11
/
57260
Đau đầu hướng nghiệp sớm cho học sinh
dau-dau-huong-nghiep-som-cho-hoc-sinh
news

Đau đầu hướng nghiệp sớm cho học sinh

Thứ 6, 19/01/2018 | 18:54:37
522 lượt xem

Thời gian hạn hẹp, tiền không có, phụ huynh không hài lòng vì đã 'chọn sẵn' nghề cho con..., quá nhiều thứ 'đè' lên giáo viên khi muốn hướng nghiệp sớm cho học sinh.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội được nghệ nhân hướng dẫn làm gốm - Ảnh: HUY TRẦN

Nhiều thầy cô ở phổ thông đều nhìn thấy rõ việc hướng nghiệp sớm cho học sinh mới thực sự là hướng nghiệp, nhưng để làm được điều này thì quá nhiều khó khăn.

Không ít giáo viên chủ nhiệm ở Hà Nội khi đề cập đến "hướng nghiệp sớm" đều đồng tình, nhưng tất cả họ cho rằng rất khó làm vì vướng nhiều thứ: kinh phí không có (nếu thu của cha mẹ học sinh thì dễ bị kiện lạm thu), chương trình học quá nặng, áp lực thi cử rất nhiều, nên không ai dại gì lo hướng nghiệp với trải nghiệm. 

Họ chỉ tập trung dạy đủ chương trình, lo ôn tập để học sinh thi cuối cấp, thi tuyển đầu cấp thuận lợi, để xét tuyển vào đại học có điểm tốt nhất.

"Khi tôi đưa học sinh đến trải nghiệm ở FPT, các em mới biết những thay đổi rất lớn về công nghệ so với những gì đã được học trong chương trình. Nhưng nói thật, với những trường công lập, để tổ chức một chuyến thực tế rất khó khăn vì kinh phí chi thường xuyên không có những mục như thế. 

Trong khi xin tiền phụ huynh là việc rất nhạy cảm, thậm chí rủi ro, vì chỉ cần một phụ huynh không đồng ý nhưng không trao đổi với nhà trường mà sử dụng kênh khác để phản ảnh thì sự việc sẽ bị hiểu theo nghĩa tiêu cực" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, cho biết.

Câu chuyện của hiệu trưởng Trường Yên Hòa không xa lạ với nhiều hiệu trưởng trường công. Một hiệu trưởng trường THPT không muốn nêu tên thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói thẳng: "Không chỉ chuyện đóng tiền phụ huynh mới có ý kiến đâu, nếu chúng tôi cho học sinh đi trải nghiệm, hướng nghiệp nhiều, phụ huynh cũng sẽ kêu, lo lắng... 

Vì đa số phụ huynh học sinh từ lớp 10, 11 đã chăm chăm cho con học các môn sẽ dự tuyển vào một trường đại học nào đó, mục tiêu của họ chỉ là học các môn học này. Việc nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ học sẽ bị xem là... xao nhãng việc học chính!".

Còn theo cô Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, các trường phổ thông ít nhận được sự chào đón, giúp đỡ của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn nào đó nếu trường đề nghị cho học sinh đến thực tế, tìm hiểu. 

"Xin" được hay không lệ thuộc vào tài "ngoại giao" của từng hiệu trưởng, nhưng cũng không dễ. Bởi nếu chỉ cho học sinh đến "cưỡi ngựa xem hoa" thì không hiệu quả, mà các em cần có người hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ thông tin, thậm chí được tham gia thực hành. Nhưng việc này vô cùng khó!

TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp của chúng ta hiện nay còn đi ngược lại với thế giới. Đó là không phát huy được sự chủ động của học sinh, chưa hướng dẫn học sinh tự tạo ra công việc của mình. 

Hiện tại không có định mức cho giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông nên thiếu giáo viên chuyên trách. Giáo viên được giao phụ trách hướng nghiệp thì không được đào tạo bài bản, không cập nhật thông tin, không am hiểu thị trường lao động, điều kiện làm việc... 

Giáo dục hướng nghiệp còn nặng sách vở, hình thức, học sinh ít trải nghiệm, không có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và phụ huynh.

Đã ít còn bị cắt bớt!

Năm 2006, chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được ban hành, bắt đầu từ lớp 9 với 27 tiết/năm học, tức cứ 1 tháng học sinh được học 3 tiết. Đến năm 2008, thời lượng hướng nghiệp bị cắt xuống còn 1 tiết/tháng. Thay vào đó, sẽ tích hợp hướng nghiệp vào các môn học khác có liên quan. Nhưng tích hợp như thế nào thì không có hướng dẫn cụ thể, mà tùy thuộc vào từng trường thực hiện.


Theo Vĩnh Hà/ Tuổi Trẻ

  • Từ khóa

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
357 lượt xem

Tuyển sinh lớp 10: 'Cân não' lựa chọn nguyện vọng

Ngày 19.4 là thời điểm đồng loạt học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học tới. Việc 'cân não' để lựa chọn...
07:47 - 18/04/2024
400 lượt xem

Kiên trì con đường đổi mới

Sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trong Chương trình GDPT 2018 được xem là một điểm sáng.
15:21 - 17/04/2024
810 lượt xem

Quá tải tuyển sinh đầu cấp, nội thành Hà Nội vẫn "khát" học sinh

Học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn mỗi năm nhưng một số quận nội thành rơi vào tình trạng thiếu người học nếu tuyển sinh đúng...
14:55 - 17/04/2024
842 lượt xem

Thi đánh giá năng lực: Có điểm rồi, sử dụng ra sao?

Hiện có 105 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Năm nay các trường sẽ xét tuyển...
11:06 - 17/04/2024
895 lượt xem