4
/
86762
Thị trường Ấn Độ: Cánh cửa lớn rộng mở cho nông, thủy sản Việt Nam
thi-truong-an-do-canh-cua-lon-rong-mo-cho-nong-thuy-san-viet-nam
news

Thị trường Ấn Độ: Cánh cửa lớn rộng mở cho nông, thủy sản Việt Nam

Thứ 4, 19/02/2020 | 14:29:51
465 lượt xem

Giới chuyên gia cho rằng, Ấn Độ là một trong những thị trường rất lớn, có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng tới.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang có tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những ngày qua, công tác xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi hoạt động thương mại biên giới phải tạm ngưng để ứng phó với dịch bệnh.

Đứng trước tình hình này, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các cơ quan thương vụ tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa. Các thương vụ cần rà soát các thị trường còn dư địa hoặc có tiềm năng mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam.

Tín hiệu mới nhất là vừa qua, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc song phương với các cơ quan, hiệp hội liên quan của Ấn Độ để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tháo gỡ khó khăn tiêu thụ cho nông, thủy sản Việt Nam. Hai bên đã có chung nhận định, Ấn Độ sẽ là một thị trường mới để cho Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.

xuat khau vao an do can luu y van hoa tieu dung hinh 1

Thanh long Việt Nam là một trong những mặt hàng được thị trường Ấn Độ đánh giá cao.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Ấn Độ, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận thị trường Ấn Độ. Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương Ấn Độ hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá ba sa nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, qua các buổi làm việc và tọa đàm giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ và các chuỗi siêu thị bán lẻ cho thấy, Việt Nam và Ấn Độ cùng đánh giá cao thị trường và các mặt hàng xuất khẩu của nhau.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao chất lượng, hương vị của các mặt hàng trái cây của Việt Nam như thanh long, quả vải và mong muốn có nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho thanh long tại thị trường Ấn Độ, mong muốn Việt Nam sớm xin cấp phép nhập khẩu quả vải vào Ấn Độ.

Cần lưu ý văn hóa tiêu dùng của người Ấn Độ

Nhận định về chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, chủ trương đa dạng hóa thị trường của Việt Nam đã có từ lâu nhưng khả năng thực hiện chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, qua diễn biến của dịch Covid-19 lần này có thể thấy rằng, Việt Nam không thể không đa dạng hóa và cơ cấu lại thị trường. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường rất lớn có nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể hướng tới.

Theo phân tích của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Ấn Độ luôn là một thị trường lớn với dân số lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam từ nhiều năm qua luôn luôn được củng cố và phát triển tốt đẹp.

“Điều này đã tạo ra mối quan hệ giữa hợp tác hết sức hiệu quả cho các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam, khi kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước không ngừng tăng lên, đây là tín hiệu tốt để nhìn nhận và kì vọng về một thị trường có nhiều tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nói.

xuat khau vao an do can luu y van hoa tieu dung hinh 2

Thị trường Ấn Độ nhập khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh minh họa: AFP)

Thuận lợi lớn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Ấn Độ theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng đó là, Ấn Độ từ nhiều năm qua có khả năng nhập khẩu rất lớn các mặt hàng gia vị thực phẩm. Thị trường này tiêu thụ gia vị lớn và xuất khẩu cũng rất lớn, nhưng trong đó, những mặt hàng gia vị của Việt Nam luôn được thị trường Ấn Độ chú ý và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, các mặt hàng hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, vú sữa và một số sản phẩm của khu vực ĐBSCL của Việt Nam khi triển khai xúc tiến thương mại, thăm dò tại thị trường Ấn Độ đã cho thấy nhiều triển vọng để tiếp cận và duy trì hoạt động xuất khẩu với Ấn Độ.

Đặc biệt, cơ quan tham tán thương mại của Việt Nam tại Ấn Độ đã có quan hệ mật thiết và lâu dài với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nước này. Mối quan hệ đó đã, đang và sẽ là cơ sở và là tiền đề khả quan cho việc thúc đẩy các hoạt động thương mại giữa hai bên, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam vào Ấn Độ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam coi Ấn Độ là tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý đến văn hóa tiêu dùng của người Ấn Độ vì chủ yếu người dân ở quốc gia này theo đạo Hồi và đạo Hindu.

Ngoài trở ngại về văn hóa tiêu dùng, khi tiếp cận và xúc tiến hoạt động thương mại vào Ấn Độ, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ việc thị trường này khi không có quá nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa cũng các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật. Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hệ thống phân phối hàng hóa của Ấn Độ, bởi đây là khả năng tiếp cận hàng hóa của Việt Nam nhanh nhất với người tiêu dùng nước này.

“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ phương thức vận tải đường thủy sang Ấn Độ. Đây sẽ là phương thức vận chuyển ít tốn kém nhất mỗi khi có đơn hàng lớn. Nếu biết tận dụng, các doanh nghiệp còn có cơ hội nhập khẩu những mặt hàng có chất lượng cao từ Ấn Độ như ô tô giá rẻ, các thiết bị công nghệ, nguyên liệu may mặc, dệt nhuộm, bông sợi, điện tử…”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng khuyến cáo./.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2019 đạt 9,42 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 5,80 tỷ USD, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 3,62 tỷ USD.

Điện thoại di động là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu có giá trị lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỷ USD. Xuất khẩu sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 10, 12 triệu USD. Xuất khẩu thanh long đạt 4,16 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ sắt thép các loại; nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và dược phẩm, ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô....

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-an-do-canh-cua-lon-rong-mo-cho-nong-thuy-san-viet-nam-1011968.vov

  • Từ khóa

Chú trọng chất lượng, vị thế hàng Việt ngày càng được nâng cao

Nhờ đầu tư vào công nghệ, chú trọng chất lượng, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng thế giới tin tưởng.
17:57 - 19/04/2024
322 lượt xem

Giá dầu tăng vọt sau tin Israel tấn công trả đũa Iran

Theo Đài CNN, giá dầu vào tối 18-4 (giờ Mỹ) tăng gần 4% và thị trường chứng khoán tại Mỹ giảm mạnh khi truyền thông đưa tin Israel tấn công Iran.
14:40 - 19/04/2024
406 lượt xem

Giá vàng hôm nay 19.4.2024: Sụt giảm trước ngày đấu thầu vàng miếng

Giá vàng trong nước sụt giảm trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng.
09:30 - 19/04/2024
622 lượt xem

Vụ giám đốc Nhã Nam xin lỗi: Góc nhìn về xử lý khủng hoảng truyền thông

Một số chuyên gia truyền thông nêu ý kiến về lời xin lỗi được đăng tải trên trang mạng xã hội của Nhã Nam có 1 triệu lượt theo dõi với những góc nhìn liên...
08:05 - 19/04/2024
584 lượt xem

Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài

Việc xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất có thêm lợi nhuận mà còn giúp hàng Việt Nam có cơ hội bằng chính thương...
11:08 - 18/04/2024
1,039 lượt xem