240
/
77941
Tô Lịch bao giờ có thể giống như Danube xanh?
to-lich-bao-gio-co-the-giong-nhu-danube-xanh
news

Tô Lịch bao giờ có thể giống như Danube xanh?

Thứ 7, 17/08/2019 | 12:30:02
833 lượt xem

Người dân Hà Nội vẫn luôn mong “đến bao giờ sông Tô sẽ được hồi sinh?” và đó là mong muốn chính đáng.

Là dòng thoát nước chính của Hà Nội, sông Tô Lịch tiếp nhận hầu hết nước thải trong khu vực nội thành, bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân cùng với việc quy hoạch chưa đồng bộ đã vô hình chung khiến cho sông Tô Lịch đẹp thơ mộng từng đi vào thơ ca Việt Nam đã trở thành một dòng sông chết suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo thời gian, thành phố phát triển, quá trình đô thị hoá đã khiến sông Tô Lịch giờ đây lòng hẹp, nông, ít nước, ô nhiễm… Con sông thơ mộng bậc nhất kinh thành xưa giờ thành mương nước thải khổng lồ. Đã có lúc người ta định cống hóa sông Tô ở những đoạn đẹp nhất để làm dịch vụ và làm bãi trông giữ ô tô.

Với mong muốn làm sạch và khôi phục phần nào vẻ đẹp vốn có của con sông lịch sử này, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp như việc dùng hóa chất làm sạch nước, hay các đề xuất thu gom nước thải sinh hoạt xử lý tại nguồn trước khi cho chảy ra sông, đặc biệt là ý tưởng lấy nước từ sông Hồng, Hồ Tây tạo dòng chảy để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch,… Tuy nhiên, dường như những nỗ lực và đó vẫn chìm trong vô vọng.

Mặc dù hiện nay toàn bộ chiều dài của sông Tô Lịch (khoảng 14km) đã được cải tạo, nạo vét và kè 2 bờ, song ô nhiễm vẫn rất nghiêm trọng, trong đó có thể thấy rõ lượng oxy hòa tan trong nước giảm đáng kể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá không thể sống được trên dòng sông ô nhiễm này.

Nhiều dự án đã được đưa ra và có những dự án đã được áp dụng để cải tạo và làm sạch sông Tô Lịch nhưng rồi đâu cũng vẫn hoàn đấy. Người Hà Nội giờ mỗi khi nhắc tới sông Tô là nhớ “một dòng sông đen”. Có nhiều người gần như đã mất cả cuộc đời để chờ đợi sự hồi sinh của con sông tuổi thơ, con sông lịch sử với người Hà Thành này.

Vấn đề người dân Hà Nội, nhất là những người sinh sống dọc 2 bên sông Tô Lịch đặc biệt quan tâm là làm thế nào xử lý được mùi và lượng bùn tồn đọng dưới lòng sông vì đây là nguyên nhân chính, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.

Chính vì vậy, việc mới đây, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã có buổi làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất thí điểm miễn phí xử lý một đoạn của sông Tô Lịch ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor – công nghệ được xem như một “nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông” với tốc độ xử lý vô cùng nhanh sau 3 ngày là hết mùi và sau 2 tháng bắt đầu sạch trở lại đã thắp lên những hy vọng hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi rằng công nghệ này khó có thể làm sạch dòng sông đã ô nhiễm hàng chục năm qua khi hàng ngày Tô Lịch vẫn phải tiếp nhận hàng trăm ngàn khối nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, bệnh viện đổ trực tiếp vào dòng sông mà chưa qua xử lý.

Ngày 16/5/2019, các chuyên gia Nhật Bản và Liên Hợp Quốc đã thí điểm đưa các thiết bị công nghệ Nano - Bioreactor đặt xuống đáy sông, với chiều dài 300m, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17/7. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, do để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực xung quanh Hồ Tây, từ ngày 9/7 đến 11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch để đưa mực nước Hồ Tây về mực nước không chế. Việc xả nước này đã ảnh hưởng đến quá trình thí điểm nên Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, xin phép lùi thời gian công bố kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức thêm 2 tháng tới ngày 17/9/2019.

Chiều 5/8/2019, tại đoạn sông Tô Lịch đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy - Hà Nội) nói trên, các chuyên gia Nhật Bản đã cho lắp đặt khu vực trình diễn xử lý nước sông Tô Lịch. Theo đó, khu vực trình diễn xử lý nước sông Tô Lịch gồm 4 bể: Bể đầu tiên là bể xử lý yếm khí, trong đó đặt tấm Bioreator kích hoạt vi sinh vật kị khí, cung cấp giá thể cho vi sinh vật. Bể thứ hai là bể hiếu khí, đặc máy sục khí Nano nhằm kích hoạch vi sinh vật hiếu khí. Sau đó đến bể bùn hữu cơ phân hủy, trơ lại bùn vô cơ lắng lại. Cuối cùng là bể nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn Việt Nam, có thể dùng làm nước sinh hoạt hoặc tắm được.

Chiều 8/8, để chứng minh việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đem lại hiệu quả, nguồn nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam, Tiến sĩ Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã vào bể nước đạt tiêu chuẩn sau xử lý bằng công nghệ này để tắm, ngụp lặn trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Thủ đô Hà Nội.

Hình ảnh này khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên và thắp lên đầy hy vọng, mong chờ kết quả đánh giá tổng thể lấy vào ngày 17/9/2019 sẽ thành công để nhân rộng mô hình cho toàn bộ sông Tô Lịch qua đó giúp sống lại dòng sông thơ mộng và mang đầy dấu ấn lịch sử này.

Theo các chuyên gia Nhật, sau giai đoạn thử nghiệm (17/9) lấy kết quả đánh giá tổng thể cả con sông và khảo sát thêm để tính toán chi tiết từ lượng bùn cho đến mực nước và mùi từ thượng lưu đến hạ lưu sau đó thi công thì sẽ làm luôn 14 tổ thi công trên 14km sông Tô Lịch và lắp chỉ trong 1 ngày là xong. Sau 1 - 3 ngày thì sẽ hết mùi hôi thối trên toàn bộ sông.

Kế hoạch thử nghiệm này của các chuyên gia Nhật Bản đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hoan nghênh đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần phải có thời gian để đánh giá công nghệ này có áp dụng được trên thực tế hay không. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sẽ có 3 chỉ tiêu cần đánh giá là: Công nghệ, môi trường có cải thiện và chi phí thực hiện.

“Tôi cho rằng, việc đánh giá cần phải đi liền với khâu hết sức quan trọng là kiểm soát và xử lý tại nguồn. Hiện người Nhật mới chỉ thử nghiệm trên một đoạn sông. Vì vậy, quan điểm là chúng ta phải kiểm soát từ nguồn, xử lý từ nguồn chứ không thể biến dòng sông thành nơi luân chuyển nước thải”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Chiến (chuyên gia đầu ngành về công trình thủy và thủy lợi, nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi - Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: "Công nghệ đang thí nghiệm ở sông Tô chỉ là cục bộ, tạm thời. Bởi nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông 24/24h, nên muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc nguồn nước thải này. Chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc xử lý ô nhiễm ở con sông này”.

Theo GS.TS Nguyễn Chiến nếu làm sống lại sông Tô Lịch thì cần thống nhất phương án làm lâu dài và cần làm theo 4 bước: “Đầu tiên cần gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả chất thải ra sông Tô Lịch nữa”.

GS.TS Nguyễn Chiến cho biết thêm: “Các phương án đang được thí nghiệm chẳng qua chỉ là xử lý lần đầu lòng sông có lớp bùn đang ô nhiễm và hôi thối chứ nếu đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và tạo dòng chảy, xử lý ô nhiễm ban đầu rồi thì không cần công nghệ xử lý thường xuyên nữa. Vì vậy công nghệ đang thí nghiệm sẽ phù hợp hơn khi xử lý các hồ chứa với mực nước tĩnh”.

Trong khi đó, Giáo sư Mai Đình Yên (chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam) đặt ra những câu hỏi: “Trước khi giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch thì phải xem sông ô nhiễm đến đâu; mục đích là làm sạch nước hay còn phát triển du lịch, giao thông đường thủy; sông Tô Lịch làm thì sông Sét, sông Kim Ngưu có làm không; phải điều tra lại sông Tô Lịch có đúng là 280 cống mương chảy vào hay không; điều tra lại số dân quanh sông; theo dõi mực nước lên xuống của sông,…”.

PGS. TS Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam) cho rằng: “Đề xuất lấy nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là phù hợp với quy hoạch của thành phố. Việc làm này có thể cứu được một dòng sông, còn cái mất duy nhất đó là mất tiền. Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có nhưng từ quy hoạch đến triển khai dự án còn rất nhiều vấn đề, từ kinh phí, thủ tục và vị trí đặt trạm bơm ở đâu…”.

Theo Tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, hiện nay, sông Tô Lịch đang tồn tại 3 vấn đề chính đó là: Mùi hôi thối; lớp bùn dưới đáy sông và chất lượng nước trong lòng sông. Ước tính sông Tô Lịch đang phải tiếp nhận nguồn nước thải chưa qua xử lý khoảng 150.000 m3/ngày đêm. “Hiện nay, sông Tô Lịch mất khả năng tự làm sạch. Qua khảo sát chúng tôi thấy hiện trạng sông Tô Lịch lúc này là: mùi hôi thối nồng nặc bốc lên hàng ngày, hàng giờ; lượng bùn tích tụ ở tầng đáy dày 1-1.5m; chất lượng nước theo chỉ số COD, NH4+... quá mức cho phép”, Tiến sĩ Tadashi Yamamura nói.

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, việc tách nước thải sinh hoạt ở sông Tô Lịch để thu gom và xử lý là một cách làm truyền thống gây tốn phí, không hiệu quả cao, nếu có thành công thì chỉ giải quyết được 1 trong 6 tiêu chí để làm sạch sông Tô Lịch.

Ông Tadashi Yamamura đã đưa ra 6 tiêu chí làm sạch sông Tô Lịch như sau: Thứ nhất là xử lý triệt để mùi hôi thối từ gốc (cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano phải đảm bảo không còn mùi hôi, thối. Thứ hai là phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông, hồ tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O, chất lượng trầm tích (bùn) sau khi xử lý dần đạt QCVN 43:2017/BTNMT. (Thời gian đạt có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn thời gian thí điểm tùy thuộc tiến độ xử lý theo thực tế).

Thứ ba là xử lý lượng nước thải hằng ngày chảy vào sông và xử lý tận gốc được cả nước đang bị ô nhiễm ở bên trong khu vực thí điểm mà không cần thu gom, tách nước thải. Thứ tư là bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt. Số lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại giảm, vi sinh vật có lợi tăng. Thứ năm là nước tại vị trí điểm lấy mẫu trong khu vực thí điểm sau khi xử lý dần đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (thời gian đạt có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn thời gian thí điểm tùy thuộc tiến độ xử lý theo thực tế). Thứ sáu là hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).

“Ngày xưa chúng ta đều nghĩ phải ra cây ATM hoặc trụ sở ngân hàng mới có thể chuyển tiền đi nhưng bây giờ chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh là có thể chuyển nhanh và chính xác”, Tiến sĩ Tadashi Yamamura ví von.

Theo chuyên gia, công nghệ này gồm hai thiết bị gồm: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản). Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.

Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 0,05µm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.

Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản sẽ tiết kiệm ngân sách, hiệu quả xử lý bền vững và không bị tái ô nhiễm: Các tấm Nano Bioreactor được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt là bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn. Kết hợp với máy sục khí công nghệ nano với thời gian sử dụng chu kỳ lên đến trên 25 năm không phải mất thêm chi phí định kỳ để xử lý như 1 năm, 2 năm lại phải nạo vét bùn đáy hay hàng tháng, phải bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học như công nghệ khác nên rất tiết kiệm cho ngân sách.

 Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được quảng bá sẽ làm hết mùi hôi thối tại sông Tô Lịch trong 1 – 3 ngày.

Còn như suy nghĩ của nhiều người là phải tách nguồn nước thải sinh hoạt rồi thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung, việc này rất tốn kém: Sông Tô Lịch dài hơn 14km, chúng ta sẽ phải đầu tư đường ống dài như vậy để gom nước thải. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng tốn kém kinh phí và mất một diện tích đất lớn. Khi xây xong, nhà máy sẽ phải dùng điện 24/24h để hoạt động, trong khi thiết bị của Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản chỉ chạy 6 tiếng/ngày. Kể cả chúng ta tách được nguồn nước thải sinh hoạt như vậy thì dòng sông vẫn tồn tại 3 vấn đề đó là: mùi hôi, chất lượng nước không thay đổi và lượng bùn vẫn còn.

Khi dùng Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, các thiết bị "Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ Nano - Bioreactor" sẽ đặt chìm trong lòng sông nên không ảnh hưởng tới mỹ quan, mặt khác càng về hạ nguồn thì có thể giảm mật độ đặt thiết bị do có thể lợi dụng tốc độ dòng chảy của dòng sông từ đó góp phần tiết kiệm được ngân sách nhà nước nếu đầu tư bằng công nghệ Nhật Bản.

Đánh giá về 1 số chuyên gia cho rằng "khi sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor phải thường xuyên bổ sung các vi sinh và hoạt động liên tiếp", tiến sĩ Tadashi Yamamura cho là không chính xác.

“Tôi cho rằng nhiều người đang hiểu sai hoặc hiểu chưa đầy đủ về công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Bằng công nghệ này, chúng tôi đã thực hiện thành công ở một số nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Indonesia…Công nghệ của chúng tôi có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 9 lần lượng nước chảy vào, tốc độ xử lý là nhanh bằng 6 lần tốc độ âm thanh, nên lượng nước chảy vào sẽ được xử lý ngay trong ngày và sẽ không còn ô nhiễm. Công nghệ này được ví như "nhà máy xử nước thải" ngay dưới lòng sông”, tiến sĩ Tadashi Yamamura nhấn mạnh.

Vị chuyện gia Nhật Bản cho biết thêm, nước sẽ được “tự làm sạch” hết mùi hôi thối mặc dù nước thải hàng ngày vẫn chảy xả vào sông Tô Lịch: Do lắp đặt các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor, các máy sục khí công nghệ nano ở dưới lòng sông, nên dù vẫn có nước thải chảy xả vào sông hồ hàng ngày, nhưng do lượng bùn tích tụ ở tầng đáy gây ra mùi hôi thối đã bị phân hủy nên dưới tác động của các bọt khí kích thước nano và chất xúc tác Nano Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải tức thì các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O. Do vậy không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

“Trong dự án xử lý hồ điều hoà Hùng Thắng xả trực tiếp ra Vịnh Hạ Long, sau khi áp dụng Công nghệ Nano-Bioreactor của chúng tôi, chúng tôi còn đo được nồng độ oxi hoà tan trong nước (DO) lên tới 11,35 mg/l. Trong khi đó QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt quy định mức cao nhất là cột A1 chỉ có 6mg/l. Công nghệ nano tạo ra oxi trực tiếp kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, yếu tố công nghệ Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật kị khí và cả 2 yếu tố này đều tạo ra oxi. Đặc biệt yếu tố Bioreactor có khả năng kích hoạt gần như 100% các vi sinh vật trong môi trường. Các vi sinh vật làm nhiệm vụ tiết ra enzim, chúng làm điện ly các phân tử nước để giải phóng oxi trong nước. Bản thân công nghệ này tạo thành hệ thống tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông”, tiến sĩ Tadashi Yamamura cho hay.

Vị chuyên gia này cho biết, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu đặc điểm hệ thống xả thải nước để lắp đặt máy móc với công suất phù hợp, tiết kiệm. Tại các dự án mà mà các chuyên gia Nhật Bản trên đang triển khai tại một tỉnh phía Bắc của Việt Nam, trong khi công nghệ xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 10.000m3/ngày đêm cần 3ha đất thời gian xây dựng kéo dài 8 năm với số tiền đầu tư là 38,5 triệu USD (870 tỉ đồng). Trong khi công nghệ này có khả năng xử lý đến 1.250.000 m3 (gấp hơn 100 lần) trong khi số tiền chỉ bằng 1/10, không cần sử dụng đất, lắp đặt trong vòng hai tháng.

Duy trì công nghệ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt tập trung, khi bắt đầu đi vào vận hành cho đến suốt quá trình hàng chục, hàng trăm năm là ngân sách Nhà nước chi trả một khoản lớn tính theo m3 nước thải xử lý. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông, hồ bằng Công nghệ Nano-Bioreactor chỉ cần chi phí rất nhỏ trong suốt quá trình vận hành.

Trong điều kiện Việt Nam còn khó khăn, ngoại trừ một số khu nhà máy công nghiệp nặng, độc hại, kim loại nặng đặc biệt thì vẫn duy trì xây dựng các khu nhà máy XLNT tập trung. Còn nước thải sinh hoạt, công nghiệp thông thường thì tận dụng luôn sông, hồ... là nơi lắp đặt "nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông, hồ, vịnh là giải pháp tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước Việt Nam.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định: "Công nghệ Nano -Bioreactor có thể xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch, không cần nạo vét cơ học nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể và sau khoảng thời gian 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy".

Kết quả cuối cùng của việc thí điểm công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreator của Nhật Bản sẽ được công bố vào ngày 17/9 tới đây. Việc đánh giá, phản biện về ưu nhược điểm của công nghệ này sẽ tiếp tục được thực hiện và liệu có áp dụng công nghệ này để xử lý nước sông Tô hay không vẫn còn phải chờ quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, người dân Hà Nội vẫn luôn mong “đến bao giờ sông Tô sẽ được hồi sinh?” và đó là mong muốn chính đáng./.

Theo Nguyễn Ngân/VOV.VN (Kỹ thuật: Tuấn Linh)

  • Từ khóa

Cận cảnh đường ống ngầm khổng lồ, thu gom toàn bộ nước thải làm sống lại sông Tô Lịch

Đường ống ngầm dài khoảng 15km với đường kính lớn nhất đạt 2,2m có nhiệm vụ thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông Tô Lịch.
18:31 - 19/04/2024
277 lượt xem

Shipper chạy ẩu, lấn chiếm vỉa hè: Đừng viện cớ mưu sinh

Đa số bạn đọc cho rằng một khi tham gia giao thông thì ai cũng phải tuân thủ luật giao thông và chịu chế tài nếu vi phạm.
15:42 - 19/04/2024
340 lượt xem

Du khách nước ngoài: Nếu biết vịnh Hạ Long ô nhiễm như vậy sẽ không đến

Một du khách nước ngoài đã phàn nàn về tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt nước ở vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ trên mạng xã hội, sau khi vừa kết thúc...
10:48 - 19/04/2024
449 lượt xem

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội...
10:05 - 19/04/2024
484 lượt xem

Nắng nóng lan rộng khắp miền Bắc

Miền Bắc nắng nóng diện rộng trở lại từ ngày 19/4, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng ghi nhận mức nhiệt cao nhất trên 35 độ C. Tình trạng này khả năng kéo dài...
06:30 - 19/04/2024
560 lượt xem