4
/
78488
Doanh nghiệp Việt cần chủ động để nắm bắt cơ hội từ EVFTA
doanh-nghiep-viet-can-chu-dong-de-nam-bat-co-hoi-tu-evfta
news

Doanh nghiệp Việt cần chủ động để nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Thứ 5, 29/08/2019 | 06:39:59
748 lượt xem

Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, năng lực công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, Hiệp định này cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, và doanh nghiệp của nước ta. Đó là những sức ép đến từ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ khi bước vào “sân chơi” này. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp của nước ta lúc này là làm thế nào để đạt “chuẩn” khi tham gia vào một thị trường khó tính hàng đầu thế giới.

nam bat co hoi tu evfta: doanh nghiep can thay doi tu duy kinh doanh hinh 1

EVFTA thúc đẩy Việt Nam thực hiện cải cách để mang lại những động lực phát triển đất nước trong thời gian tới.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%.

Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bước ký kết Hiệp định mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau khi phê chuẩn Hiệp định này, cần chuẩn bị ngay các bước để có thể triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

“Dù mới chỉ là những phân tích và dự báo, nhưng EVFTA đã có ý nghĩa, tác động rất lớn về nhiều khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng của xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc mở rộng thị trường sẽ góp phần mở rộng năng lực của các ngành sản xuất của Việt Nam. Với những tác động trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách để mang lại những động lực phát triển đất nước trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, châu Âu là “trái tim” của nền kinh tế thế giới, một thị trường lớn và là khởi nguồn của những công nghệ hàng đầu trên thế giới và là trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu.

Chính vì vậy, thiết lập được nền tảng thương mại tự do với thị trường này một mặt mở ra được thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, một mặt nâng cao chất lượng của dòng chảy thương mại và đầu tư. Để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

“Các DN cần hiểu rõ quá trình cạnh tranh quốc tế nên cần nâng cao nhận thức. VCCI đang gấp rút hơn trong việc chuẩn bị chương trình hành động, mong muốn đưa Việt Nam trở thành một mẫu hình trong tổ chức, thực hiện FTA mang tính dẫn dắt trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc cho biết.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các cam kết trong Hiệp định mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, cuối cùng là mang lại lợi ích cho xã hội và người sử dụng.

“Một quy định quan trọng trong EVFTA là việc cân bằng quyền giữa chủ sở hữu và công đồng. Khi sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam không chỉ đón EVFTA mà còn phù hợp với CPTPP đã có hiệu lực. Lộ trình 3 năm hay 5 năm tùy theo nhóm đối tượng”, ông Lâm cho hay.

Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay. Việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.

Có thể thấy rằng, trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ tăng cao nên phải có sự chuẩn bị trước.

“Trong quy định mới của EU lần đầu tiên có quy định liên quan đến xã hội và môi trường với hàm ý, nước nào dùng cách hạ tiêu chuẩn về lao động, môi trường, làm chi phí thấp xuống thì những công cụ này sẽ là căn cứ để xử phạt”, ông Thái thông tin.

Để nắm bắt được cơ hội từ Hiệp định EVFTA, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh. Ngay từ bây giờ, lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác. Để nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quản trị, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài./.

Theo Thành Trung/VOV.VN

  • Từ khóa

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66%

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ.
20:55 - 29/03/2024
37 lượt xem

Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu nhưng không vượt ngưỡng trần cho phép

Bộ Công Thương sẽ đưa ra công thức - trên cơ sở đó, doanh nghiệp đầu mối tự tính toán dựa trên thực tế kinh doanh để đưa ra mức giá không vượt quá ngưỡng...
18:41 - 29/03/2024
90 lượt xem

GDP quý 1 tăng 5,66%, nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến 1.4 - thời hạn cuối để các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân theo quy định.
13:25 - 29/03/2024
245 lượt xem

Tăng kim ngạch xuất khẩu vào Canada: Cần tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP

Có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada không khai thác được lợi ích CPTPP, do đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc...
12:15 - 29/03/2024
246 lượt xem

Đề xuất mới về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bên cạnh đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất quan trọng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
10:42 - 29/03/2024
298 lượt xem