9
/
85651
Nghệ sĩ 'thuyền nhân' kể chuyện hai phương trời
nghe-si-thuyen-nhan-ke-chuyen-hai-phuong-troi
news

Nghệ sĩ 'thuyền nhân' kể chuyện hai phương trời

Thứ 5, 23/01/2020 | 07:33:05
517 lượt xem

 Moi Trần và Quỳnh Đồng có nhiều điểm giống nhau: cùng quê ngoại ở Thủy Nguyên, lúc nhỏ từng vượt biên đường biển cùng gia đình, tị nạn ở Hong Kong, nhập cư châu Âu. Cùng theo học nghệ thuật và khẳng định tài năng ở xứ người. Mới đây họ đều về quê hương làm tác phẩm.

Nghệ sĩ Moi Trần trò chuyện trong workshop về “Hiệu ứng Bolero” ảnh: Miên TrầnNghệ sĩ Moi Trần trò chuyện trong workshop về “Hiệu ứng Bolero” ảnh: Miên Trần

Moi Trần - Đồng cảm da màu  

Vượt biên cùng gia đình năm lên 2 tuổi, ngoài tiếng Anh, Moi Trần nói tốt cả tiếng Việt và tiếng Hoa. Ông nội và bố của Moi là người Việt gốc Hoa, mẹ người Hải Phòng, ở Anh họ không có điều kiện học tiếng bản địa, họ cố cho con cháu học ngôn ngữ của hai quê nội ngoại. 

Mặc dù hành trình từ trại tị nạn Hong Kong đến định cư tại Anh của gia đình nhiều sóng gió, vất vả nhưng Moi Trần vẫn nhìn lại bằng con mắt lạc quan. Đến Anh, Moi được 9 tuổi, tên Mùi phiên âm sang tiếng Anh bỗng thành Moi. Gia đình chị lang thang nhiều thị trấn nhỏ, có lần phải ở ghép cùng các hộ gia đình nhập cư trong tu viện. Nhiều lần bạn bè rủ bố Moi đi “đập nhà” theo phong trào thời đầu thập kỷ 90, cứ thấy ngôi nhà hoang nào là vào ở cho tới lúc bị phát hiện. Bố mẹ Moi đi may thuê, lao động chui vì không biết tiếng Anh, chưa có giấy tờ. Năm Moi 13 tuổi, cô cũng đi máy quần áo, rửa bát chui để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhờ có năng khiếu may, Moi học đại học với hai ngành Tâm lý và Thiết kế dệt may thời trang. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Chelsea, Cử nhân Thiết kế Trang phục Sân khấu và Thiết kế sân khấu Motley (Anh), Moi Trần thử sức với nhiều công việc. Chị có 5 năm làm thiết kế thời trang tại NewYork, trở về London làm thiết kế sân khấu, phục trang cho nhiều vở vũ kịch, opera, làm phim hoạt hình, trình bày báo. Song song làm nghề, Moi Trần sáng tác nhiều tác phẩm tranh vải, sắp đặt vải được sưu tập. “Sao bạn không làm tiếp để bán?”, “Tôi thấy vơi ý tưởng thì dừng luôn. Vả lại tôi không muốn rơi vào mặc định cứ phụ nữ châu Á là gắn với tác phẩm thủ công, tỉ mỉ, khéo tay”.

Sau gần 20 năm cộng tác với sân khấu, Moi Trần nhận thấy, khán giả nhà hát hầu hết là người da trắng mặc dù đôi khi vở viễn nói về chuyện của người da màu. 

Tại Anh, nhiều lần Moi được mời làm phiên dịch cho những “người rơm” (nhập cư bất hợp pháp, không giấy tờ). Chị đặc biệt thương cảm những phụ nữ bơ vơ, làm liều để được ở lại “miền đất hứa”. Đau đáu vấn đề “phụ nữ châu Á nhập cư”, Moi đã làm chuỗi trình diễn “Vòng Xoay” (The Circuit) tham dự Festival Perfomance Art châu Á và châu Âu.

Trong năm 2019, Moi Trần có 2 lần về Việt Nam làm dự án nghệ thuật. Cuối tháng 11, trình diễn “Hiệu ứng Bolero” của chị mang hình thức và cảm hứng mới lạ cho cả diễn viên và khán giả. Như mọi lần, chị vẫn phải bỏ tiền túi ra cho cuộc chơi nghệ thuật. “Về quê hương làm tác phẩm khiến tôi nhận ra mình sáng tạo một mình quá lâu, kết nối với người khác thật hạnh phúc” - Moi Trần chia sẻ.

Quỳnh Đồng - gọi Việt Nam là “người yêu”

Hồi mùa thu vừa rồi, từ Thụy Sĩ về nước làm tác phẩm, Quỳnh Đồng chào tíu tít trên trang cá nhân “Người yêu ơi!”. Hà Nội, Hải Phòng, Việt Nam là “người yêu” của Quỳnh.

Được mời tham gia Tháng thực hành Nghệ thuật - MAP 2019, Quỳnh Đồng dành 2 tháng tại Hà Nội làm tác phẩm video art “Trong vườn chuối” tham dự Triển lãm “Bên kia sự hủy diệt”. Về nước với con trai 11 tháng tuổi, cô địu bé đi khắp nơi, cả những lần đi ngoại thành tìm bối cảnh quay. Tác phẩm được dựng từ cảm hứng về hình ảnh “vườn chuối” trong tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí và từ truyện ngắn “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân. Bảy vũ công trình diễn điệu nhảy chậm Butoh của Nhật Bản. Họ hóa thân như những tán lá chuối khô ngả tựa vào thân chuối. Quỳnh bảo đây là chuyện tình. Với chị, đây là lần hạnh phúc nhất trong 3 lần về Việt Nam làm tác phẩm “vì lần này tôi được mở lòng, không còn e ngại sợ tổn thương”. 

Là “thuyền nhân” năm 6 tuổi, Đồng Thị Như Quỳnh có ký ức u buồn về 3 tháng cô cùng bố mẹ bị hành hạ trên tàu cá vượt biên. Quỳnh từng bị chủ tàu mang đi đổi lấy xăng, may mắn đêm đó mẹ cô đi “cướp” được con về. Đến trại tị nạn Hong Kong không lâu, bố Quỳnh mất. Mẹ đi làm thuê cả ngày để Quỳnh lang thang ngoài phố. “30 năm rồi mà tôi không dám trở lại Hong Kong vì sợ cái cảm giác bé nhỏ tuyệt vọng trong thành phố lớn”. Hai mẹ con được sang Thụy Sĩ nhập cư tại Bern, mẹ rơi vào trầm cảm, ăn tiền xã hội từ đó đến nay. Ngần ấy năm hai mẹ con khắc khoải nhớ về Việt Nam. Kể cả khi đã trở thành nghệ sĩ tự tin ở xứ người, mỗi lần về Quỳnh đều thấy hoảng sợ. “Ngày ấy tôi không muốn rời quê, sau này tôi mắc sang chấn tâm lý “để mất chốn thân thương”. 

Nghệ sĩ 'thuyền nhân' kể chuyện hai phương trời - ảnh 1Quỳnh Đồng- nghệ sĩ Thụy Sĩ gốc Việt có cách nhìn khác về nhập cư

Quỳnh Đồng theo học tại trường Thiết kế tại Biel/Bienne, Đại học Nghệ thuật Bern, đại học Nghệ thuật Zurich và Học viện Nghệ thuật thị giác Amsterdam. Các tác phẩm video art và trình diễn của Quỳnh gây chú ý bởi chủ đề nhập cư. Video art “Bể cá cảnh” (2008) quay mẹ của Quỳnh loanh quanh, im lặng, bồn chồn đứng tựa cửa và ngồi bên chiếc bàn chật góc bếp. Tác phẩm đầu tay của Quỳnh được Quĩ Học bổng Aeschlimann Corti trao giải nhất 25.000 franc và gây chú ý với giới truyền thông. Quan sát người Việt xa xứ có một niềm vui duy nhất là hát karaoke, Quỳnh thực hiện video art “Karaoke night”: lấy mình làm nhân vật. Đặt máy quay tự động, Quỳnh hát karaoke và uống rượu suốt 15 tiếng trong căn phòng hẹp. Cuối phim cô say mềm, vẫn hát thều thào trong nước mắt. Tác phẩm về nỗi cô đơn của người châu Á nhập cư tiếp tục được quan tâm. Quynh Dong (nghệ danh của Quỳnh) trở thành cái tên gây tranh cãi. Báo chí bất ngờ về góc nhìn của nghệ sĩ “thuyền nhân” về người nhập cư. Nhiều video art của Quỳnh được sưu tập, cô dành tiền để đi học hoặc đưa mẹ và “mẹ lại trích ra gửi cho họ hàng ở Thủy Nguyên”. 

Cả Moi Trần và Quỳnh Đồng đều cùng có mong muốn:  mỗi năm về quê dài ngày hơn để được nói tiếng mẹ đẻ, ăn cơm quê nhà và cùng làm tác phẩm với cộng đồng.

Theo Hoàng Hoa/Tiền phong

https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nghe-si-thuyen-nhan-ke-chuyen-hai-phuong-troi-1511096.tpo

  • Từ khóa

Nữ TikToker triệu view giúp bà con Tây Bắc tiêu thụ nông sản

Nhiều clip về món ăn Tây Bắc do chị Phương Mai thực hiện đạt cả triệu view trên mạng xã hội không chỉ giới thiệu văn hóa ẩm thực của người dân vùng cao mà...
15:10 - 23/04/2024
267 lượt xem

Những đứa trẻ tự kỷ làm nên điều kỳ diệu: Đừng 'giấu con trong nhà' vì sợ làm phiền..

Đó cũng là quan điểm của các chuyên gia đưa ra trong 2 buổi workshop về chủ đề hòa nhập và định hướng nghề nghiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ...
10:50 - 23/04/2024
375 lượt xem

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ hoan nghênh đoàn đại biểu T.Ư Đoàn

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh đoàn đại biểu T.Ư Đoàn, do Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương làm...
10:45 - 23/04/2024
374 lượt xem

Tổng thư ký ASEAN: Thanh niên hãy sống có mục đích, đừng phí hoài thời gian

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chia sẻ ông được truyền cảm hứng khi lắng nghe các câu hỏi và đề nghị của thanh niên khu vực trong cuộc đối thoại ở Hà...
08:08 - 23/04/2024
443 lượt xem

Cho trẻ cơ hội phản biện và sáng tạo

Phản biện, sáng tạo là năng lực then chốt để mỗi người trẻ mạnh mẽ bước vào nền kinh tế tri thức cùng sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ.
16:56 - 22/04/2024
770 lượt xem