19
/
66332
Giai thoại thú vị về các danh họa Việt Nam
giai-thoai-thu-vi-ve-cac-danh-hoa-viet-nam
news

Giai thoại thú vị về các danh họa Việt Nam

Thứ 3, 16/10/2018 | 14:21:53
787 lượt xem

Gần gũi với không chỉ các nhà văn mà còn với các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, Đỗ Chu đã kể lại nhiều câu chuyện thú vị trong tập tùy bút "Tản mạn trước đèn" của mình.

Trong cuốn tùy bút này, Đỗ Chu đã kể lại một câu chuyện nhỏ nhưng nổi bật về cá tính độc đáo của danh họa Nguyễn Sáng.

Đó là khi Nguyễn Sáng đang tham gia giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, có một họa sĩ nước ngoài sang làm chuyên gia, mà theo lệnh trên là phải nhất nhất nghe theo ông thầy đó.

"Thấy có điều chối, Nguyễn Sáng bèn mời vị chuyên gia kia về chơi nhà mình, mời khách xem một bức anh vừa vẽ, vẽ rất thực, rất cơ bản, vẽ kỹ từng chi tiết, một bút pháp đạt đến bậc thầy về ánh sáng, về bố cục, về hình họa, về màu. Ông thầy khen nức nở và lấy làm tâm đắc. Rồi Sáng lại lẳng lặng mở tiếp bức thứ hai, một bức sơn mài ủ bằng mấy mảnh bao tải xếp tựa vào tường. Trong bức đó Sáng vẽ một thiếu nữ Hà Nội áo dài đỏ đang ngồi, vây xung quanh là bốn con hổ vờn: hổ trắng, hổ đen, hổ xám, hổ vàng. Một bức tranh độc nhất vô nhị, vẽ bằng một bút pháp rất Sáng, chỉ riêng của mình Sáng và anh ấy nói với người bạn kia bằng tiếng Pháp: Bức kia tưởng vậy chứ tôi vẽ được mà anh và mọi người cũng đều vẽ được, còn bức này thì khác, chỉ có tôi mới vẽ được, và tôi chính là tác giả của nó".

Theo tác giả Tản mạn trước đèn, bức tranh đó đã được Chính phủ mua làm quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng Thủ tướng Thụy Điển Olof Palmer. Khi bức tranh được đóng gói để chuyển sang nước bạn, thì "Sáng ngồi lừ lừ ở một góc nhà với một chai rượu làng Vân nấu từ sắn. Anh ấy đã khóc, khóc lặng lẽ, khóc trong niềm kiêu hãnh, trong hạnh phúc của một kẻ cô đơn sáng tạo".

Viết về tác phẩm nổi bật của Nguyễn Sáng, bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Đỗ Chu bình luận: "Phải chờ đến gần mười năm sau chiến thắng Điện Biên, mới có một bức tranh như thế. Một bức rất Điện Biên, một Điện Biên hoành tráng nhất. Đề tài lớn, chủ đề lớn là của những tài năng lớn. Tài hèn sức mọn không kham nổi...".

Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: VOV.

"Chỉ bằng mấy người chiến sĩ đứng dưới giao thông hào, bông băng quấn đầy mình, vách chiến hào phủ một lá cờ lớn, Sáng đã nói được đầy đủ một tinh thần Điện Biên, và còn nói rộng hơn, tinh thần của cả dân tộc, của thời đại. Bức tranh đó là một thành tựu trong những thành tựu đứng ở hàng đầu, ở chiếu một của Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi lần nhìn vào tác phẩm đó, chúng ta cảm thấy mạnh mẽ lên, không sợ hãi bất kỳ một trường phái nào".

Kể về nhiều câu chuyện liên quan đến các văn nghệ sĩ, Đỗ Chu điểm qua câu chuyện danh họa Bùi Xuân Phái góp ý bức tranh của Văn Cao, ông khen "Con ngựa cũng đẹp" thì Văn Cao chỉnh lại: "Không phải đẹp mà nên nói là nó xinh. Thấy không, ngựa đực đấy chứ, vậy mà nó xinh và đáng yêu như một cô gái".

Trong khi đó, nhà thơ Quang Dũng, những năm đầu kháng chiến, đã tự học vẽ và rất mê vẽ. Một đêm, họa sĩ Văn Đa đang ngủ thì bị Quang Dũng đánh thức dậy. "Trước mặt anh, trên vách nứa nhà sàn là bức tranh Quang Dũng vừa vẽ xong, một cô gái Thái tươi tắn được vẽ bằng thuốc nước. Nhà thơ kiêm họa sĩ ấy từ từ hạ tấm thân đồ sộ cao tám thước của mình, quỳ xuống, thắp một nén hương làm lễ tạ người đẹp", một giai thoại đẹp cho độc giả biết sự tôn sùng cái đẹp của Quang Dũng.

Đỗ Chu cũng phát hiện ra điểm đặc biệt trong mối quan hệ giữa các họa sĩ với nhau. Ông kể rằng: "Tôi để ý thấy các họa sĩ gọi nhau, thường nhắc tới nhau cũng như nhắc tới các bạn hữu bằng một cái tên cộc lốc, đôi khi vui lên họ còn gọi nhau là thằng.

Mới nghe chờn chợn, mà sợ lắm. Khác hẳn với các nhà văn nhà thơ, ưa nhau hay không ưa mặc dầu, nhưng chúng tôi thường không dám xách mé như vậy. Đằng này thì không thế, cứ tên cúng cơm mà phang. Thằng Sáng dạo này đang làm sơn dầu lớn lắm, nó vẽ thiếu nữ Hà Nội. Thằng Phái thì vẫn cứ Phố Phái... Thì đã sao, nghe mãi quen tai lại vẫn nhận ra sau những lời ấy có đầy đủ sự thân mật và quý mến. Cái tình bằng hữu anh em giữa họ với nhau đã có từ lâu - mình là một thằng nhóc con làm sao mà hiểu được. Chỉ biết là họ rất nể trọng nhau. Mà không giả dối khôn khéo một chút nào mới hay chứ".

Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh năm 1944 tại Bắc Giang, là nhà văn trưởng thành từ quân đội, nổi tiếng với các tác phẩm truyện ngắn và tùy bút, bút ký. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 cho hai tác phẩm Tản mạn trước đèn và Một loài chim trên sóng.

Theo Lê Tiên Long/ Zing

  • Từ khóa

Gây sốt toàn cầu, bộ phim "Nữ hoàng nước mắt" thu lợi nhuận bao nhiêu?

"Nữ hoàng nước mắt" được xem là bộ phim "hot" nhất của truyền hình Hàn Quốc hiện nay khi chiếm sóng các mạng xã hội châu Á. Còn 2 tập nữa, phim kết thúc...
08:17 - 25/04/2024
22 lượt xem

Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Tô Ngọc Thanh qua đời ở tuổi 90

GS Tô Ngọc Thanh, con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, người cả đời gắn bó với văn hóa dân gian, vừa qua đời sáng 24/4 tại Hà Nội.
16:59 - 24/04/2024
415 lượt xem

'Bỏ túi' những địa điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội dịp 30/4 - 1/5

Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử, cùng với những di tích lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến những nơi sôi động thu hút đông đảo giới trẻ, du...
14:59 - 24/04/2024
444 lượt xem

Về Điện Biên dịp lễ 30-4 và 1-5 trong không khí đại lễ hào hùng

Mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, để du khách hòa mình vào không khí đặc biệt của sự kiện 70 năm...
12:10 - 24/04/2024
519 lượt xem

Chuyện của Pao dự Liên hoan phim ASEAN ở London

Tối 22-4 (giờ địa phương), Liên hoan phim ASEAN 2024 khai mạc tại London, với sự tham dự của gần 200 khách mời là đại diện các phái đoàn ngoại giao tại...
09:35 - 24/04/2024
608 lượt xem