24
/
92073
Sau Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ có tiếp tục rút khỏi New START với Nga?
sau-hiep-uoc-bau-troi-mo-my-co-tiep-tuc-rut-khoi-new-start-voi-nga
news

Sau Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ có tiếp tục rút khỏi New START với Nga?

Thứ 3, 26/05/2020 | 09:30:15
306 lượt xem

Số phận hiệp ước New START dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021 trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

Tương lai bấp bênh của New START

Mỹ trong tuần qua đã chính thức thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, một trong những thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Quyết định của Mỹ đã làm gia tăng lo ngại về số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga.  

sau hiep uoc bau troi mo, my co tiep tuc rut khoi new start voi nga? hinh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán chính thức với Nga về việc gia hạn New START, hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021, sẽ sớm được bắt đầu. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump hôm 21/5 tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã làm dấy lên lo ngại về tương lai của New START, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.   

Tổng thống Trump từng bày tỏ hoài nghi về các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama, tuy nhiên chính quyền của ông vẫn khẳng định chưa từ bỏ kiểm soát vũ khí hạt nhân. 

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News, khi được hỏi về khả năng Nhà Trắng rút khỏi New START, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’brien cho biết: “Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi sẽ tiến hành đàm phán cởi mở với Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân".

Ông O’brien nói thêm: “Đó có thể là vấn đề quan trọng nhất mà mỗi Tổng thống từng phải đối mặt. Đó là bảo vệ sự an toàn người dân Mỹ khỏi phổ biến vũ khí hạt nhân và mối đe dọa tấn công hạt nhân”.

Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng thống về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea, người chịu trách nhiệm đàm phán gia hạn hoặc thay thế New START cho biết ông không đưa ra dự báo về việc hiệp ước này có được gia hạn tại thời điểm này hay không, đồng thời khẳng định Mỹ có thể thắng bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào nếu cần thiết, tuy nhiên Mỹ muốn tránh điều này.  

Những tranh cãi xung quanh cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân nổi lên trong lúc đáng ra sự chú ý của thế giới cần tập trung hơn cho đại dịch Covid-19 và đó chính là nguyên nhân của sự chỉ trích của phe Dân chủ nhắm tới Tổng thống Donald Trump sau khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Hệp ước Bầu trời mở.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel đã ra tuyên bố chỉ trích việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và cho rằng: “Tổng thống nên tập trung đối phó với dịch bệnh thay vì kéo nước Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tàn khốc và tốn kém”. Theo Hạ nghị sỹ Engel: “Các chuyến bay do thám được thực hiện theo Hiệp ước Bầu trời mở rất quan trọng trong việc củng cố New START và các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân khác”.   

Theo Hiệp ước New START, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ được phép triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước này cũng giới hạn triển khai các loại vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân đồng thời tại ra một chế độ kiểm chứng bao gồm 18 cuộc thanh sát tại chỗ hàng năm.  

New START, được đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, dự kiến sẽ hết hiệu lực ngày 5/2/2021. Tuy nhiên, hiệp ước này bao gồm lựa chọn gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội mỗi nước.

Nhiều người đã cảnh báo về tương lai của New START từ năm ngoái khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng tấn công tầm trung (INF), thỏa thuận cấm Nga và Mỹ sở hữu tên lửa phóng từ mặt đất ở các tầm bắn. Các cảnh báo này đang tiếp tục gia tăng ở thời điểm hiện tại.

Trong tuyên bố phản đối Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Thượng nghị sỹ Dân chủ Jeanne Shaheen cũng nhấn mạnh, “sự bấp bênh liên quan tới cam kết của Mỹ đối với New START”.

Chia rẽ trong chính trường Mỹ

Hiệp ước Bầu trời mở, được đề xuất dưới thời Cựu Tổng thống Eisenhower nhưng phải tới năm 2002 mới có hiệu lực. Hiệp ước này cho phép hơn 30 nước thành viên bao gồm Mỹ và Nga tiến hành các chuyến bay quan sát không vũ trang trên vùng trời của nhau. Mục đích của thỏa thuận này là bảo đảm minh bạch về các hoạt động quân sự nhằm tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn tới chiến tranh.

Chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở hôm 22/5, bắt đầu quá trình 6 tháng trước khi chính thức rút khỏi thỏa thuận này. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ có thể đảo ngược quyết định của mình “nếu Nga quay lại tuân thủ hiệp ước”.

Phái diều hâu quốc phòng đã kêu gọi Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước này nhiều tháng trước đây, viện dẫn các vi phạm của Nga bao gồm việc giới hạn bay qua Kaliningrad và các khu vực gần biên giới nước này với các khu vực Nam Ossetia và Abkhazia ở Georgia. 

Trong khi đó, phe ủng hộ ở lại hiệp ước này cho rằng các giới hạn bay của Nga không quá lo ngại và có thể giải quyết được trong phạm vi hiệp ước đồng thời cho rằng thỏa thuận này quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.  

Cùng ngày Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Đặc phái viên Billingslea cũng thông báo về tiến triển trong đàm phán chính thức với Nga về New START. Ông Billingslea cho biết ông và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đồng ý đối thoại trực tiếp khi dịch bệnh suy giảm.

Ông Billingslea khẳng định: “Chúng tôi đã có những ý tưởng cụ thể cho cuộc tiếp xúc sắp tới và đang hoàn tất các chi tiết. Chúng tôi đã thống nhất về một địa điểm và đang thảo luận về chương trình nghị sự dựa trên các cuộc trao đổi quan điểm gần đây".

Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại riêng rẽ với báo giới về Hiệp ước Bầu trời mở, ông Billingslea cho biết ông sẽ không dự báo Mỹ sẽ làm gì hoặc không làm gì với New START như nói rằng “mọi giải pháp đều ở trên bàn.” Một trong những giải pháp được biết tới có thể là gia hạn ngắn trong vòng 1 hoặc 2 năm nhằm kéo dài thời gian đàm phán một thỏa thuận toàn diện hơn theo ý muốn của Nhà Trắng.

Đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán

Chính quyền Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận mới bao gồm sự tham gia của Trung Quốc và nhiều hệ thống vũ khí mới của Nga. 

Trung Quốc, nước được cho là có ít hơn đầu đạn hạt nhân so với Nga hoặc Mỹ, đã liên tiếp từ chối tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Billingslea cho biết ông hy vọng Nga sẽ đưa Trung Quốc tới bàn đàm phán. Theo ông Billingslea, “Trung Quốc, giống Nga, có ý định củng cố các lực lượng hạt nhân và sử dụng các lực lượng này nhằm đe dọa Mỹ, những người bạn và đồng minh của Mỹ”.

Ông Billingslea nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc – và chúng tôi biết Trung Quốc tự coi mình như vậy – nước này cần ứng xử như một cường quốc. Trung Quốc phải thể hiện ý nguyện và khả năng đảo ngược các hoạt động củng cố hạt nhân gây bất ổn đồng thời đối thoại với Mỹ song phương hoặc ba bên”.

Trong khi đó, Nga trước đây đã đề xuất gia hạn New START ngay lập tức mà không cần điều kiện tiên quyết và mới đây cũng đã thể hiện ý định bổ sung một số loại vũ khí mới mà Mỹ lo ngại.

Tuy nhiên, ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bày tỏ nghi ngại về khả năng gia hạn New START. Theo ông Sergei Ryabkov, khả năng hiệp ước này được kéo dài sau ngày 5/2/2021 là không cao. 

Derek Johnson, Giám đốc điều hành Global Zero, tổ chức kêu gọi chấm dứt các loại vũ khí hạt nhân, cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Tổng thống Trump “không phải là dấu hiện tốt cho New START". Ông Johnson cho rằng: “Thay vì chấp thuận đề nghị của Nga gia hạn New START ngay lập tức và vô điều kiện, chính quyền Trump đã đề xuất đàm phán một thỏa thuận ba bên với sự tham gia của Trung Quốc.

Nếu không kéo dài New START, đề xuất này sẽ vô nghĩa hoặc là một trò hề có cân nhắc”. Trong một tuyên bố, ông Johnson nhận định: “Kiểm soát được các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là một mục tiêu cần thiết và cần có các nỗ lực kiên trì để thực hiện điều này, nhưng nếu New START theo chân Hiệp ước INF và Bầu trời mở, khả năng sẽ cần phải có một thỏa thuận lớn hơn”./.     

Theo Phạm Huân/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/sau-hiep-uoc-bau-troi-mo-my-co-tiep-tuc-rut-khoi-new-start-voi-nga-1052537.vov 

  • Từ khóa

Nam Phi: Xe buýt lao xuống vực, 45 người chết

Một xe buýt chở các tín đồ tới một buổi lễ Phục sinh ở Nam Phi đã lao xuống vực khiến 45 người thiệt mạng, 1 người bị thương.
07:25 - 29/03/2024
25 lượt xem

Ông Clinton, Obama tái xuất hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden

Sự xuất hiện của 2 người tiền nhiệm Bill Clinton và Barack Obama được cho là sẽ tạo ra cú hích cho chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe...
19:34 - 28/03/2024
298 lượt xem

Singapore: Cụ ông 82 tuổi suýt mất 3,7 triệu đô la vì bị lừa qua điện thoại

Một cụ ông 82 tuổi người Singapore đã suýt mất 3,7 triệu đô la Singapore (hơn 68 tỷ đồng) vì mắc bẫy của những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
15:15 - 28/03/2024
405 lượt xem

Điều chỉnh nóng khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới

Nga điều chỉnh chiến lược Bắc Cực khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới.
15:48 - 28/03/2024
396 lượt xem

Tổng thống Argentina phát ngôn 'sỉ nhục', Colombia phản ứng ngoại giao cứng rắn

Bộ Ngoại giao Colombia ngày 27.3 đã ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Argentina ra khỏi nước này sau phát ngôn được cho là 'bôi nhọ' của Tổng thống...
14:37 - 28/03/2024
451 lượt xem