4
/
86289
Dịch cúm corona: Nỗi kinh hoàng của các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu?
dich-cum-corona-noi-kinh-hoang-cua-cac-nen-kinh-te-chau-a-da-bat-dau
news

Dịch cúm corona: Nỗi kinh hoàng của các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu?

Thứ 2, 10/02/2020 | 11:38:59
358 lượt xem

Các doanh nghiệp phụ thuộc vào các nhà máy và du khách Trung Quốc đã dần cảm nhân được tác động nghiêm trọng. Một số quốc gia bắt đầu thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế

Dịch cúm corona: Nỗi kinh hoàng của các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu? - 1

Khách du lịch đi bộ qua khu phố Tàu ở Bangkok.

Đối với Eilynn Lew, người sáng lập công ty thiết bị phòng tắm Eilumina, đầu năm thường là khoảng thời gian bận rộn. Cô có các triển lãm thương mại ở châu Âu phải tham dự và các thỏa thuận kinh doanh để ký kết, sau đó là việc gấp rút sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm nay, công ty của cô - một doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore, không chắc liệu có thể hoàn thành đơn hàng hay không vì các nhà máy Trung Quốc mà cô hợp tác cùng đã ngừng hoạt động.

Cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng khi chính quyền cố gắng hạn chế cơ hội lây truyền virus từ người sang người. Một số công ty đã hoạt động trở lại và các công ty khác nói rằng họ sẽ làm như vậy vào tuần tới, sau khi nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Nhưng với các báo cáo về những trường hợp lây nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, các doanh nhân như Lew lo lắng về việc khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

“Nếu các nhà máy không thể quay trở lại làm việc sớm, tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ”, cô nói.

Kịch bản trường hợp xấu nhất mà Lew phải đối mặt là sản lượng sản xuất của nhà máy không thể theo kịp các đơn và cô sẽ mất doanh thu - khoảng 80.000 đô la Singapore (58.600 USD) mỗi tháng.

“Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi, hiện tại, chúng tôi không thể làm gì nhiều”, cô nói.

Trên khắp thế giới, nỗi lo về sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng đang gia tăng. Nhà phân tích Nonarit Bisonyabut của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, Thái Lan sẽ không thể bán máy tính và linh kiện điện tử, sản phẩm hóa học, cao su và nhựa cho một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Ở New Zealand, đã có các báo cáo về việc xuất khẩu gỗ bị dừng lại và các công nhân buộc phải nghỉ việc về nhà, trong khi các chuyến hàng tôm hùm và tôm càng sống - những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán - đã bị đình chỉ. Chủng coronavirus mới đã lây nhiễm gần 40.000 người và giết chết hơn 800 người - vượt xa đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) năm 2003.

Trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của căn bệnh, Trung Quốc đã phong tỏa một số thành phố và cấm các nhóm du lịch nước ngoài, và các quốc gia từ Mỹ đến Singapore và Úc đang đóng cửa biên giới với khách du lịch từ Trung Quốc.

Vì Trung Quốc là một người khổng lồ về kinh tế, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 14 nghìn tỷ USD trong năm 2018 - chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu dựa trên ngang giá sức mua, theo Ngân hàng Thế giới - và với 68 triệu khách du lịch Trung Quốc đi du lịch quốc tế năm ngoái, các quốc gia đang chuẩn bị cho một sự tác động mạnh đến du lịch, dịch vụ và sản xuất. Thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng.

Dịch cúm corona: Nỗi kinh hoàng của các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu? - 2

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm mạnh do những lo ngại gia tăng về tác động của coronavirus.

Chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Úc, Warwick Mckibbin, ước tính tác động toàn cầu từ đợt bùng phát này sẽ gấp ba đến bốn lần so với cú đánh 40 tỷ USD của Sars vào năm 2003, khi GDP của Trung Quốc khi đó chỉ bằng 9% GDP toàn cầu. Các nền kinh tế hồi trước cùng ổn định hơn bây giờ, vì trước đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã là một lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.

Fitch cho biết nếu đợt dịch - lần đầu tiên được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái - kéo dài trong ba tháng, tác động kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn so với Sars do ảnh hưởng đến ngành dịch vụ.

Đại dịch Sars trong quý đầu năm 2003 đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm trong quý hai, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan đã giảm 4 điểm phần trăm, theo nhà môi giới Maybank Kim Eng. Phần còn lại của Asean không bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Thái Lan và Malaysia cũng đã tăng trưởng chậm hơn.

Các nhà nghiên cứu của Nomura đang dự đoán tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong quý đầu năm nay sẽ giảm mạnh, khoảng lớn hơn 2 điểm phần trăm, trong khi các nhà kinh tế của Bloomberg đang dự đoán mức tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% .

Trong một báo cáo hồi tháng 1, các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho biết Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) vì họ cởi mở hơn và phụ thuộc vào thương mại và du lịch Trung Quốc. Họ nói Malaysia và Việt Nam có thể sẽ chịu một tác động nhỏ hơn, với việc Indonesia và Philippines ít bị ảnh hưởng nhất.

Ngân hàng DBS Singapore cho biết trong một nghiên cứu vào thứ Sáu rằng họ đang hạ mức dự báo GDP thực tế năm 2020 của Singapore xuống còn 0,9%, từ mức 1,4%, do ảnh hưởng của đại dịch tới tâm lý người tiêu dùng, kinh doanh, du lịch và chuỗi cung ứng khu vực.

Điểm giới hạn?

Dịch cúm corona: Nỗi kinh hoàng của các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu? - 3

Du khách đeo khẩu trang tại sân bay Singapore, Changi.

Alex Feldman, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Asean, cho biết các doanh nghiệp Mỹ cũng đang lo lắng về tác động kinh tế của đại dịch.

“Giống như với cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuỗi cung ứng không thể được tái tạo lại chỉ sau một đêm”, ông nói.

Theo ông này, “bạn không thể chỉ muốn là xây dựng được một nhà máy trị giá hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đô la. Những điều này cần có thời gian, bất động sản cần có giấy phép, việc xây dựng cũng không phải một sớm một chiều. Vì vậy, nếu tính hình càng kéo dài, sẽ có nhiều tác động hơn và thực tế đã có một số tác động thấy rõ”.

Tuy nhiên, giữa những lo lắng, một số nhà phân tích cho rằng dịch bệnh sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á. Nhà phân tích người Thái Lan Nonarit cho biết cô dự kiến tình hình sẽ được kiểm soát trong vòng sáu tháng. Mặc dù virus này dễ lây lan hơn so với Sars, nhưng có nguy cơ [tử vong] thấp hơn và chính phủ Trung Quốc chia sẻ nhiều thông tin hơn so với trong cuộc khủng hoảng Sars.

“Khi Trung Quốc vật lộn với Sars năm 2003, họ vẫn đạt mức tăng trưởng GDP 10% trong năm đó”, cô nói.

Jareeporn Jarukornsakul, giám đốc điều hành của nhà phát triển bất động sản công nghiệp WHA Group, chỉ ra rằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng và việc di dời các công ty Trung Quốc sang Thái Lan là các dự án dài hạn và sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thái Lan đã cắt giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp kỷ lục, với việc thống đốc ngân hàng Trung ương thông báo trạng thái khẩn cấp.

Maybank Kim Eng dự đoán rằng sự tăng trưởng của Singapore sẽ tăng trở lại trong quý thứ hai của năm bất chấp dịch bệnh bùng phát và chính phủ nới lỏng kiểm soát biên giới.

Nhà kinh tế học CIMB Song Seng Wun cho biết, “Sẽ có những phục hồi hình chữ V. Mọi thứ sẽ sụt giảm trong quý đầu tiên những sẽ có sự phục hồi trong quý thứ hai.”

Trong đại dịch Sars, tác động tiêu cực đến GDP phần lớn chỉ giới hạn ở một quý. Các nền kinh tế bị giảm 4 điểm phần trăm trong quý hai năm 2003 đã tăng trở lại trong quý ba, với việc Singapore, Hồng Kông và Đài Loan tăng trưởng lần lượt 5,6, 4,6 và 6,6 điểm phần trăm.

Nhưng nhà kinh tế học của DBS, Irvin Seah nói rằng còn quá sớm để nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường” với tình hình bùng phát hiện tại, vì mọi thứ đang rất lỏng lẻo.

“Chúng tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu hoặc nghiêm trọng đến mức nào”, ông nói, và nói thêm rằng “Sự nguy hiểm của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, và từ đó làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu trong nước, như là cũng như năng suất của công nhân do việc có thể phải ở nhà. Sau đó, tác động kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện đang thấy bởi vì đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, đây sẽ trở thành vấn đề của khu vực và toàn cầu”.

Cityneon, nơi điều hành các triển lãm tương tác trên toàn cầu dựa trên các bộ phim bom tấn như The Hunger Games (Húng Nhại) và Avengers (Biệt đội siêu anh hùng), được cho là sẽ khai mạc Triển lãm Thế giới Khủng Long tại Thành Đô trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Thay vào đó, nó đã phải đóng cửa như những điểm thu hút lớn khác ở Trung Quốc. May mắn thay, giám đốc điều hành Ron Tan cho biết, công ty đã nhìn trước được tình hình để giảm thiểu tác động.

Francis Ng, người sở hữu Nhà hàng hải sản có trụ sở tại Singapore, đã đóng cửa hai nhà hàng tại Trung Quốc kể từ ngày 25 tháng 1. “Vì tiền thuê nhà, trả lương công nhân và chi phí khác, mỗi ngày chúng tôi mất khoảng 10.000 đô la Singapore”, ông nói.

Ưu điểm duy nhất đến từ một doanh nghiệp phụ mà ông đã mở ra vào năm ngoái: giao cua đông lạnh kín đóng chân không, sẵn sàng để ăn sau tám phút trong lò vi sóng.

“Vì nhiều người đang đặt hàng trực tuyến, số lượng cua bán được đã tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, đây là kế hoạch dự phòng của tôi”, ông nói thêm.

Theo Thùy Dung/Dân trí (nguồn Scmp)

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dich-cum-corona-noi-kinh-hoang-cua-cac-nen-kinh-te-chau-a-da-bat-dau-20200210062812243.htm

  • Từ khóa

Chú trọng chất lượng, vị thế hàng Việt ngày càng được nâng cao

Nhờ đầu tư vào công nghệ, chú trọng chất lượng, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng thế giới tin tưởng.
17:57 - 19/04/2024
285 lượt xem

Giá dầu tăng vọt sau tin Israel tấn công trả đũa Iran

Theo Đài CNN, giá dầu vào tối 18-4 (giờ Mỹ) tăng gần 4% và thị trường chứng khoán tại Mỹ giảm mạnh khi truyền thông đưa tin Israel tấn công Iran.
14:40 - 19/04/2024
365 lượt xem

Giá vàng hôm nay 19.4.2024: Sụt giảm trước ngày đấu thầu vàng miếng

Giá vàng trong nước sụt giảm trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng.
09:30 - 19/04/2024
580 lượt xem

Vụ giám đốc Nhã Nam xin lỗi: Góc nhìn về xử lý khủng hoảng truyền thông

Một số chuyên gia truyền thông nêu ý kiến về lời xin lỗi được đăng tải trên trang mạng xã hội của Nhã Nam có 1 triệu lượt theo dõi với những góc nhìn liên...
08:05 - 19/04/2024
545 lượt xem

Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài

Việc xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất có thêm lợi nhuận mà còn giúp hàng Việt Nam có cơ hội bằng chính thương...
11:08 - 18/04/2024
1,002 lượt xem