19
/
79048
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quan họ, Ca trù
bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-phi-vat-the-quan-ho-ca-tru
news

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quan họ, Ca trù

Thứ 3, 10/09/2019 | 21:00:14
1,712 lượt xem

BGTV- Quan họ - Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009. Sau 10 năm nhìn lại, những tinh hoa mà 2 loại hình nghệ thuật vẫn đã và đang được lưu giữ, truyền dạy, là minh chứng rõ nét cho sức sống bền bỉ của các giá trị mang “hồn cốt” dân tộc tiếp tục lan tỏa đến muôn đời sau.

“Ăn sâu bám rễ” trong đời sống

Dân ca quan họ được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có trên 60 câu lạc bộ (CLB) Quan họ, hoạt động ở 10 huyện, thành phố, trong đó có 39 CLB ở huyện Việt Yên (chiếm tỉ lệ 65%). Mỗi CLB có từ 15 - 20 thành viên, sinh hoạt từ 2 - 4 buổi/tháng. Phong trào hát quan họ đã phát triển trong đời sống cộng đồng, ngân nga bình dị như “món ăn tinh thần” tại nhiều vùng quê.

Nhiều thế hệ liền anh, liền chị đã và đang lưu giữ kho tàng quan họ cổ, bảo tồn bền vững di sản trong đời sống hiện đại

Hữu Nghi là 1 trong 5 làng quan họ cổ (Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ đều thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang) thuộc 49 làng vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận lần đầu tiên. Tiếng hát, lời ca ở đây có những đặc trưng riêng của bờ bắc sông Cầu – con sông mẹ sản sinh ra quan họ. Đó là nguồn hòa trộn giữa sự trong sáng, rộn ràng của chèo, sự mặn mà của hát dặm, sự sâu lắng của ca trù, sự hồn nhiên của dân ca các vùng miền khác. Dù rằng quan họ ngày nay có phần dễ hát, âm hưởng phóng khoáng hơn, lại có nhạc đệm dễ đi vào lòng người nhưng những nghệ nhân ở làng vẫn kiên trì giữ lề lối cổ, bỏ ra nhiều công sức để sưu tập và truyền dạy rộng rãi những làn điệu xưa.

Ông Trần Văn Thể, Chủ nhiệm CLB quan họ làng Hữu Nghi tự hào kể: “Chúng tôi học những làn điệu cổ lâu năm của cha ông các cụ ở trong làng, đồng thời sưu tầm và học hỏi các tổ quan họ Bắc Ninh tại làng Viêm Xá, Khúc Toại, Trâm Khê… ghi lại lời và lề lối rồi về truyền lại cho CLB. Đáng mừng là lớp trẻ ở làng cũng rất thích, phát triển chuyên sâu về quan họ, tiếp thu rất nhanh, nghe vài lần hát là hát được ngay, chúng tôi thường xuyên động viên, khuyến khích để các cháu ngày càng hăng say luyện tập học hỏi để truyền lại cho các thế hệ sau này nữa”.

Dân ca quan họ là dòng chảy, mạch ngầm văn hóa tại nhiều làng quê trù mật của Bắc Giang

Nhiều năm qua, ông Thể, vợ ông là nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cùng nhiều nghệ nhân khác đã mở lớp truyền dạy cho mọi lứa tuổi say mê hát quan họ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi trong làng. Ở Hữu Nghi, nhiều cháu mẫu giáo chưa biết chữ nhưng đã tập tành hát được đôi ba câu, nhiều gia đình 3,4 thế hệ cùng hát, các bạn thanh thiếu niên đam mê tiếp tục học ngành nghệ thuật, chuyên nghiệp, bài bản hơn. Không chỉ Hữu Nghi, dân ca quan họ là dòng chảy, mạch ngầm văn hóa tại 17 làng quan họ khác nơi bờ bắc sông Cầu và nhiều làng quê trù mật của Bắc Giang.

Đối với hoạt động truyền dạy quan họ, những năm qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Sở như Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, Nhà hát Chèo thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy tới hàng trăm học viên là viên chức Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện, thành phố, thành viên các CLB Quan họ trên địa bàn tỉnh. Tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình, đăng ký mã ngành đào tạo: Nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ (được Bộ GD - ĐT cho phép tuyển sinh từ năm học 2011 - 2012), phối hợp cùng Sở GD - ĐT thực hiện dự án sân khấu học đường cho các Trường THCS, mở lớp tập huấn về kỹ năng truyền dạy dân ca Quan họ cho giáo viên dạy âm nhạc ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn, phát huy, giá trị văn hóa phi vật thể Quan họ được các huyện trong địa bàn tỉnh thường xuyên, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mở nhiều lớp dạy dân ca quan họ cho các nghệ nhân tiêu biểu của các làng Quan họ cổ ở huyện Việt Yên như: Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ, Giá Sơn, Hữu Nghi, Thổ Hà và một số làng Quan họ khác…

Sênh phách tiếp tục rộn ràng…

Ca trù có thời gian dài bị gián đoạn tại Bắc Giang, vài năm lại đây đã được khôi phục tại một số địa phương. Trong số chín CLB ca trù toàn tỉnh, CLB Ca trù Bắc Giang (thuộc Nhà hát Chèo Bắc Giang) là tiêu biểu hơn cả. 

Ca trù nước ta nói chung và Bắc Giang nói riêng rất cần đến những tài năng trẻ tuổi để ươm mầm, lưu giữ và lan tỏa rộng rãi hơn nữa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 08 câu lạc bộ Ca trù hoạt động. Thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Ca trù. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 04/6/2010 phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2020”. Đề án nhấn mạnh các nội dung về bảo tồn và phát huy di sản Ca trù, chú trọng phân loại, hệ thống hoá các tư liệu, hiện vật liên quan đến Ca trù, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về Ca trù; xây dựng thành lập điểm các CLB Ca trù tại các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, sau đó tiếp tục thành lập các CLB Ca trù ở những huyện còn lại…

Hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang mời nghệ nhân ca trù có uy tín về truyền dạy cho các CLB, hỗ trợ các CLB về trang phục, nhạc cụ. Một số địa phương đã đưa ca trù vào hội diễn, hội thi, tạo thêm sự phong phú cho phong trào văn nghệ. Trong đó, điều đáng mừng là đã thu hút được một số bạn trẻ tham gia. Thời gian tới ngành văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường và đổi mới các hoạt động truyền dạy và tích cực tổ chức nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa cho các CLB ca trù. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ có tính lâu dài và thường xuyên. Cùng với đó, mở rộng hệ thống CLB ca trù đến các địa bàn trong tỉnh. Về lâu dài, ngành văn hóa và các địa phương có thể xây dựng các tụ điểm sinh hoạt ca trù, qua đó kết hợp tạo thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người xem. Để làm được như vậy, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn để nhiều người có thể hiểu, yêu thích và tìm đến ca trù.

Có thể thấy, công tác bảo tồn, lưu giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống không phải là việc làm đơn giản, cần rất nhiều đến “tâm và tầm” của những người làm công tác văn hóa tư tưởng, những nghệ nhân và của cả các thế hệ trẻ. Do đó cần gắn việc gìn giữ truyền thống với đời sống hiện đại, giữ lửa bằng tinh thần của người đi trước và niềm say mê háo hức của lớp lớp người sau để những làn điệu Quan họ, Ca trù tiếp tục khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ ở Bắc Giang mà còn ở những địa phương khác trong cả nước./.

Minh Anh

Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm tác phẩm mỹ...
14:40 - 29/03/2024
43 lượt xem

Đông nghẹt khách đến Lễ hội văn hóa Ẩm thực đặc sắc nhất thế giới tại TP.HCM

Trước giờ khai mạc, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2024 - Lễ hội Ẩm thực đặc sắc nhất thế giới đã đông nghẹt khách đến tham quan,...
13:26 - 29/03/2024
80 lượt xem

CNN vinh danh món bánh dân dã của Việt Nam vào top ngon nhất thế giới

Bánh bao (dumpling), theo nghĩa cơ bản nhất là một túi bột chứa các loại nhân mặn hoặc ngọt. Trong danh sách 35 món bánh bao ngon nhất thế giới do CNN vừa...
10:50 - 29/03/2024
133 lượt xem

TP HCM tôn vinh Nghệ nhân, Nghệ sĩ: Trân trọng, xúc động

Khi NS Hùng Minh ngôi trên xe lăn được đẩy ra sân khấu đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã xúc động rơi nước mắt. Một đêm...
08:28 - 29/03/2024
198 lượt xem

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu đến Việt Nam biểu diễn

Dàn nhạc Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra - WYO) sẽ có mặt tại Hà Nội trong dự án âm nhạc "Âm thanh của tình anh em"
15:59 - 28/03/2024
592 lượt xem