kiếm cơ hội công việc...
11:12 - 28/03/2024
501 lượt xem

Nở rộ ngành dạy thêm cho người già

Tình trạng dân số già nhanh chóng, đang thúc đẩy thị trường dạy thêm và cung cấp hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi tại Trung...
09:36 - 28/03/2024
542 lượt xem

Chuyên gia cảnh báo "ngành công nghiệp" IELTS gây hại cho học tập tiếng Anh

Các chuyên gia cảnh báo việc "IELTS hóa" sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tiếng Anh. Việc học viên nhỏ tuổi được khuyến khích học và thi IELTS khiến...
07:19 - 28/03/2024
565 lượt xem