4
/
91882
Tái thiết lập nền kinh tế sau đại dịch Covid-19
tai-thiet-lap-nen-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19
news

Tái thiết lập nền kinh tế sau đại dịch Covid-19

Thứ 6, 22/05/2020 | 11:15:22
986 lượt xem

Đây là cơ hội để chúng ta vươn lên, không phải vượt qua những nền kinh tế yếu kém mà là những nền kinh tế đang đi trước.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam. Kết thúc quý I/2020, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của nước ta đều đạt thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2020 ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế chính. 

Khảo sát trên 126.565 doanh nghiệp (DN) cho thấy, có tới 85,7% DN bị tác động bởi dịch Covid-19, trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt, ở một số ngành, tất cả các DN bị ảnh hưởng như: hàng không (100% DN bị ảnh hưởng), dịch vụ lưu trú (97,1%); dịch vụ ăn uống (95,5%).

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, sang quý II, tác động của đại dịch với nền kinh tế nước ta sẽ còn nghiêm trọng hơn và các tác động về xã hội sẽ bộc lộ rõ ràng hơn. 

“Do tác động của đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thu hẹp sản xuất. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ giải thể, tạm thời đóng cửa. Hàng triệu người có thể mất việc hoặc không có đủ việc làm, thu nhập giảm xuống đáng kể nên đời sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn. Một số người có thể rơi vào tình trạng tái nghèo”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm nay, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Số lượng, quy mô của các vấn đề an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tăng lên đáng kể và phức tạp hơn. 

“Thu ngân sách sẽ giảm, chi ngân sách tăng, nhất là tăng chi cho phòng, chống dịch, chi an sinh xã hội, chi hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, lao động và công ăn việc làm, cung tiền, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, nợ xấu, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối... cũng sẽ thay đổi so với kế hoạch mà đầu năm dự kiến”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, tác động của dịch Covid-19 là rất lớn và khác so với những khủng hoảng tài chính trước đây. Để khống chế bệnh dịch, các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tiến hành biện pháp phong tỏa. Điều này dẫn đến ngưng trệ nền kinh tế, trong khi các chi phí như nhân công, chi phí tài chính, thuê nhà xưởng không hề giảm.

Tuy nhiên, trong nửa đầu quý I/2020, nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tác động bên ngoài đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. Chỉ bắt đầu vào tháng 3, khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm.

“Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam có độ trễ. Chúng tôi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ quý II/2020, cho dù thời điểm được kiểm soát được dịch bệnh là khi nào”, PGS. TS. Phạm Thế Anh Anh nêu ý kiến.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, dù đại dịch Covid-19 làm cho sức lực của nền kinh tế nói chung và của DN, người dân nói riêng có phần suy giảm, nhưng may mắn là kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. An ninh và an toàn hệ thống tài chính vẫn được duy trì.

“Đất nước và nền kinh tế đã chống chịu tốt trong đại dịch. Với những giải pháp Chính phủ quyết liệt triển khai trong thời gian qua, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ để sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy. Sức chống chịu của nền kinh tế và những bài học trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đặc biệt là trong những năm gần đây, sẽ là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch”, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đã làm tốt trong chống dịch Covid-19, nhưng không thể chủ quan. Để trở lại bình thường mới, vấn đề không phải là kết thúc, mà làm cách nào để thay đổi? Bởi thế giới hậu Covid sẽ là thế giới khác, do vậy, tình thế để Việt Nam tạo ra các giá trị phát triển nền kinh tế phải là sáng tạo công nghệ. 

“Là một nước mở cửa, hội nhập sau, kinh tế thị trường chưa đầy đủ, giờ Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế, lấy cấu trúc công nghệ để phát triển, đẩy mạnh kinh tế sau dịch bệnh”, PGS. TS. Trần Đình Thiên chỉ rõ.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, "trong nguy có cơ", song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là "trụ vững" chứ không phải là ra sức tìm kiếm "cơ trong nguy" theo nghĩa "kiếm chác". "Cơ" tầm chiến lược sẽ chỉ biến thành lợi ích thật sự khi nền kinh tế và đa số DN trụ vững trước “cơn cuồng phong” này. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh, hỗ trợ và bảo vệ DN trước những biến lường của thế giới, nương theo sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu để chuẩn bị chủ động cho mình. 

“Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nền kinh tế của hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng. Đây là cơ hội để chúng ta vươn lên, không phải vượt qua những nền kinh tế yếu kém mà là những nền kinh tế đang đi trước”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, vấn đề tạo sức mạnh cho lực lượng DN mới là vô cùng quan trọng, nó phải được đặt trong chuỗi các cấu trúc mới và phải được bình thường trong cái "mới", không phải trong cái "cũ". Chúng ta phải tạo ra hệ thống DN mới chứ không phải chỉ là phục hồi DN cũ.

"Covid-19 là cơ hội để chúng ta tìm "cơ" trong "nguy", Việt Nam cần tập trung tạo cơ hội cho các DN thông qua các chính sách mới phù hợp, qua đà này, chúng ta cần "thay máu" tạo sức mạnh cho lực lượng DN mới", PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI.

5 mũi đột phá này, theo các chuyên gia, là “đủ, đúng và trúng”. Tuy nhiên, trong 5 mũi giáp công này, thu hút đầu tư nước ngoài hay đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc vào bên ngoài. Nếu Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch này, thì tiến trình hồi phục của nền kinh tế không thể nhanh và mạnh ngay được. Do đó, giải pháp phục hồi kinh tế trong tầm tay chính là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đầu tư công và kích cầu nội địa.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững, cần tiếp tục thực hiện nhanh và nhất quán các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, kéo thêm gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong thời gian đủ dài để tăng cường sức chống chịu của doanh nghiệp, tăng tích lũy cho doanh nghiệp. 

Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng tưởng ở mức hợp lý, qua đó ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin thị trường, niềm tin tiêu dùng. 

“Cần hành động ngay để không bỏ lỡ cơ hội mới từ các chuyển dịch của kinh tế thế giới sau đại dịch. Nên sớm đánh giá và hoàn thiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới sau đại dịch”, TS. Trần Đình Cung khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường tiêu thụ vẫn luôn là khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm này. Do đó, Chính phủ cần coi kích cầu tiêu dùng là đòn bẩy quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh thương mại quốc tế còn gặp khó khăn. Chính phủ cùng các bộ, ngành nên sớm phát động những tháng cao điểm của phong trào vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”… để tiếp sức cho DN Việt.

Bên cạnh đó, cần giải ngân nhanh chóng và hiệu quả 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để sớm hoàn thành các dự án đầu tư, điều này sẽ có tác động lan tỏa lớn, hỗ trợ tăng trưởng trước mắt và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Phải thay đổi cách thức quản lý đầu tư công, không để quá trình đầu tư công gặp nhiều điểm chết như hiện nay với những thủ tục dày đặc và kéo dài, xin hết chỗ này sang chỗ khác khiến có những dự án mà ai cũng thấy quan trọng và phải làm, chẳng hạn như dự án chống hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long mấy năm cũng vẫn chưa thực hiện”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Như nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có thời cơ vàng để bứt phá về kinh tế song song với những kết quả đáng tự hào của công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ Chính phủ tới DN và người dân; các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để Việt Nam thêm lần nữa giành được thắng lợi trên mặt trận phục hồi kinh tế sau đại dịch./.

Theo VOV.VN

https://magazine.vov.vn/20200522/kinhtecovid/index.html

  • Từ khóa

GDP quý 1 tăng 5,66%, nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến 1.4 - thời hạn cuối để các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân theo quy định.
13:25 - 29/03/2024
26 lượt xem

Tăng kim ngạch xuất khẩu vào Canada: Cần tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP

Có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada không khai thác được lợi ích CPTPP, do đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc...
12:15 - 29/03/2024
42 lượt xem

Đề xuất mới về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bên cạnh đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất quan trọng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
10:42 - 29/03/2024
99 lượt xem

Nhiều ngân hàng rà soát để hủy thẻ, xóa tài khoản rác

Sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động thông tin cho khách hàng các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ, nhiều ngân hàng cho biết...
09:10 - 29/03/2024
156 lượt xem

Gạo Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu truyền thống

Philippines đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo, tìm đến những nhà cung ứng tiềm năng, ngoài Việt Nam, điều này tạo nên sức ép cạnh tranh cho ngành...
07:17 - 29/03/2024
183 lượt xem