4
/
86598
Du lịch tìm cách vượt 'sốc… corona'
du-lich-tim-cach-vuot-soc-corona
news

Du lịch tìm cách vượt 'sốc… corona'

Chủ nhật, 16/02/2020 | 14:45:35
503 lượt xem

Dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) là một "cú sốc" với ngành du lịch Việt. Các địa phương đang tìm cách xoay xở tìm hướng đi mới cho du lịch mà đa dạng hóa thị trường, tìm nguồn khách mới ngoài khách Trung Quốc là một chọn lựa chính.

Khu "phố Nga, phố Tàu" tại hẻm 96B đường Trần Phú, TP Nha Trang không còn ồn ào, chen chúc khi khách Trung Quốc rút về nước vì dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN 

Cơ cấu lại khách du lịch

Năm qua, Khánh Hòa đón tới 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc (TQ), chiếm tới 70% du khách quốc tế. Nhưng hiện hầu hết khách Trung Quốc đã rút vì dịch bệnh nCoV, nhiều cơ sở du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa) đang trong tình cảnh "thê thảm".

Trao đổi với TTCT, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Trần Việt Trung cho biết sở đang triển khai các giải pháp ứng phó trong cơn dịch bệnh nCoV và tái cơ cấu để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đề án tái cơ cấu du lịch Khánh Hòa đang lấy ý kiến các sở ngành để chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt gồm bốn phần về sản phẩm, không gian, nguồn nhân lực và thị trường khách du lịch.

"Hai năm nay, sở du lịch tỉnh đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng tỉ trọng khách của các thị trường khác để giảm phụ thuộc thị trường khách Trung Quốc. Hiện tỉ trọng đó đã có sự thay đổi rồi" - ông Trung nói. Sở sẽ đưa ra các gói giải pháp, các chương trình kích cầu, các điểm tham quan du lịch an toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để thu hút khách nội địa.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, "tình trạng du khách TQ "áp đảo" số lượng, tỉ lệ đã làm biến đổi các giá trị và cung cách kinh doanh, phục vụ của hệ thống kinh doanh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, không còn giữ được chuẩn chất mà chúng ta đã từng đạt được từ nhiều năm trước đây. Vì đa số du khách du lịch TQ thường đi theo các "tour 0 đồng", tour rẻ tiền... nên không thể đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao".

Còn theo ông Trung, thời gian qua nhiều khách sạn ở Nha Trang bán phòng lưu trú cho khách nước ngoài (chủ yếu khách TQ - PV) giá rất rẻ, song lại kêu giá rất cao đối với khách nội địa. "Do đó, nhiều du khách VN... không tiếp cận được, người ta cứ nghĩ là ở Nha Trang không có phòng nên dần dần không đến nữa. Chúng tôi phải tìm cách thay đổi để thu hút khách nội địa trở lại".

Một trong các giải pháp là "tổ chức các nhóm khách sạn kinh doanh đúng chất lượng, sản phẩm theo đúng hạng sao đã được công nhận". Theo đó, Sở và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ công bố các khách sạn được công nhận đảm bảo chất lượng lên cổng thông tin điện tử của sở và thông qua các đơn vị lữ hành để du khách lựa chọn, tránh bị giả mạo hay phục vụ không đúng chất lượng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý các cơ sở vi phạm.

Đối với khách quốc tế, Khánh Hòa vẫn tiếp tục thu hút những thị trường mạnh hiện nay của tỉnh là Nga, Hàn Quốc, sắp tới là Nhật Bản và thị trường khu vực châu Á.

Riêng với khách TQ, theo ông Trung, sẽ nâng chất lượng sản phẩm cùng với việc nâng giá dịch vụ để "lọc lại" khách TQ cho phù hợp, nhắm đến nhóm khách có mức chi tiêu cao hơn". Mặt khác, thu hút nhóm khách có thu nhập cao tự đi du lịch (khách đi lẻ, không đi theo các đoàn dạng "tour 0 đồng" như trước đây). Hiện nay, số khách du lịch TQ đi lẻ đó đã chiếm khoảng 40% khách TQ đến Khánh Hòa. Khánh Hòa cũng chuyển hướng quảng bá thu hút du khách TQ từ các tỉnh đông bắc nước này - khu vực có kinh tế phát triển thay vì khách từ các khu vực phía tây vốn thường có thu nhập thấp.

Tại Đà Nẵng, nơi trước đây hằng ngày khách TQ, Hàn Quốc đông kín trên các tuyến đường trung tâm, nay vắng bóng. Một số điểm như nhà thờ Con Gà, Hội thánh truyền giáo Cao Đài... đóng cửa với khách du lịch để phòng dịch bệnh.

Theo thống kế của ngành du lịch trong dịp Tết âm lịch vừa qua, tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng đạt hơn 126.800 lượt, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, công suất buồng phòng của khối khách sạn 3 sao và tương đương đạt 20-30% (giảm 30% so với cùng kỳ), ngày lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày, từ ngày 26 đến 28-1 công suất buồng phòng chỉ đạt 30%. Nhiều khách sạn 3 sao phải hủy nhiều đoàn khách TQ.

Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết sở đã nhận ra vấn đề này và xây dựng kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách, xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Nga, Bắc Âu, Tây Âu, Trung Đông và Ấn Độ. Trong đó, nhiều thị trường mới tăng trưởng rất mạnh như Thái Lan, Đài Loan.

Khách du lịch Trung Quốc tại Tháp Bà, TP Nha Trang ngày giáp tết vừa qua khi chưa công bố dịch COVID-19 tại Trung Quốc - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN 

Hội An đông khách Âu lẫn Á

Tại Hội An (Quảng Nam), những ngày trong dịch COVID-19, phố cổ Hội An là địa điểm đặc biệt được chú ý bởi lượng khách mỗi năm lên tới 5,3 triệu lượt. Tết là thời gian cao điểm, không chỉ khách châu Âu, lượng khách từ TQ tới phố cổ đạt bình quân 1.000 lượt/ngày. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Xuân Thanh lo ngại: "chỉ cần một cơ sở lơ là ngừa dịch, chuẩn bị không tốt thì một ca nhiễm nCoV sẽ dẫn tới sự phá sản, đổ bể cho thương hiệu phố cổ và để lại hậu quả rất lâu dài".

Phó chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết khi khởi phát dịch trong nước, một số khách sạn ở Hội An đã có dấu hiệu né tránh khách từ TQ, nhưng sau khi được vận động, hướng dẫn kỹ năng điều tra thông tin di chuyển, sức khỏe hành khách, các khách sạn đã phản ứng rất linh hoạt, khéo léo. 

"Khách TQ không bị phân biệt đối xử khi tới Hội An. Những lúc như thế này họ rất cần sự quan tâm, chăm sóc. Ngoài giám sát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó mỗi ngày, chúng tôi cũng chủ động dừng các lễ hội đã được chuẩn bị công phu trước đó, sắm máy đo thân nhiệt để hỗ trợ du khách, trang bị khẩu trang tại các quầy vé", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, hiện mỗi ngày khoảng 200 khách TQ tới Hội An vẫn được khách sạn đón tiếp chu đáo. Hội An vẫn bình an trong dịch, dự tính lượng khách chỉ giảm 10%, chủ yếu là khách châu Á. Ngược lại, số khách châu Âu vẫn rất đông.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, năm 2019 địa phương này đón khoảng 714.000 lượt khách quốc tế (90% trong số này đến đảo Phú Quốc), khoảng 10% trong số đó là du khách đến từ TQ và các vùng lãnh thổ của quốc gia này. Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết hiện du khách TQ đã rời đảo Phú Quốc gần hết. 

Tình hình dịch cúm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng doanh thu của ngành du lịch "đảo ngọc", nhưng mức giảm không đáng kể và cũng không đáng lo ngại. Nguyên nhân do du khách TQ đi từng nhóm nhỏ, ít chọn dịch vụ sang trọng để trải nghiệm. Thay vì chọn những khu nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao, họ chọn các nhà nghỉ trung bình gần trung tâm đảo để ưu tiên thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương, mà tâm điểm là khu chợ đêm Dương Đông.

Mùa du lịch đầu năm mới thường thu hút khách châu Âu nhiều hơn châu Á, vì lúc này các nước châu Âu bước vào mùa đông. Du khách châu Âu sẽ chọn những nước nhiệt đới ấm áp để tránh đông. Ở Phú Quốc, các resort cao cấp ven biển trên đảo gần như chỉ có khách châu Âu, rất ít khách châu Á lưu trú, khách Trung Quốc càng ít thấy.

10 năm, khách Trung Quốc tăng 238 lần

Khách TQ đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã gia tăng "nóng". Năm 2009, Khánh Hòa đón chưa đến 10,5 ngàn lượt khách TQ, thấp hơn nhiều lần du khách từ nhiều quốc gia và các khu vực khác. Nhưng đến năm 2019, khách Trung Quốc đã tăng lên khoảng 2,5 triệu lượt người, gấp 238 lần số lượng khách 10 năm trước đó. Khách TQ chiếm hơn 70% tổng lượng du khách quốc tế của Nha Trang - Khánh Hòa, áp đảo cả về số lượng lẫn tỉ lệ so với du khách đến từ các quốc gia và khu vực khác (châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương…).

Tháng 12-2018, tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Việt Trung cho biết "từ năm 2015 đến nay, Nha Trang - Khánh Hòa có sự tăng trưởng mạnh khách du lịch, chủ yếu là khách TQ và Nga" (chiếm khoảng 80% lượng khách quốc tế). Ông Trung thừa nhận: "Chúng ta đang bị phụ thuộc vào một số thị trường, đặc biệt là thị trường TQ. Nếu như có những biến cố, biến động thì hệ lụy của việc phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường đó là rất lớn".

Hỗ trợ du lịch ứng phó với dịch bệnh nCov

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh cần có chính sách riêng của địa phương cho ngành du lịch về thuế, bảo hiểm xã hội… để giúp các doanh nghiệp, cơ sở du lịch giảm thiệt hại, vượt qua khó khăn. Đặc biệt là hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian doanh nghiệp đang gặp khó khăn để giúp doanh nghiệp "giữ chân" người lao động. Sở Du lịch tỉnh sẽ hỗ trợ, đào tạo miễn phí cho người lao động trong thời gian có dịch bệnh.

Theo Tuổi trẻ

https://dulich.tuoitre.vn/du-lich-tim-cach-vuot-soc-corona-20200213133509727.htm

  • Từ khóa

Giá xăng được chỉnh sớm vì giỗ tổ, sẽ tăng vượt 25.000 đồng/lít?

Giá xăng sẽ được điều chỉnh sớm trước một ngày so với lịch thông thường, rơi vào ngày 17/4. Mặt hàng nhiên liệu được dự báo tăng vượt 25.000 đồng/lít.
15:42 - 16/04/2024
24 lượt xem

Đề nghị xử lý nghiêm buôn lậu, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng

Đó là đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong văn bản vừa gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại kinh doanh...
14:45 - 16/04/2024
52 lượt xem

Rút ngắn thời gian quay đầu máy bay để phục vụ 30/4, 1/5

Thời gian quay đầu máy bay (ground time) sẽ được rút ngắn để đảm bảo phục vụ dịp 30/4-1/5 trong hoàn cảnh thiếu hụt máy bay.
11:15 - 16/04/2024
147 lượt xem

CEO Apple Tim Cook mang gì đến Việt Nam?

Làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay 16-4, dự kiến CEO Tim Cook sẽ đưa ra các đề xuất liên quan đầu tư của Apple tại Việt Nam.
09:22 - 16/04/2024
179 lượt xem

Thiếu máy bay dịp lễ 30-4, các hãng hàng không khắc phục cách nào?

Trước tình trạng thiếu máy bay, các hãng hàng không Việt Nam khắc phục bằng việc thuê ướt các máy bay trong giai đoạn ngắn hạn; kéo dài thời gian khai...
09:20 - 16/04/2024
192 lượt xem