24
/
62045
Trung Quốc cũng “hồi hộp” trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều
trung-quoc-cung-hoi-hop-truoc-thuong-dinh-my-trieu
news

Trung Quốc cũng “hồi hộp” trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ 7, 09/06/2018 | 08:24:36
510 lượt xem

Trung Quốc có thể sẽ phải cẩn trọng trước những hệ quả không ngờ từ thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm hòa và nhất trí phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sau hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6, lợi ích sẽ lan tỏa cho cả khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, hay ít nhất theo lẽ phải thông thường là như vậy.

trung quoc cung hoi hop truoc thuong dinh my trieu hinh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty Images)

Bắc Kinh có thể chứng kiến mối đe dọa chiến tranh ở khu vực biên giới gần như biến mất, các lệnh trừng phạt thương mại được dỡ bỏ và đồng minh Bình Nhưỡng bước vào một giai đoạn mới ổn định.

Nhưng không đơn giản có vậy. Các nhà phân tích ở châu Á cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải cẩn trọng trước những hệ quả không ngờ từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Quân đội Mỹ “rảnh tay” hơn ở Biển Đông

“Sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên có thể có ý nghĩa là Mỹ thoải mái theo đuổi sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hơn bây giờ” – Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học Freie ở Berlin, Đức, nhận định.

Sự cạnh tranh này đã diễn ra từ trước đó, khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vì Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

“Việc xếp đặt các hệ thống vũ khí đó liên hệ trực tiếp đến việc sử dụng quân đội vì mục đích hăm dọa và áp bức” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố thẳng thừng tại diễn đàn quốc phòng Đối thoại Shangri-La tại Singapore tuần trước. Ông khẳng định, đó là một thách thức mà Mỹ sẵn sàng đứng ra giải quyết ngay bây giờ và trong cả tương lai.

“Đừng phạm sai lầm! Mỹ đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là để ở lại đây” – ông Mattis nêu rõ.

Corey Wallace và nhiều nhà phân tích khác cho rằng việc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên được xoa dịu sẽ “giải phóng” hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ đang làm nhiệm vụ ở đây để triển khai đến những nơi khác.

“Những binh sỹ đó hiện vẫn cam kết đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và nhiều khả năng khi có các cuộc xung đột liên quan tới Trung Quốc thì sẽ rất khó để Mỹ điều động họ” – Timothy Health, nhà phân tích quốc phòng gạo cội tại cơ quan nghiên cứu RAND Corp.

Khi trách nhiệm bảo vệ Hàn Quốc được giảm bớt, những binh sỹ này có thể được dùng để thể hiện sức mạnh của Mỹ ở những vùng khác của châu Á – Thái Bình Dương như là Nhật Bản, Singapore, Australia và Philippines, mà điều này sẽ đặt ra một mối quan tâm mới trong việc cản trở ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

“Quân đội Mỹ sẽ không chỉ đơn giản là thu xếp hành lý trở về nhà” – chuyên gia Wallace khẳng định chắc nịch.

Triều Tiên trở nên đa cực hơn?

Bắc Kinh cũng sẽ phải lo lắng vì đồng minh lâu năm ở Bình Nhưỡng bỗng chốc ngả về mối quan hệ mới hữu nghị với Washington.

“Việc thiết lập lại mối quan hệ đó có thể tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc nếu Triều Tiên bắt đầu đưa ra những quyết định ưu tiên Mỹ hơn Trung Quốc để duy trì các mối quan hệ tốt” – chuyên gia Health nhận định. “Như những nước khác ở châu Á, Triều Tiên cũng có lợi ích khi tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ để cân bằng với quyền lực của Trung Quốc”.

Một ví dụ là Triều Tiên có thể bắt đầu đàm phán những thỏa thuận với Mỹ và phương Tây béo bở hơn những gì Bình Nhưỡng đang được nhận từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, một đối tác mà họ phải phụ thuộc rất nhiều bao lâu nay.

Liên minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương được củng cố

Trung Quốc vốn đang có một lợi thế từ tuyên bố của Triều Tiên rằng có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến tận New York hay Chicago, Mỹ. Tuyên bố đó đã tạo ra tâm lý bất an giữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng liệu Washington có thực sự “chống lưng” cho họ khi các nước này bị tấn công hay không.

Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải tự hỏi: “Liệu Mỹ có đánh liều để mất một thành phố lớn nhằm bảo vệ chúng ta?” – “Câu trả lời là Không”, Sam Roggeveen, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia khẳng định.

Về mặt lý thuyết, khi đó Trung Quốc cũng phải đánh cược về việc liệu Mỹ có hỗ trợ Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc) hay không?

Nhưng khi những nghi ngại ấy được rũ bỏ, liên minh của Mỹ ở khu vực này càng trở nên vững chắc, đặc biệt là khi liên minh ấy đối mặt với một thách thức chung mang tên Trung Quốc.

Trong khi Triều Tiên chỉ là mối đe dọa đối với các nước Đông Bắc Á thì ảnh hưởng của Trung Quốc bao trùm khắp châu Á và điều đó rất có khả năng sẽ thúc đẩy nhiều nước cuốn vào quỹ đạo của Mỹ hơn.

Một kết quả “ác mộng” đối với cả Trung Quốc và liên minh của Mỹ?

Theo chuyên gia Wallace, có một khả năng kết quả thượng đỉnh trở thành cơn “ác mộng” đối với cả Trung Quốc và liên minh của Mỹ.

Đó là một kế hoạch phi hạt nhân hóa từng phần, mà ở đó Triều Tiên từ bỏ các tên lửa tầm xa có thể đánh đến tận lục địa của Mỹ nhưng vẫn giữ lại các tên lửa tầm ngắn có thể đe dọa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Viễn cảnh đó có thể khuyến khích cả 2 đồng minh của Mỹ phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ và khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Rõ ràng, càng có nhiều nước theo đuổi năng lực hạt nhân thì khu vực càng bất ổn.

“Điều này có thể dẫn tới các hiệu ứng hàng loạt mà hậu quả là rất khó lường” – chuyên gia Wallace cảnh báo.

Trung Quốc chờ đợi điều gì?

“Một Thượng đỉnh không đem lại kết quả rõ ràng nào mà vẫn hạ nhiệt được khu vực này” – chuyên gia Roggeveen nhận định.

Có lẽ bởi vì chừng nào Mỹ còn bận rộn ưu tiên hồ sơ Triều Tiên thì chừng đó Trung Quốc còn tiếp tục làm điều mà nước này đã và đang làm trong vài năm trở lại đây. Đó là củng cố vị thế ở Biển Đông, tăng cường áp lực ngoại giao và diễn tập quân sự, đưa tàu và máy bay chiến đấu ra biển Hoa Đông thách thức các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản và xây dựng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này, song hành với việc thắt chặt quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước ở châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện tại Trung Quốc coi chương trình hạt nhân Triều Tiên là “một công cụ hữu ích cho mục đích lớn hơn của nước này”, chuyên gia Roggeveen nhận định. Mục đích lớn hơn đó là cản trở kế hoạch của Mỹ nhằm trở thành “cường quốc chiến lược” ở châu Á và “nẫng tay trên” vị trí đó của Washington./.

Diệu Hương/VOV.VN (Theo CNN)

  • Từ khóa

Tổng thống Iran dọa xóa sổ Israel

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo nếu Israel tấn công Iran một lần nữa, thì 'không rõ nước này còn sót lại gì hay không'.
11:05 - 24/04/2024
28 lượt xem

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine, Israel

Cuối ngày 23.4 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài, trong đó có các khoản chi cho Ukraine, Israel và an ninh tại Ấn Độ...
10:10 - 24/04/2024
46 lượt xem

Trung Quốc căng mình chống lũ

Mưa lớn đã trút xuống miền nam Trung Quốc những ngày qua, gây ngập lụt và đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người, chính quyền và người dân đang căng...
09:20 - 24/04/2024
58 lượt xem

Chính thức bắt đầu xét xử hình sự ông Trump

Ngày 22.4 (giờ Mỹ), phiên tòa xử vụ án hình sự về cáo buộc chi tiền bịt miệng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bắt đầu ở New York với sự xuất...
07:51 - 24/04/2024
110 lượt xem

Mỹ, Nga đối đầu tại LHQ về vũ khí hạt nhân trong không gian

Mỹ và Nga sẽ đối mặt tại Liên Hiệp Quốc ngày 24-4 khi Hội đồng bảo an bỏ phiếu nghị quyết kêu gọi các nước không chạy đua vũ trang không gian.
08:24 - 24/04/2024
114 lượt xem